Tên tuổi đồng chí Trương Quang Trọng mãi trường tồn với thời gian

09:06, 26/06/2018
.

Chân dung đồng chí Trương Quang Trọng.
Chân dung đồng chí Trương Quang Trọng.

(Báo Quảng Ngãi)- LTS: Hôm nay (26.6), Tỉnh ủy Quảng Ngãi phối hợp với Tỉnh ủy Kon Tum và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Khoa học cấp Quốc gia với chủ đề: “Đồng chí Trương Quang Trọng - Người chiến sĩ cộng sản kiên cường của quê hương núi Ấn - sông Trà”. Nhân dịp này, Báo Quảng Ngãi trích đăng nội dung chính của một số tham luận, để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến của đồng chí Trương Quang Trọng đối với phong trào cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Ngãi.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, TS.Phạm Quang Nghị: “Sẵn sàng hiến dâng tuổi trẻ cho sự nghiệp cách mạng”

Bài học lớn, xúc động và sâu sắc nhất mà chúng ta rút ra từ những trang tư liệu quý giá về đồng chí Trương Quang Trọng là bài học về tấm gương thanh niên giàu lòng yêu nước, sống có lý tưởng - lý tưởng cộng sản, lý tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc. Với niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cao đẹp ấy, đồng chí đã sẵn sàng hiến dâng tuổi trẻ, tình yêu và cuộc sống của mình. Đó là bài học lớn đầu tiên đối với mỗi chúng ta, với hôm qua, hôm nay và mãi mãi.

Trong cuộc sống hôm nay, không đòi hỏi ai đó phải chứng minh lòng trung thành với lý tưởng cách mạng và lòng yêu Tổ quốc như cách mà đồng chí Trương Quang Trọng đã chứng minh. Nhưng những yêu cầu, đòi hỏi về lòng yêu nước, một lòng một dạ phấn đấu vì tự do, độc lập của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân vẫn luôn là một yêu cầu, đòi hỏi thường xuyên và bắt buộc đối với mỗi người Việt Nam trong mọi thời đại. Trong số những lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ, đảng viên, có một lời dạy bao trùm và ngắn gọn mà nếu ai thực hiện được điều đó thì cũng có thể tự cho mình là người thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ. Đó là phải tận trung với nước, tận hiếu với dân.

Sự hy sinh của đồng chí Trương Quang Trọng là lời nhắc nhở cho những ai đã quên, hay đang cố tình quên hãy nhớ cái giá máu xương mà dân tộc ta đã đổ xuống để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Bài học và tấm gương hy sinh cao cả của đồng chí là tiếng nói bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận lịch sử đấu tranh vô cùng oanh liệt của dân tộc ta.
 
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ: “Tấm gương bất tử”

Trong thiên sử vàng của lịch sử dân tộc, của Đảng Cộng sản Việt Nam, tỉnh Quảng Ngãi vô cùng tự hào là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quê hương Quảng Ngãi kiên cường đã sinh ra nhiều anh hùng dân tộc, các vị tướng lĩnh, các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành, các nhà văn hóa, nhà thơ, những người con ưu tú đã làm rạng danh quê hương, non sông đất nước, trong đó có đồng chí Trương Quang Trọng - Bí thư đầu tiên của Tỉnh hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Quảng Ngãi.
 

 

 Nhờ thờ tộc họ Trương ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi).
Nhờ thờ tộc họ Trương ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi).

Hành động hiên ngang đứng trước họng súng của kẻ thù, nhận chết thay cho bạn (đồng chí Nguyễn Lung) của đồng chí Trương Quang Trọng đã nêu cao tấm gương bất tử, sáng ngời về tình bạn, tình đồng chí, đồng đội. Đó là một hành động anh hùng trong lịch sử đấu tranh cách mạng vĩ đại của dân tộc ta. Tiếp nối tinh thần quả cảm, anh dũng của đồng chí Trương Quang Trọng, toàn thể anh em trong ngục Kon Tum đã tiếp tục đấu tranh làm cho thực dân Pháp và bọn tay sai vô cùng hoảng sợ, buộc chúng phải thay đổi chế độ lao tù hà khắc đối với tù chính trị, bỏ ngay công trường làm đường và bãi bỏ vĩnh viễn ngục Kon Tum vào tháng 12.1935. Cuộc đời hoạt động cách mạng và những công hiến của đồng chí Trương Quang Trọng có ý nghĩa lớn đối với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Ngãi.

Phó Viện trưởng Viện Sử học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ: “Người đầu tiên tổ chức truyền thụ chủ nghĩa Mác - Lênin ở Quảng Ngãi”

Đồng chí Trương Quang Trọng là một trong những người đầu tiên tổ chức truyền thụ chủ nghĩa Mác - Lênin ở Quảng Ngãi. Năm 1927, sau khi học tập từ nước ngoài về, đồng chí đã tổ chức nhiều lớp huấn luyện cấp tốc, lập cơ quan ấn loát, xuất bản tờ báo Dân cày và Thanh niên để phổ biến những văn kiện của tổng bộ, những tài liệu của đồng chí Nguyễn Ái Quốc giảng dạy tại các lớp huấn luyện ở Quảng Châu, Trung Quốc được tập hợp trong quyển “Đường kách mệnh”. Thông qua các lớp học này, nhận thức của thanh niên, học sinh, quần chúng yêu nước được nâng lên, từ bỏ con đường đấu tranh theo khuynh hướng cải lương. Nhờ có đường hướng đúng đắn, nên chỉ một thời gian ngắn, Tỉnh hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Quảng Ngãi đã có cơ sở ở hầu hết các huyện đồng bằng.

Tháng 7.1928, sau khi dự Hội nghị đại biểu của Kỳ bộ Thanh niên Trung Kỳ ở Đà Nẵng về, đồng chí đã bàn bạc cùng với các đồng chí của mình về việc thành lập đảng cộng sản để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Với ý chí và sự quyết tâm thành lập một đảng cộng sản tại quê hương Quảng Ngãi, vài ngày sau, tại núi Xương Rồng (Đức Phổ), đồng chí đã chủ trì phiên họp, quyết định thành lập tổ chức “dự bị cộng sản”. Sự ra đời của các chi bộ “dự bị cộng sản” đã gây nhiều khó khăn cho thực dân Pháp và bộ máy cai trị. Vì vậy, thực dân Pháp đã tìm mọi cách để truy tìm tung tích, vây bắt đồng chí và triệt phá các tổ chức đảng.
 
Ths. Trần Thị Thu Hương, Trường Chính trị tỉnh Kon Tum: “Người khởi xướng cho cuộc đấu tranh lưu huyết tại ngục Kon Tum”


Tinh thần: “Chết để sống”, “chết một người để cứu muôn người” của đồng chí Trương Quang Trọng được thực hiện một cách dũng mãnh trước mặt bọn thực dân hung ác, tiếp thêm sức mạnh cho anh em quyết tâm chiến đấu, không sợ hy sinh để đòi lại quyền sống, quyền tự do, độc lập. Bản lĩnh, khí phách hiên ngang của đồng chí đã khởi xướng cho cuộc đấu tranh lưu huyết tại ngục Kon Tum, là một sự kiện lớn, gây chấn động đối với thực dân Pháp ở ngay tại Kon Tum và toàn cõi Đông Dương, khiến cho chúng phải thay đổi chế độ đối xử với tù chính trị ở Đông Dương.

Tám mươi bảy năm đã trôi qua, quá khứ đã khép lại, lịch sử đã sang trang, nhưng những tội ác của thực dân, đế quốc đã gây ra cho dân tộc Việt Nam mãi mãi không bao giờ xóa được trong tâm trí của những người Việt Nam yêu nước. Hình ảnh đồng chí Trương Quang Trọng và những người tù chính trị đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho đất nước, vì lý tưởng của Đảng đã đi vào lịch sử một ngục Kon Tum kiên cường, bất khuất – một biểu tượng về lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, kiên trung, anh dũng của những người cộng sản.

Quyền Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi Lê Hồng Khánh: “Luôn tiếp thu những tư tưởng mới”

Chứng kiến phong trào đấu tranh sôi nổi của trí thức và nhân dân Hà Nội, người sinh viên Trương Quang Trọng vốn đã có những bước đi đầu tiên trên con đường lập chí ở Huế, đã nhanh chóng trở thành một thành viên tích cực của phong trào. Nếu việc tham gia thành lập Hội Ái hữu học sinh Trung Kỳ là bước đầu tiên đưa đồng chí đến với các hoạt động đấu tranh yêu nước, thì việc tham gia phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh, rồi bị đuổi học là một bước dấn thân mới vào con đường thực hiện hoài bão, lý tưởng của một thanh niên yêu nước.

Với việc tham gia các phong trào này, Trương Quang Trọng đã tiếp xúc với những nhân vật nhiều trăn trở vì vận nước, đồng thời là những gương mặt tranh đấu trên chính trường, như Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai, Trần Huy Liệu, Nguyễn Khánh Toàn... Chính Tôn Quang Phiệt là người có ảnh hưởng lớn, tác động trực tiếp đến việc đồng chí Trương Quang Trọng tham gia Đảng Tân Việt. Qua đó đã làm cho đồng chí trưởng thành hơn về mặt chính trị, đồng thời chủ động trong hành động cách mạng. Từ đây, đồng chí không chỉ là người hưởng ứng, mà còn là người tích cực, chủ động tham gia phong trào, tự giác thực hiện trách nhiệm cách mạng./.


 

 


.