Tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế: Một năm nhìn lại

03:12, 29/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng, dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2018 về "Tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; nâng cao kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; huy động nguồn lực xã hội; đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp".


Ngay từ đầu năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị tập trung cụ thể hóa chủ đề năm của tỉnh, bám sát nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương để xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra.

Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy

Với sự quyết tâm và thống nhất chủ trương trong toàn đảng bộ, năm 2018, Ban Thường vụ Huyện ủy Lý Sơn đã quyết định thành lập cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối mặt trận, nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động. Đồng thời, tiến hành nhất thể hóa một số chức danh ở cấp huyện theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII).

Các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy trao thư khen của Bí thư Tỉnh ủy cho những cá nhân được biểu dương
Các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy trao thư khen của Bí thư Tỉnh ủy cho những cá nhân được biểu dương "Những tấm gương bình dị mà cao quý" năm 2018. Ảnh: T.Thuận


Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Viết Vy cho biết: Huyện đã chuẩn bị rất kỹ về nhân sự, biên chế, sắp xếp vị trí việc làm. Do đó, công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy được tiến hành thuận lợi, tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc chuyển đổi mô hình cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, bước đầu phát huy được hiệu quả trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao.

Việc thực hiện hợp nhất các cơ quan của cấp ủy với cơ quan chuyên môn của chính quyền cấp huyện cũng đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất cho triển khai thực hiện ở những nơi có điều kiện. Cụ thể là, hợp nhất Ban Tổ chức Huyện ủy với Phòng Nội vụ, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy với Thanh tra huyện, Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện... Một số địa phương đã triển khai công tác này là TP.Quảng Ngãi, Bình Sơn, Đức Phổ, Lý Sơn...

Cùng với đó, các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh cũng tiến hành sắp xếp, giảm đầu mối bên trong theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đến nay, đã giảm 10/30 phòng chuyên môn và 2 cấp phó tại 6 cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; giảm 5 phòng và 3 cấp phó tại cơ quan mặt trận và các hội đoàn thể - xã hội tỉnh; giảm 12 phòng, ban thuộc các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Toàn tỉnh đã giảm 70 đơn vị sự nghiệp công lập.

Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cho biết: Số lượng đầu mối các đơn vị tham mưu của sở đến nay đã giảm 28 đơn vị. Sắp tới, Sở sẽ đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa tại một số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành nông nghiệp, nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư, nâng cao năng lực điều hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo tiền đề để các đơn vị sự nghiệp thực hiện mục tiêu tự chủ tốt hơn.

Việc tinh gọn tổ chức bộ máy hiện nay là chủ trương đúng đắn, nhằm tinh giản biên chế, từng bước giải quyết tình trạng bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả trong một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín cho biết: "Trên cơ sở sáp nhập, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị, tỉnh sẽ nghiên cứu, đề xuất trung ương kịp thời sửa đổi, bổ sung một số quy định, hướng dẫn cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan sau khi sáp nhập. Việc thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, đặc biệt là việc sáp nhập các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ trùng lắp, chồng chéo; nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ đối với các chức danh kiêm nhiệm, cán bộ dôi dư do sắp xếp".

“Mục tiêu cốt lõi của việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy, tinh giản biên chế là để xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là gắn bó sâu sát với nhân dân. Để làm được điều này, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu phải năng động, đổi mới, sáng tạo; quyết liệt trong điều hành và tổ chức thực hiện; lấy đổi mới, sáng tạo để khắc phục bảo thủ, trì trệ; lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực; lấy niềm tin, sự hài lòng của tổ chức, công dân làm thước đo hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị và của cán bộ, đảng viên".

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh LÊ VIẾT CHỮ


Nguồn nhân lực được nâng lên

Trong 2 năm qua, tỉnh đã điều động, luân chuyển 72 lượt cán bộ; mở 6 lớp đào tạo trình độ đại học cho 642 cán bộ, công chức (CB, CC) cấp tỉnh, huyện; cử 297 CB, CCVC đi đào tạo trình độ sau đại học; cử 45 lượt CB, CC đi học các lớp đại học chuyên ngành về công tác tổ chức, kiểm tra, tôn giáo... Tuyển chọn cử 4 học sinh, sinh viên đi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước; tổ chức thi tuyển công chức và giáo viên. Qua triển khai chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tỉnh đã thu hút 28 người đến công tác, làm việc tại tỉnh; cử các y, bác sĩ giỏi và một số cán bộ đi bồi dưỡng chuyên sâu ở các bệnh viện lớn, có uy tín trong và ngoài nước...

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo đổi mới công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, chặt chẽ và đúng quy định. Tỉnh ủy gợi ý nội dung kiểm điểm đối với một số tập thể, cá nhân có vấn đề nổi cộm. Sau kiểm điểm đều có kết luận, đánh giá xếp loại đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý để làm cơ sở thực hiện sắp xếp, bố trí cán bộ... Với nhiều giải pháp đồng bộ, sau 2 năm thực hiện Kết luận 17 của Tỉnh ủy, chất lượng đội ngũ CB, CCVC từng bước được nâng lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị đề ra.

Bí thư Huyện ủy Đức Phổ Huỳnh Quý cho biết: Hằng năm, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đều tổ chức khảo sát, dự báo nhu cầu nhân lực để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CB, CCVC. Công tác rà soát, bổ sung nguồn quy hoạch cán bộ được thực hiện đảm bảo số lượng, chất lượng và cơ cấu theo quy định, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Tuy nhiên, việc thực hiện Kết luận 17 của Tỉnh ủy cũng còn một số hạn chế cần tập trung khắc phục. Đó là, công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số địa phương, đơn vị thiếu tầm chiến lược. Việc đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí sau quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức. Công tác luân chuyển chưa được chú trọng, số lượng cán bộ luân chuyển còn ít, có nơi chưa thực hiện. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp chưa theo kịp yêu cầu đổi mới. Tỷ lệ sinh viên sư phạm tốt nghiệp loại khá, giỏi vào giảng dạy ở các cấp học còn thấp. Chậm thay đổi chính sách ưu đãi thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến công tác, làm việc tại tỉnh. Một số địa phương, đơn vị chưa chủ động sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII)...


T.THUẬN- B.SƠN

 

 


.