Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11.6.1948-11.6.2018)
Những giá trị vững bền

09:06, 11/06/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Sinh thời, trong quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề thi đua, các phong trào thi đua yêu nước và xác định đó là nhiệm vụ quan trọng trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc cũng như trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

Hiện nay, trong thời kỳ đổi mới, hội nhập toàn diện của đất nước nói chung, các địa phương tỉnh Quảng Ngãi nói riêng, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.
 

TIN LIÊN QUAN

Cách đây 70 năm, trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta còn nhiều gay go, ác liệt, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”.  Lời kêu gọi của Người đã khơi dậy, động viên tinh thần, mở đầu cho phong trào hành động cách mạng của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Phong trào kháng chiến và kiến quốc đã liên tiếp diễn ra, lôi cuốn cả dân tộc thống nhất, đồng lòng đi vào cuộc trường chinh cứu nước, cứu dân từng bước khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sức mạnh và tác động  to lớn của các phong trào thi đua đã góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.

Nội dung thi đua do Bác Hồ phát động bao giờ cũng gắn liền với mục tiêu cách mạng, phù hợp trong từng thời kì lịch sử nhất định và rất sát với thực tế, không cao xa. Theo Người, công việc thường ngày là nền tảng của thi đua: “Tưởng lầm là công việc thi đua chỉ nhất thời. Thật ra thi đua phải trường kỳ”, diễn ra liên tục, nội dung phong phú và mọi người đều có thể thực hiện được.

Bác Hồ quan tâm cả hai mục tiêu trước mắt và lâu dài. Theo Người, thông qua phong trào thi đua nhằm đạt được mục tiêu trước mắt làm tiền đề cho những mục tiêu cơ bản, lâu lài của cách mạng, chẳng hạn như:

Người kêu gọi toàn dân tập trung tiêu diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, nhằm đạt được mục tiêu trước mắt là:

                  “Toàn dân đủ ăn, đủ mặc.
                Toàn dân sẽ biết đọc, biết viết.
  Toàn dân sẽ đầy đủ lương thực, khí giới để giết giặc ngoại xâm”


Khi chúng ta trừ xong ba loại giặc đó sẽ tạo tiền đề cần thiết để đạt được mục tiêu cơ bản, lâu dài của cách mạng là:

                         ”Dân tộc độc lập
                          Dân quyền tự do
                         Dân sinh hạnh phúc”.


Trong phong trào thi đua, Bác Hồ luôn coi trọng, đề cao vai trò của quần chúng, nhân dân. Với quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, Người chỉ ra rằng: “quần chúng, nhân dân là lực lượng quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, “Nước lấy dân làm gốc”. Theo Người, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước chỉ biến thành sức mạnh một khi được nhân dân ủng hộ và ra sức hưởng ứng, thực hiện.

Ở Lời kêu gọi thi đua ái quốc ngày 11-6-1948, Bác Hồ viết: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già trẻ, trai gái, bất kỳ giàu nghèo, lớn nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá. Thực hiện khẩu hiệu: “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”. Công việc kháng chiến, kiến quốc là công việc to lớn, không phải  công việc của riêng ai mà là công việc của mọi người, của cả dân tộc”.

Trong quá trình theo dõi, chỉ đạo phong trào thi đua, Bác Hồ chú ý đến khâu biểu dương, khen thưởng kịp thời những gương tiêu biểu, gắn  công tác thi đua với khen thưởng- Bác Hồ căn dặn những cán bộ làm công tác thi đua với khen thưởng cần phải biết phát hiện, nhân các điển hình mới, đồng thời Người rất coi trọng tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên là người đầu tàu cho quần chúng noi theo. Người căn dặn:

                             “Cán bộ xung trước
                             Làng nước theo sau
                             Việc khó đến đâu
                             Cũng làm được hết”


Bác Hồ thực sự là một chiến sĩ xung kích, một tấm gương sáng ngời, thật sự tiêu biểu trong các phong trào thi đua, xứng đáng cho mọi người học tập, noi theo.Với cương vị là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Người còn là hiện thân của một chiến sĩ thi đua yêu nước, thông qua trọng trách lãnh đạo Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác Hồ luôn chú ý và coi trọng tính thiết thực hiệu quả.

Người yêu cầu thi đua cần phải thiết thực, có hiệu quả và thường xuyên phê phán việc tổ chức phát động thi đua theo kiểu "trống dong, cờ mở", nặng bệnh phô trương, hình thức, làm cho phong trào thi đua mất đi ý nghĩa thiết thực của nó. Bác Hồ còn chú ý uốn nắn, đề phòng bệnh chủ quan, tự cao, kiêu ngạo nảy sinh ở các anh hùng chiến sĩ thi đua, những điển hình tiên tiến.

Bảy mươi năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, với tinh thần yêu nước nồng nàn, toàn dân ta đã tích cực hưởng ứng tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước: từ diệt giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm đến các phong trào “năm xung phong”, thanh niên “ba sẵn sàng”, thiếu niên “làm nghìn việc tốt’, phụ nữ “ba đảm đang”, phong trào thi đua tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. “Một người làm việc bằng hai”, thi đua “dạy thật tốt, học thật tốt”, các phong trào sóng Duyên Hải, gió Đại Phong, cờ “ba nhất”, "việc nhỏ nghĩa lớn", "đền ơn đáp nghĩa", 10 vạn tấn gạo cho Cu Ba, "xóa đói giảm nghèo”, làm cho dân giàu nước mạnh… Các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi rộng khắp trong toàn quốc đã góp phần to lớn làm nên những chiến công vang dội, lẫy lừng.

Trong những năm qua, nhất là từ khi tiến hành đường lối đổi mới toàn diện, thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc tổ chức thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Tiếp tục thực hiện Lời kêu gọi thi đua yêu nước của Bác Hồ và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Đảng bộ, quân và dân Quảng Ngãi  đã và đang tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng của năm 2018, năm bản lề thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp.

Tỉnh tổ chức phát động phong trào thi đua và triển khai Đề án" Công dân tiêu biểu tỉnh Quảng Ngãi" giai đoạn 2017-2020; ban hành kế hoạch thực hiện chủ đề: " Tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; nâng cao kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, huy động nguồn lực xã hội; đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp". Các cấp, các ngành, địa phương, cơ sở đẩy mạnh thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...

Tự hào, thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, các tổ chức đảng, đoàn thể, các địa phương, đơn vị; mỗi cán bộ, chiến sỹ, đảng viên, mỗi người dân chúng ta cần đồng lòng, chung sức, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể hàng ngày trong lao động, sản xuất, học tập, công tác, thực hiện thắng lợi các mục tiêu do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, phấn đấu đưa Quảng Ngãi sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Tuấn Anh





 


.