Hồi ký một đời người

02:02, 13/02/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Không một dòng lưu bút, chỉ là khắc ghi trong trái tim và khối óc, thế mà trang sử của cuộc đời gắn với sự nghiệp cách mạng của quê hương Ấn - Trà cứ lần lượt sang trang. Nguyên Khu ủy viên Khu 5, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Phạm Thanh Biền đã viết lại hồi ký của cả cuộc đời theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng như thế đó.
TIN LIÊN QUAN
Xuân này, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thanh Biền tròn 98 tuổi đời, 74 năm tuổi Đảng. Cụ Biền bảo: “Lạ chưa, đến lúc cuối đời lại nhớ chuyện ngày xưa, chuyện từ cái năm xa lắc mà nhớ mồn một, như mới ngày hôm qua vậy”.

Nhớ đồng bào Cor

Hằng đêm, trong không gian tĩnh lặng, lão ông gần 100 tuổi nhớ từng hình ảnh, lời nói của đồng bào Cor trước ngày Khởi nghĩa Trà Bồng cách đây gần 60 năm. Ông nhớ mỗi nóc nhà, nhớ con suối, ngọn đồi nơi ông từng ở và in dấu mỗi bước chân... Cụ Biền kể, năm 1958, đúng vào dịp Tết âm lịch, khi ấy ông là  Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, được giao nhiệm vụ làm trưởng đoàn cán bộ của tỉnh vượt đường rừng về Khu ủy báo cáo tình hình và xin chỉ thị khởi nghĩa vũ trang.
 
Đó là chuyến đi mà đến giờ ngẫm lại, ông bảo là “dư chết”, thế mà “hiểm nguy nào có sờn lòng”. Sau đó thì “Hội nghị Diên Hồng” chống Mỹ cứu nước của các dân tộc ở Trà Bồng diễn ra tại Gò Rô, xã Trà Phong, ngày 7.7.1958.
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm cụ Phạm Thanh Biền. Ảnh: PHƯƠNG LÝ
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm cụ Phạm Thanh Biền. Ảnh: PHƯƠNG LÝ

Hôm ấy, già Khánh, một người có uy tín trong đồng bào Cor nói: “Trong kháng chiến, có Bác Hồ, người Cor như chết rồi sống lại. Bây giờ cách mạng và Bác Hồ chỉ cho đánh Mỹ - Diệm không khác nào người đi trong đêm tối được ánh sáng soi đường”.
 
Đồng chí Phạm Thanh Biền thay mặt Tỉnh ủy trao cho Đại hội lá cờ thêu dòng chữ: “Đồng bào Trà Bồng quyết tâm theo cách mạng đến cùng”. Cụ Triều, cụ Kiến được cử lên nhận cờ đã phát biểu: “Nhân dân Trà Bồng, người dân tộc Cor xin hứa suốt đời theo Bác Hồ làm cách mạng, dù có chết, có cực khổ đến mấy, dù phải đánh hết đời này qua đời khác”.

Ngày 3.3.1959, tại xã Trà Thọ (Trà Bồng), đồng chí Phạm Thanh Biền -Trưởng Ban Quân sự tỉnh đọc quyết định thành lập đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của tỉnh, đơn vị 339. “Chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, đánh đổ Mỹ - Diệm, giành chính quyền về tay nhân dân”, lời tuyên thệ của đội quân năm ấy, nay vẫn như vang vọng.

Ngày 28.8.1959, từ xã Trà Phong, tiếng tù và, tiếng chiêng, tiếng mõ... nhất loạt nổi lên. Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng bùng nổ, sau đó nhanh chóng lan ra khắp miền Tây Quảng Ngãi và giành thắng lợi. “Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi thắng lợi đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh như một mốc son chói lọi, là một trong những cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên của đồng bào các dân tộc vùng căn cứ miền núi Nam Trung Bộ”, cụ Biền phấn khởi nói.
 
Đó cũng là ký ức không bao giờ quên trong cuộc đời của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thanh Biền, cuộc khởi nghĩa mà chính ông đã trực tiếp chỉ huy. Ông luôn được đồng bào Cor nhắc đến với tình cảm quý trọng, cũng bởi bóng hình ông cùng với lòng quả cảm in đậm trong từng trang sử oai hùng trên vùng đất quế.

Dũng cảm trước họng  súng quân thù

Trở lại với cuốn hồi ký không một dòng lưu bút của cụ Biền. Câu chuyện cuộc đời ông là những chuỗi ngày xông pha chiến trận, đó là con đường vinh quang được ông lựa chọn và cống hiến gần như cả cuộc đời. Có lẽ vì thế mà ông khắc sâu trong trái tim, khối óc của mình những năm tháng cùng với quân và nhân dân trong tỉnh chiến đấu hào hùng. Trong kháng chiến, ông vẫn luôn nhận nhiệm vụ khó về mình, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Là người đứng đầu Tỉnh ủy, ông luôn sát cánh cùng chiến sĩ nơi chiến trường.

Cụ Biền kể cho chúng tôi nghe câu chuyện thời chống Pháp. Năm 1951, khi ấy ông đang trên đường về Khu ủy dự đại hội thì được lệnh về lại Sơn Hà, vào đồn của tên chỉ huy đầu sỏ quân phiến loạn Đinh Ngô để thuyết phục, vận động. Cụ Biền nhờ mẹ nuôi của tên Đinh Ngô hẹn gặp. Đi giữa hai hàng lưỡi lê sáng loáng, đồng chí Phạm Thanh Biền mạnh mẽ, kiên cường.
 
Gặp Đinh Ngô, ông bảo: “Đây là bàn việc giữa người Việt Nam và người Việt Nam, bàn việc gia đình của mình, trước tiên các anh nên hạ cờ của Tây xuống, thứ hai là hạ cờ riêng của người Hrê. Mình là người cùng một dân tộc”. Đinh Ngô đồng ý cho lính hạ cờ và hẹn ngày đưa quân xuống Hà Thành. Nhưng sau đó, hắn bỏ trốn lên Kon Tum. Lúc bấy giờ, cụ Biền phát động trong nhân dân chống Đinh Ngô, dân tộc Hrê đoàn kết một lòng theo Cụ Hồ làm cách mạng.   

Hồi ký của người đứng đầu Tỉnh ủy Quảng Ngãi trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm là một câu chuyện dài được bắt đầu từ lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc ngoại xâm, và là chuyện theo suốt những năm tháng kháng chiến hào hùng của quê hương núi Ấn - sông Trà. Cụ Phạm Thanh Biền bảo: “Thời nào cũng vậy, phải có được lòng dân, vì nhân dân mà chiến đấu và cống hiến thì sự nghiệp cao quý của Đảng mới thành công”.
 
Những tên gọi theo năm tháng
Có lần, tôi hỏi cụ Phạm Thanh Biền về những cái tên của ông. Cũng giống cuộc đời của ông vậy, đó là những tên gọi gắn liền với từng giai đoạn kháng chiến. “Lam Sơn là bí danh hồi chống Pháp, chuyện là tôi rất khâm phục hai ông Lê Lợi và Nguyễn Trãi, nên đã lấy tên của nghĩa quân Lam Sơn. Thời chống Mỹ, tên gọi là Biền. Theo tiếng gọi của người Hrê “Biền” là “mình”, đồng bào vẫn thường gọi tôi là “anh mình”. Còn tên gọi Phạm Xuân Thưởng là tôi đặt lần thứ 2 trong kháng chiến chống Mỹ. Đó là vào năm 1965, sau thời gian ngắn ra miền Bắc học chính trị, tôi được Trung ương cho về lại miền Nam. Chuyến đi trong mùa xuân, trải qua biết bao hiểm nguy, gian khổ, khi đặt chân đến quê nhà thì niềm vui khôn tả và tôi đã đặt lại tên là Phạm Xuân Thưởng. Tên khai sinh của tôi là Phạm Ngọc Thuật…”, cụ Biền cười nói.
 

PHƯƠNG LÝ
 

.