Kỷ niệm 114 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1.5.1904 - 1.5.2018):
"Hãy giữ vững chí khí chiến đấu

07:05, 01/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)-”Đồng chí Trần Phú là người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh. Thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng và chí khí, cốt cách của đồng chí gắn liền với câu nói nổi tiếng “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” luôn sống mãi với thời gian.

TIN LIÊN QUAN


Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1.5.1904, trong gia đình một nhà nho nghèo yêu nước, quê ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Năm 1906, khi Trần Phú mới lên 2 tuổi, cả gia đình rời Phú Yên ra Quảng Ngãi, vì thân sinh là cụ Trần Văn Phổ được điều về Quảng Ngãi giữ chức tri huyện Đức Phổ. Năm lên 6 tuổi, cha mất, đến 10 tuổi thì mẹ ông bị bệnh qua đời.

 Khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh).
Khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh).


Mặc dù sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhưng với tư chất thông minh, tính kiên trì, quyết tâm vươn lên trong học tập, mùa hè năm 1922, Trần Phú đỗ đầu kỳ thi Thành chung do Trường Quốc học Huế tổ chức. Sau đó được bổ nhiệm làm giáo viên Trường Tiểu học Cao Xuân Dục tại Vinh (Nghệ An). Trong những năm dạy học ở Vinh, Trần Phú nổi tiếng là một giáo viên dạy giỏi, yêu trò, khơi dậy trong thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, yêu quê hương và lòng căm thù giặc sâu sắc.

Bước ngoặt trong cuộc đời cách mạng của Trần Phú là việc đồng chí được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tại đây, Trần Phú gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, dự lớp huấn luyện lý luận chính trị do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy; được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Đến năm 1927, Trần Phú được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử sang học tại Trường Đại học Phương Đông ở Matxcơva. Tháng 4.1930, Trần Phú được Quốc tế Cộng sản và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử về nước hoạt động, với cương vị là cán bộ chủ chốt của Đảng.

Về nước, đồng chí đã khởi thảo Luận cương chính trị và được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng l0.1930 thông qua. Đây là văn kiện lịch sử quan trọng của Đảng. Tại hội nghị này, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư. Khi ấy đồng chí mới 26 tuổi.

Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Ngày 18.4.1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt giam, tra tấn dã man và đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 6.9.1931. Suốt 5 tháng bị địch giam cầm, tra tấn, đồng chí vẫn nêu cao tấm gương đấu tranh cách mạng; hằng ngày tham gia bồi dưỡng lý luận chính trị và kinh nghiệm công tác cho các đồng chí tù chính trị.

Những đòn tra tấn dã man và cả sự mua chuộc của kẻ thù vẫn không khuất phục được ý chí của người cộng sản kiên trung. Cuối cùng, địch phải đưa đồng chí Trần Phú ra Tòa án Sài Gòn xét xử. Trước lúc đi xa, Tổng Bí thư Trần Phú gửi tới các đồng chí của mình lời nhắn nhủ đầy nghĩa khí: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Lời nhắn nhủ ấy đã trở thành vũ khí, phương châm, lý tưởng sống, ý chí quyết tâm phấn đấu, cống hiến của các thế hệ cán bộ, đảng viên và tuổi trẻ Việt Nam.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Trần Phú luôn nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay nêu cao ý chí cách mạng, tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, kiên trì học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, tích cực hoạt động thực tiễn, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng và của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân; sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Đối với Quảng Ngãi, trong những năm đấu tranh, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh luôn khắc ghi lời căn dặn của đồng chí Trần Phú và lập nên những chiến công hiển hách, như khởi nghĩa Ba Tơ, Trà Bồng quật khởi, chiến thắng Ba Gia, Vạn Tường... Và hôm nay, đang quyết tâm xây dựng quê hương núi Ấn - sông Trà giàu mạnh, văn minh, cùng với cả nước hướng đến mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".


Bài, ảnh: SÔNG THƯƠNG


 


.