Nghĩa tình người lính Cụ Hồ

09:12, 25/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về một thời hoa lửa hào hùng vẫn luôn đọng lại trong tâm trí những người lính Cụ Hồ năm xưa.

TIN LIÊN QUAN

Chủ tịch Hội CCB huyện Tư Nghĩa Vũ Tấn Thành chia sẻ: "Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, ai đã từng là bộ đội, hay thanh niên xung phong, đều có những kỷ niệm sâu sắc về tình đồng chí, đồng đội. Chuyện nhường cơm sẻ áo, hy sinh vì nhau trong kháng chiến là điều quá đỗi bình thường với chúng tôi. Dù không phải là người thân, không cùng quê hương, nhưng cùng một chiến hào, cùng tham gia kháng chiến thì cũng như người một nhà”.

Cựu chiến binh Phan Văn Biên, ở xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) đến thăm Mẹ VNAH Trần Thị Thạnh, người được ông bảo vệ, dẫn lên vùng giải phóng năm xưa.
Cựu chiến binh Phan Văn Biên, ở xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) đến thăm Mẹ VNAH Trần Thị Thạnh, người được ông bảo vệ, dẫn lên vùng giải phóng năm xưa.

Lời chia sẻ của ông Thành cũng là suy nghĩ của những người từng là lính Cụ Hồ. Đối với họ, tình đồng chí, đồng đội rất đỗi  thiêng liêng. Ông Nguyễn Bá Dũng, thương binh hạng 1, ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) vẫn nhớ như in những trận đánh mà ông từng tham gia, những người đồng đội đã cùng ông vào sinh ra tử.
 
Ông Dũng xúc động kể: Tôi nhớ nhất là vào tháng 4.1972, ở vùng lõm Nghĩa Hòa, Đại đội 75 của huyện phối hợp với Tiểu đoàn 7 chống địch càn quét. Lúc đó, tôi là Trung đội trưởng, có nhiệm vụ ở trên miệng hầm để quan sát, theo dõi địch, phía dưới hầm có 6 đồng chí. Bất ngờ địch ném bom trúng ngay lưng hầm, tôi ở trên miệng hầm nên thoát chết.  Tôi vội mò mẫm vừa đào đất, đá, vừa gọi các đồng chí nhưng chỉ nghe một tiếng nói thoi thóp. Dù bản thân rất mệt, đau đớn nhưng tôi cố gắng đào đất để cứu đồng đội, nhưng chỉ có một đồng chí còn sống...".

Người đồng đội ông Dũng cứu là nữ y tá Đặng Thị Lý, khi ấy chỉ mới tuổi đôi mươi.  “Sự sống và cái chết trong chiến tranh chỉ cách nhau trong gang tấc, nên những người lính luôn sẵn sàng đương đầu với mọi hiểm nguy. Tình đồng chí, đồng đội trong chiến đấu còn hơn cả tình thân ruột thịt, có đồng chí còn nhường nhau cả sự sống", ông Dũng nói.

Với ông Phan Văn Biên (63 tuổi), ở xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa), kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những tháng năm tham gia kháng chiến là chiếc võng luôn mang theo bên mình. Trên chiếc võng đó, ông Biên đã khiêng 2 đồng đội hy sinh và cứu sống được một người. “Sau mỗi lần cứu thương, khiêng đồng đội chôn cất là máu nhuốm cả chiếc võng. Chiếc võng đó theo tôi suốt những năm chiến đấu, như nhắc nhở tôi về sự hy sinh của đồng đội và phải theo đuổi đến cùng lý tưởng cách mạng, anh dũng chiến đấu đến ngày đất nước giải phóng”, ông Biên trải lòng.

Trong ký ức của ông Biên, không chỉ có tình đồng đội, đồng chí, mà đọng lại sâu sắc tình quân dân bền chặt. Từng là du kích địa phương nên ông Biên gắn bó với nhân dân như người thân ruột thịt. "Dân là người nuôi bộ đội, du kích và khi có nguy hiểm thì bộ đội là người sẵn sàng bảo vệ dân", ông Biên nói. Ông Biên đã nhiều lần bất chấp hiểm nguy chỉ đường, bảo vệ những người già, trẻ em lên vùng giải phóng. Đến bây giờ, nhiều người vẫn còn sống và luôn nhắc đến ông Biên với tình cảm quý trọng.
 
“Trong số những người tôi dẫn  lên vùng giải phóng có mẹ VNAH là Trần Thị Thạnh, ở xã Nghĩa Thuận. Mẹ Thạnh hiện vẫn còn sống. Lúc rãnh, tôi vẫn thường đến thăm Mẹ. Con của mẹ là đồng chí, đồng đội của tôi, họ đều hy sinh. Tôi cũng như con của Mẹ”, ông Biên tâm tình.

Gặp những người lính năm xưa, dù trên người ai cũng chằng chịt vết thương, nhiều ký ức dần mờ đi theo tuổi tác, nhưng những năm tháng cùng đồng đội vào sinh ra tử, đấu tranh để đất nước được độc lập, tự do chẳng phai nhòa. Với họ, dù gian khó, ác liệt nhưng đó là quãng thời gian đáng nhớ và ý nghĩa nhất của cuộc đời.


Bài, ảnh: HIỀN THU



 


.