Khi người dân làm chủ

05:12, 04/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 20 năm thực hiện Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị, nhất là sau 3 năm thực hiện Kết luận 120 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDC), vai trò làm chủ của nhân dân không ngừng cải thiện, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội...


Điện An 2 là thôn đi đầu trong xây dựng nông thôn mới (NTM) của xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa). Để xây dựng nhà văn hóa, cổng chào và các tuyến đường giao thông nông thôn, thực hiện dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang thành công 25ha ruộng... các gia đình trong thôn đã tự nguyện đóng góp ngày công, kinh phí để thực hiện.

Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phổ An (Đức Phổ) đã có nhiều phản biện liên quan đến quy chế hoạt động của nhà văn hóa xã.                                                                                                                                                                                                                                                                                     ẢNH: Ng.Triều
Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phổ An (Đức Phổ) đã có nhiều phản biện liên quan đến quy chế hoạt động của nhà văn hóa xã. ẢNH: Ng.Triều


Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Điện An 2 Mai Xuân cho biết: "Từ ngày có chủ trương xây dựng NTM, người dân trong thôn đã ủng hộ trên 3 tỷ đồng. Đây là số tiền không nhỏ. Nhờ tuyên truyền, vận động đúng, trúng, kịp thời và phát huy quyền làm chủ trong giám sát, triển khai thực hiện, nên người dân sẵn sàng hiến đất, góp công và tiền để xây dựng NTM".

Thực hiện QCDC, Chi bộ, Ban dân chính thôn Điện An 2 đã công khai các khoản thu, chi để "dân biết, dân kiểm tra". Trong xây dựng NTM, việc thực hiện QCDC có vai trò quan trọng và quyết định sự thành công các nhiệm vụ, phần việc tại địa phương.  

Ông Nguyễn Truân, người dân thôn Điện An 2 cho biết: Trước khi triển khai xây dựng NTM, tất cả người dân trong thôn đều dự các cuộc họp và nêu ý kiến trước những chủ trương, kế hoạch thực hiện của chi bộ, thôn đưa ra. Như việc chỉnh trang cánh đồng Bắc, thôn tổ chức họp đến lần thứ ba người dân chúng tôi mới đồng tình. Lý do chưa thống nhất là sợ chở đất đi, sợ ruộng xấu...

Sau này, nghe cán bộ giải thích rõ ràng, thấy lợi ích chỉnh trang đồng ruộng, có đường lớn để chở lúa, rạ dễ dàng, nên tôi cũng đi vận động để người dân đồng thuận. Trong quá trình triển khai thực hiện, những khoản thu, chi xây dựng nhà văn hóa, đường làng ngõ xóm, dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng... đều công khai minh bạch, có sự giám sát của đại diện nhân dân, nên chúng tôi sẵn sàng góp tiền, hiến đất để xây dựng NTM. Gia đình tôi có 5 người, đã đóng góp từ 300 - 500 nghìn đồng/người để xây dựng hạ tầng và các thiết chế văn hóa của thôn.

Một trong những điểm nổi bật trong thực hiện QCDC thời gian qua là, thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng, người dân đã phát huy quyền làm chủ, tham gia trực tiếp vào các hoạt động ở địa phương.

Theo thống kê từ năm 2016 đến nay, ban thanh tra nhân dân các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã giám sát hàng trăm vụ việc về hoạt động của chính quyền và của đại biểu dân cử, việc làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, xây nhà văn hóa thôn, thu - chi các loại quỹ do nhân dân đóng góp và việc xây dựng NTM...

Người dân thôn Điện An 2, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) tham gia giám sát việc chỉnh trang đồng ruộng.
Người dân thôn Điện An 2, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) tham gia giám sát việc chỉnh trang đồng ruộng.


“Từ thực tiễn có thể khẳng định, việc thực hiện tốt QCDC là một trong những yêu cầu không thể thiếu trong quá trình xây dựng NTM ở huyện Nghĩa Hành. Thực hành dân chủ không chỉ là mục tiêu, động lực mà còn là “chìa khóa” tập hợp khối đại đoàn kết và huy động sức mạnh tổng hợp, phát huy sức sáng tạo của nhân dân”, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Phan Bình khẳng định.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở của tỉnh, từ khi thực hiện Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị, việc xây dựng và thực hiện QCDC ở các loại hình tương đối tốt. Hầu hết các xã, phường, thị trấn đã thực hiện tốt nội dung công khai; chất lượng phục vụ của chính quyền cơ sở nâng lên, vai trò chủ thể của nhân dân được phát huy.

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở của tỉnh sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện QCDC các cấp; thực hiện công khai, minh bạch các kế hoạch, quy hoạch, dự án đến người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới lề lối, tác phong làm việc; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết dứt điểm các kiến nghị, tránh để xảy ra tình trạng khiếu nại kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.


Bài, ảnh: THANH THUẬN


 


.