Người đi tìm đường cứu nước

03:06, 05/06/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hành trình suốt 30 năm, đi qua 28 quốc gia, vùng lãnh thổ để khảo sát thực tiễn xã hội và thân phận những người cùng khổ, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra chân lý: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Để có phát kiến vĩ đại cho dân tộc là cả một quá trình đấu tranh từ nhận thức đến hành động đầy khó khăn, thử thách, thể hiện tư duy độc lập, sáng tạo và lòng yêu nước nồng nàn của Nguyễn Ái Quốc. Đó cũng là hành trình hoàn thành về cơ bản Tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam hành động cho Đảng và nhân dân ta.

Bến cảng Nhà Rồng (TP.Sài Gòn) năm 1911, nơi Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.                                     Ảnh: Internet
Bến cảng Nhà Rồng (TP.Sài Gòn) năm 1911, nơi Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh: Internet


Giữa thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp xâm lược nước ta, Triều Nguyễn đầu hàng, thừa nhận quyền bảo hộ của Nhà nước Pháp trên toàn cõi Việt Nam. Trong khi phong trào yêu nước chống thực dân xâm lược nổ ra mạnh mẽ khắp mọi miền đất nước; phong trào cứu nước theo ý thức hệ phong kiến: Phong trào "Cần Vương" của vua Hàm Nghi, khởi nghĩa Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám... đều bị thất bại. Phong trào cứu nước theo lập trường tư sản dân tộc: Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh... cũng không thành công.

Phong trào cứu nước giải phóng dân tộc đứng trước một cuộc khủng hoảng không lối thoát cả về lý luận, đường lối và phương pháp đấu tranh. Làm thế nào đánh đuổi được thực dân Pháp xâm lược, giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân? Đó là những câu hỏi lớn của dân tộc in đậm trong tâm khảm Nguyễn Tất Thành lúc bấy giờ.

Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đầy biến động của đất nước; kế thừa truyền thống yêu nước, bất khuất của dân tộc, quê hương và gia đình. Lúc thiếu thời Nguyễn Tất Thành sớm biết nỗi đau, nỗi nhục của một dân tộc mất nước, sớm có ý chí xả thân cứu nước. Bằng tư duy chính trị nhạy bén và sáng tạo, Nguyễn Tất Thành tìm đường cứu nước bằng con đường riêng của mình.

Ngày 5.6.1911, từ bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lên tàu Amiran Latutsơ Tơrêvin sang phương Tây mang theo một khát vọng cháy bỏng-tìm đường giải phóng cho dân tộc mình. Khi trò chuyện với nhà văn Mỹ Anna Louise Strong, Người nói: "Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi".

Qua gần 10 năm tìm đường cứu nước đầy chông gai, gian khổ, vào một ngày tháng 7.1920, Nguyễn Ái Quốc đọc "Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa" của V.I Lênin đăng trên báo Nhân Đạo số ra ngày 16 và 17.7.1920. Người "cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng... vui mừng đến phát khóc...", vì Luận cương của V.I Lênin đã giúp cho Người xác định con đường cứu nước cho dân tộc một cách đúng đắn: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Cũng từ Luận cương này đã làm thay đổi về chất trong tư tưởng chính trị của Nguyễn Ái Quốc - từ chủ nghĩa yêu nước chân chính, Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và trở thành người Cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Để thực hiện đường lối cứu nước đúng đắn này, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thành lập Đảng ta, xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội để tập hợp, tổ chức, giáo dục nhân dân tạo sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cùng với Đảng xây dựng, hoàn thiện đường lối lãnh đạo, đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi.

Sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới. Đối với dân tộc Việt Nam, đây là dấu son mở đầu  trang sử mới trong lịch sử dân tộc, với việc xác định con đường cứu nước đúng đắn đã đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác...

Thắng lợi cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam là nguồn cổ vũ lớn lao đối với phong trào cách mạng thế giới. Công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước của Đảng đang là sự tiếp nối thành công con đường cách mạng vẻ vang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn. Ý nghĩa to lớn và những bài học sâu sắc của hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ sẽ mãi mãi là nguồn cảm hứng, là động lực thôi thúc nhân dân ta quyết tâm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.


       ThS. Trần Công Lượng



 


.