Tác phẩm "Đạo đức cách mạng": Bài học có giá trị thực tiễn sâu sắc

02:01, 12/01/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trải qua hơn 60 năm, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Đó là bài học có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc mà mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần, qua đó góp phần xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh.

TIN LIÊN QUAN

Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Vì vậy, người cách mạng cần phải có đạo đức cách mạng”.    

Tác phẩm “Đạo đức cách mạng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh in trên Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) vào tháng 12.1958 với bút danh Trần Lực.                                      

Coi trọng lợi ích của Đảng, của nhân dân

Nói về nội dung tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, Thạc sĩ Nguyễn Bắc Phương, giảng viên chính Khoa Lý luận Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh (Trường Chính trị tỉnh) phân tích: Người cách mạng cần phải có chuẩn mực đạo đức cách mạng là: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đạo đức cách mạng phải được thể hiện ở chỗ đặt lợi ích của quốc gia, của dân tộc, của nhân dân lên trên lợi ích của cá nhân, "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ", không kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo...

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu: Đạo đức cách mạng “là vô luận trong hoàn cảnh nào, cũng phải quyết tâm đấu tranh, chống mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không chịu khuất phục, không chịu cúi đầu”. Theo Người, lời nói và việc làm của đảng viên rất quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng, vì nó ảnh hưởng lớn đến quần chúng. Vì vậy, trong bất kỳ tình huống khó khăn nào, cán bộ, đảng viên cũng phải kiên quyết làm đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng, gương mẫu trước quần chúng, nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng, phải ngăn ngừa và kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân.

Theo Người, chủ nghĩa cá nhân là "một thứ vi trùng mẹ, đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm", như quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Những căn bệnh đó làm cho cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất, làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Đảng, Nhà nước và uy tín của mỗi cán bộ, đảng viên.

"Để khắc phục, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đối với công việc, phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết. Đối với người, không nịnh hót kẻ trên, không xem thường kẻ dưới. Đối với bản thân, không được tự kiêu, tự đại, tự mãn, mà phải có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi. Mỗi cán cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng", Thạc sĩ Nguyễn Bắc Phương nhấn mạnh.

Đẩy mạnh học tập và làm theo Bác

 Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Người đã hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Đảng ta đã thẳng thắn nhận định: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất về đạo đức cách mạng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Do vậy, hơn lúc nào hết cần phải đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.

Vì lẽ đó, thời gian qua, các cấp ủy đảng trong tỉnh đã tăng cường công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, phong cách cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng chương trình hành động cụ thể để trên cơ sở đó mỗi cán bộ, đảng viên học tập và làm theo Bác sát với nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Các cấp ủy trong tỉnh lấy kết quả của việc học tập và làm theo Bác làm một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên, tổ chức cơ sở đảng hằng năm.

Thạc sĩ Nguyễn Bắc Phương cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng để tự hoàn thiện mình, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân được tốt hơn. Đối với tổ chức đảng, phải thường xuyên giám sát việc tổ chức thực hiện học tập và làm theo Bác, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những đảng viên suy thoái, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham ô, tham nhũng, làm phương hại lợi ích của nhân dân, của quốc gia, dân tộc. Có như vậy mới khắc phục được những căn bệnh nguy hiểm do chủ nghĩa cá nhân sinh ra mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ.

 Mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng sẽ góp phần xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với cán bộ, đảng viên. Trước mắt, mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự là tấm gương sáng về vấn đề đạo đức cách mạng, nhất là người đứng đầu, để quần chúng nhân dân noi theo.


   PHƯƠNG LÝ

 


.