Thiêng liêng Tết Độc lập

10:09, 01/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc.

TIN LIÊN QUAN

Xúc động, tự hào và trào dâng tình yêu đất nước, đó là những gì hiển hiện trong trái tim, khối óc của mỗi người dân Việt Nam khi nghe Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Dù đã 73 năm trôi qua, cảm xúc ấy vẫn vẹn nguyên trong lòng mỗi người và được trao truyền qua các thế hệ.

 
----------------
 Bước ngoặt đổi đời

Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2.9 năm 1945 đánh dấu sự đổi đời của người dân Việt Nam qua bao đời sống cảnh nô lệ lầm than. Tại Quảng Ngãi, khí thế toàn dân vùng lên chặt đứt xiềng xích nô lệ, giành chính quyền về tay nhân dân vào tháng tám năm 1945 không thể diễn tả hết bằng lời. Nhân dân vui sướng tột cùng khi cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi và Uỷ ban Nhân dân cách mạng tỉnh được ra mắt. Quảng Ngãi là địa phương khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi tương đối sớm so với cả nước.

 

Trong chuyến về thăm Quảng Ngãi mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã đến thăm và chúc sức khỏe Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Phạm Thanh Biền.
Trong chuyến về thăm Quảng Ngãi mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã đến thăm và chúc sức khỏe Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Phạm Thanh Biền.
 
Đã 98 tuổi đời, vậy mà cụ Phạm Thanh Biền, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi vẫn nhớ như in sự kiện lịch sử năm ấy. “Nhân dân ở khắp nơi trong tỉnh vùng lên khởi nghĩa như cơn bão táp, đó là bão táp cách mạng. Không gì có thể đánh bại được lòng yêu nước, sức mạnh của nhân dân. Từ đây, nhân dân ta được đổi đời, làm chủ vận mệnh của mình... Ngày 2.9.1945, nhân dân khắp các địa phương tập trung về tỉnh dự mittinh. Phấn khởi nhất là khi nghe rất rõ giọng của Bác Hồ qua loa phát thanh, Bác đang đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập”, cụ Biền kể.

Nhiều bậc cao niên đã xúc động rơi nước mắt khi kể câu chuyện về Tết Độc lập. Cụ Trần Ngọc Giao (92 tuổi), ở thôn Tập An Nam, xã Phổ Văn (Đức Phổ) nguyên là đại tá trong quân đội kể: “Hôm ấy là ngày 2.9.1960, tại lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh diễn ra ở Hà Nội, tôi cùng với đồng đội được đơn vị bố trí đứng ở phía trước để được nhìn thấy Bác Hồ trước khi trở lại miền Nam chiến đấu. Niềm hạnh phúc trào dâng trong lòng mỗi người khi nhìn thấy Bác. Ai cũng tự hứa với lòng quyết chiến, quyết thắng như lời Bác căn dặn”.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dẫu sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc, đại tá Trần Ngọc Giao vẫn đặt lên trên hết trách nhiệm với Đảng, với dân, cống hiến hết mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Cụ Giao cho biết, ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền 14.8.1945, ông hòa vào dòng người biểu tình với tiếng trống, tiếng mõ rầm vang khắp làng trên, xóm  dưới.
 
“Cũng từ đó, tôi hiểu về cách mạng và hiểu được rằng không có con đường nào khác, phải theo Đảng làm cách mạng mới thoát khỏi cảnh sống nô lệ. Mười ngày sau đó, tôi tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc. Năm 1948 thì nhập ngũ. Biết là ra đi có thể không trở về, nhưng trách nhiệm đối với non sông không cho phép mình ngần ngại, phải ra đi để giành độc lập dân tộc, giành ruộng đất cho dân cày”, cụ Giao nói.

Cụ ông Đỗ Nhơn (97 tuổi) ở thôn 1, xã Đức Tân (Mộ Đức) thì bảo rằng: “Không chỉ đời của tôi mà đời con, đời cháu đều biết ơn Đảng, biết ơn Cụ Hồ. Không thể kể hết lầm than, tủi nhục khi phải sống trong cảnh mất nước, mất độc lập, tự do... Giờ thì sướng quá rồi. Người dân đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc khi được sống trong độc lập, tự do".
 
73 năm trôi qua, những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong bản Tuyên ngôn Độc Lập về quyền con người, quyền dân tộc, về khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên cường để giữ vững độc lập, tự do vẫn vẹn nguyên tính thời sự và có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

----------------
 
Phát huy truyền thống tự lực, tự cường

Trong cuộc chiến tranh vệ quốc, Quảng Ngãi được biết đến là mảnh đất kiên cường, bất khuất. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Phạm Thanh Biền khi ông nói đến quê hương mình. “Người dân Quảng Ngãi có truyền thống yêu nước sâu sắc, tự lực, tự cường. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào cũng đều vượt qua để giành thắng lợi, điều này được minh chứng rõ ràng nhất từ trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sau ngày giải phóng, cán bộ và nhân dân trong tỉnh đoàn kết một lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức để xây dựng quê hương ngày càng phát triển”, cụ Biền nói.

Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, với sự đoàn kết, quyết tâm của toàn đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, Quảng Ngãi đã đạt được nhiều thành tích nổi bật. Qua rà soát, dự báo đến cuối nhiệm kỳ có khả năng thực hiện đạt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.

Trong chuyến công tác mới đây tại Quảng Ngãi, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhận định, Quảng Ngãi đã vượt qua khó khăn, hoàn thành tương đối tốt nhiệm vụ mà Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị chuyển biến tích cực.
 
Tỉnh đã chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo; phát huy được trách nhiệm của người đứng đầu và sự linh hoạt, sáng tạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá. Thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Văn hóa-xã hội tiếp tục phát triển; công tác an sinh xã hội được quan tâm, quốc phòng-an ninh được giữ vững.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, Quảng Ngãi là vùng đất địa linh nhân kiệt, do vậy tỉnh cần khai thác thế mạnh từ giá trị của truyền thống văn hóa, con người Quảng Ngãi, tạo thành sức mạnh để xây dựng quê hương phát triển hơn nữa.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ


 

.