Nửa chặng đường thực hiện các nghị quyết

09:05, 07/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với những chủ trương, định hướng đúng, cùng sự năng động, sáng tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành và quyết tâm phấn đấu, nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân trong toàn tỉnh, nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã ghi dấu ấn với những con số ấn tượng. Đây là tiền đề quan trọng trong việc thực hiện nghị quyết nửa nhiệm kỳ còn lại.


Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển du lịch

Không chỉ giữ vững là địa phương đi đầu của tỉnh về diện tích, năng suất, sản lượng lúa, mà ngày nay, Mộ Đức còn là điểm sáng trong thu hút đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2017, huyện Mộ Đức đã thu hút 11 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, với số vốn đăng ký hơn 1.200 tỷ đồng.

 Công chức Trung tâm Hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân làm hồ sơ, thủ tục.
Công chức Trung tâm Hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân làm hồ sơ, thủ tục.


Bí thư Huyện ủy Mộ Đức Nguyễn Màu cho biết: "Cụ thể hóa nghị quyết của tỉnh, huyện đã có những cách làm phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Đặc biệt, dựa vào thế mạnh nông nghiệp, Mộ Đức đã có hướng đi vững chắc. Vì chúng tôi nhận thức rằng, để thực hiện hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, thì phải kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, để liên kết, hợp tác với nông dân bằng các hình thức phù hợp.

Trên cơ sở đó, chúng tôi mới nâng cao được chất lượng các sản phẩm nông nghiệp và đảm bảo chất lượng cuộc sống của nhân dân. Chúng tôi kêu gọi doanh nghiệp về Mộ Đức phát triển sản xuất, nhưng đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp và nông dân. Đó là mục tiêu mà địa phương đang hướng đến".
 

Thực hiện nhiệm vụ đột phá trong đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, trong nửa nhiệm kỳ qua, tỉnh đã ưu tiên tạo các cơ chế chính sách, tập trung nguồn lực, tranh thủ từ nguồn vốn trung ương để đầu tư các dự án giao thông. Đến nay, toàn tỉnh đã nhựa hóa, cứng hóa 385km đường tỉnh; hơn 940km đường huyện; gần 980km đường xã và gần 800km đường thôn, khối phố...

Mặc dù thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã có nhiều mảng sáng, nhưng vẫn chưa mạnh mẽ bằng thu hút đầu tư vào lĩnh công nghiệp – thương mại – dịch vụ. Trong 2 năm liên tiếp (2016 và 2017), với nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, tỉnh đã thu hút gần 80 dự án đầu tư, trong đó có 21 dự án FDI. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp trong năm 2017 đạt trên 100.000 tỷ đồng, giá trị sản xuất dịch vụ đạt gần 20.000 tỷ đồng.

Cải cách thủ tục hành chính được xem là yêu cầu cấp thiết để thu hút đầu tư, được tỉnh quyết liệt thực hiện trong suốt hơn 2 năm qua. Cụ thể hóa từ Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy (khóa XIX) “về cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính”, tỉnh đã cắt giảm 10% số thủ tục hành chính; đồng thời rà soát, điều chỉnh nhiều cơ chế chính sách theo hướng tạo thuận lợi nhất cho người dân, chuyển từ quản lý cứng nhắc sang phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp; chuyển từ nhà nước quản lý mọi mặt, sang kiến tạo và tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển.

Một dấu ấn nữa trong nửa nhiệm kỳ qua là lượng khách du lịch đến Quảng Ngãi tăng cao, nhất là khách du lịch đến Lý Sơn (chiếm 1/3 tổng lượng khách đến du lịch tại tỉnh).

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Tài Luân cho biết: Để xây dựng Lý Sơn trở thành điểm sáng du lịch của tỉnh, trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, huyện đã xác định phát triển du lịch là một trong hai nhiệm vụ đột phá của huyện. Trên cơ sở đó, huyện đã đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, phát triển các mặt hàng nông sản đã và đang trở thành thương hiệu nổi tiếng, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng có giá trị kinh tế của huyện mà du khách thập phương biết đến.

Trong 2 năm gần đây, khách du lịch đến Lý Sơn trên 370 nghìn lượt người, tăng gấp 4 lần so với năm 2015. Hiện nay, du lịch, dịch vụ đã trở thành ngành kinh tế quan trọng, kéo theo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của Lý Sơn.
 

Theo quy định, từ năm 2016, Quảng Ngãi thực hiện chủ trương không sử dụng ngân sách nhà nước để đào tạo chuẩn hóa bằng cấp, đào tạo đối với CB, CCVC tốt nghiệp đại học hệ tại chức, chuyên tu, từ xa, hệ vừa học vừa làm, khắc phục tình trạng “đại học hóa”, “thạc sĩ hóa”.

Chú trọng công tác xây dựng Đảng

Với phương châm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đề cao vai trò trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Quảng Ngãi đã cụ thể hóa nhiều nội dung liên quan đến công tác cán bộ, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

Trong đó, Đảng bộ xác định rõ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, trước hết phải xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Theo đó, tháng 5.2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định 306 Quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và tổ chức hội nghị ký cam kết thực hiện.

Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh cũng ban hành quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu. Trách nhiệm của người đứng đầu còn thể hiện ở việc cấp trên chủ động hỗ trợ cấp dưới về phương pháp, biện pháp, lộ trình giải quyết, khắc phục những hạn chế; xây dựng phong trào, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, Tỉnh ủy ban hành Quy chế luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ trẻ; Quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh; rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy và lãnh đạo quản lý nhiệm kỳ 2015 - 2020; xây dựng quy hoạch cấp ủy và lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2020 - 2025...

Khách du lịch trải nghiệm làm đất trồng tỏi ở huyện Lý Sơn.
Khách du lịch trải nghiệm làm đất trồng tỏi ở huyện Lý Sơn.


Xác định công tác cán bộ có vị trí then chốt trong nhiệm vụ xây dựng Ðảng, đồng thời là yếu tố có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định sự phát triển của tỉnh, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, tuyển dụng cán bộ... Đặc biệt, công tác đánh giá cán bộ được các cấp uỷ, tổ chức đảng coi trọng, tổ chức thực hiện theo định kỳ hằng năm, khi hết nhiệm kỳ, trước khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử và trước khi thực hiện quy hoạch cán bộ. Việc nhận xét, đánh giá cán bộ thực hiện bảo đảm nguyên tắc, thực hiện theo quy trình chặt chẽ, dân chủ, công khai. Số cán bộ có dư luận không tốt trong quần chúng, những địa phương có vấn đề nổi cộm, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đều có chỉ đạo, gợi ý kiểm điểm, đánh giá.

Xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ này và có bước đi vững chắc từ cách làm mới, sáng tạo, đã và đang hiện thực hóa các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.


Bài, ảnh: THANH THUẬN

                                                 


.