"Cho tôi được hy sinh"

10:02, 10/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mùa xuân này là tròn 50 năm, nhưng câu chuyện về nữ cán bộ Văn phòng Huyện ủy Nghĩa Hành “xin được hy sinh” để đảm bảo an toàn cho đồng đội, cho tổ chức trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẫn không thể phai nhòa trong ký ức của những đồng đội năm xưa.

TIN LIÊN QUAN

Trong 2 năm (1968 - 1969), cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta bước vào giai đoạn hết sức cam go và khốc liệt. Lính Mỹ đã càn quét và tiến hành nhiều chiến dịch với quy mô lớn, nhằm uy hiếp phong trào cách mạng. Trên địa bàn huyện Nghĩa Hành lúc bấy giờ, cuộc chiến cũng đang trong thế trận giằng co. Với mục tiêu bám dân để giữ trận địa, mùa hè năm 1969, Văn phòng Huyện ủy Nghĩa Hành đã cử một đội công tác đi tiền phương ở xóm Kho, thôn Kỳ Thọ Nam, xã Hành Đức, nhằm theo sát chiến sự.

Ông Trần Bảo Phát, lúc bấy giờ là cán bộ tổng hợp, tham gia đội công tác nhớ lại: Bộ phận được tổ chức phân công đi theo đồng chí Bí thư Huyện ủy Võ Quyền có Chánh Văn phòng Huyện ủy Nguyễn Thị A (bí danh Ái Việt), Nguyễn Văn Thụy (Vũ), một nhân viên đánh máy, tổ giao bưu (3 người) và tôi... Dẫu biết chuyến đi đầy hiểm nguy, nhưng chúng tôi đều phấn khởi nhận lệnh lên đường.

Đến nơi, đội công tác dựng lán trại trong một góc vườn nhà dân ở xóm Kho, thôn Kỳ Thọ Nam, xã Hành Đức. Ngày hôm sau địch phát hiện, tập trung lực lượng đánh phá dữ dội ở khu vực này. Đến nửa đêm, thế trận tạm lắng xuống, được lệnh của cấp trên, bộ phận Văn phòng Huyện ủy phải lui vào núi Đình Cương để trú ngụ. Vì thế, ngay trong đêm, các thành viên trong đội công tác phải lội qua đầm Bàu Lát và một cánh đồng rộng lớn, nhưng cũng bị địch bắn pháo uy hiếp. Quyết không để chúng bắt sống, bộ phận theo đồng chí Bí thư Huyện ủy Võ Quyền chạy về một hướng, còn nhóm của đồng chí Trần Bảo Phát, Nguyễn Thị A... thì chạy vào một hang đá ở sườn phía bắc núi Đình Cương.

Tưởng như mọi việc không còn nguy hiểm, nhưng sáng sớm hôm sau, địch lại đổ quân lên núi Đình Cương và khu vực lân cận, để truy tìm đội công tác. Bọn chúng kéo đến miệng hang đá và phát hiện có thùng đại liên của cô văn thư đựng giấy đánh máy liền hô lớn: Bọn Việt cộng đây rồi! Phải bắt sống thôi! Rồi bọn chúng chĩa súng vào miệng hang đá kêu gọi đội công tác ra đầu hàng. Nghe thế, các thành viên đều nghĩ sẽ khó thoát khỏi nòng súng của kẻ địch, vì lúc này chị Nguyễn Thị A bị sốt, tiếng ho mỗi lúc một nặng và nhiều hơn.

Trong giây phút mà sự sống trở nên mong manh như thế, thì chị Nguyễn Thị A đã đưa ra một quyết định “xin được hy sinh”, vì sợ tiếng ho của mình có thể làm đồng đội bị bắt, tổ chức bị phát hiện. Ông Trần Bảo Phát kể: Lúc này, chị A đã “tự hy sinh” nhiều lần, nhưng không thành. Sau đó, chị yêu cầu có sự tác động của tôi để chị được hy sinh. Tôi chưa biết phải làm như thế nào thì chị nói tiếp: Đồng chí vì tôi, hay vì tổ chức? Nhanh lên!...

Rất may là lúc này ở cánh đồng phía bắc núi Đình Cương có một đàn vịt của người dân xuất hiện, thế là bọn lính đổ xô đi bắt vịt, nên cả nhóm thoát được. Ngay sau đó, chúng tôi thoát ra khu dân cư, rồi quay trở lại căn cứ. Nói về quyết định của mình, bà Nguyễn Thị A trải lòng: “Ai ở trong hoàn cảnh của tôi cũng sẽ làm như thế, vì không thể đánh đổi sự sống của mình với sự nghiệp cách mạng của cả dân tộc”.

Bà Nguyễn Thị A là người thôn Châu Me, xã Hành Thịnh, thoát ly tham gia cách mạng từ rất sớm. Bà là người chỉ huy đội quân tóc dài của huyện Nghĩa Hành tiến vào chi khu quận lỵ trong cuộc đấu tranh chính trị tháng 8.1965, dù địch có hành động đàn áp, nhưng bà đã xông vào đưa yêu sách, bị địch bắt giữ. Tuy nhiên, với lý lẽ sắc sảo, nên địch không khai thác ở bà được gì. Những năm tháng sau đó, bà A tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng cho đến ngày giải phóng thì lập gia đình, công tác và hiện đang sinh sống ở TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
 

PHÚ ĐỨC
 


.