ĐBQH tỉnh: Tham gia thảo luận Luật Tố cáo (sửa đổi)

10:05, 25/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sáng 24.5, tại phiên thảo luận dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi), đại biểu Đinh Thị Hồng Minh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và đại biểu Phạm Thị Thu Trang - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia góp ý nhiều nội dung trong dự thảo luật.   

TIN LIÊN QUAN


Đại biểu Đinh Thị Hồng Minh cho rằng, tại Khoản 2, Điều 13, dự thảo Luật không ghi nhận thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp huyện là có thiếu sót. Bởi vì, các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp huyện vẫn là cơ quan nhà nước hoàn chỉnh theo quy định của Chính phủ (có khuôn dấu và tài khoản riêng) tuy làm cơ quan tham mưu là chủ yếu, nhưng độc lập tương đối với UBND cấp huyện. Hơn nữa, Luật Khiếu nại đã ghi nhận và quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại của thủ trưởng cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp huyện, do đó cần bổ sung cho đồng bộ và phù hợp.

Về thụ lý tố cáo, Điểm c, Khoản 1, Điều 29 quy định chưa rõ. Do đó, đề nghị sửa lại như sau: "Trường hợp tố cáo xuất phát từ vụ việc khiếu nại đã được giải quyết đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo Luật Khiếu nại, mà người khiếu nại không đồng ý, nhưng không khởi kiện hành chính tại tòa án theo quy định của pháp luật, chuyển sang tố cáo đối với người giải quyết khiếu nại thì không thụ lý tố cáo; chỉ thụ lý tố cáo khi người tố cáo đã khởi kiện tại tòa án và tòa án đã xét xử có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật xác định người giải quyết khiếu nại có vi phạm pháp luật trong giải quyết khiếu nại".

Đối với xác minh nội dung tố cáo, diễn đạt tại Khoản 4, Điều 31 không nhất quán. Đề nghị sửa thành: “4. Trong quá trình xác minh, người xác minh nội dung tố cáo phải đảm bảo điều kiện cho người bị tố cáo được giải trình, phải tiếp nhận, xem xét đầy đủ các thông tin, tài liệu, chứng cứ do người bị tố cáo cung cấp để chứng minh tính đúng, sai của nội dung tố cáo cần xác minh” để đảm bảo tính nhất quán...

Còn đại biểu Phạm Thị Thu Trang thì thống nhất với giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc không cần thiết phải quy định thời hiệu tố cáo, nhằm không tạo xung đột quy định với các luật có liên quan đã quy định về thời hiệu xử lý vi phạm, không làm phát sinh vướng mắc khó xử lý trong thực tiễn khi thời hiệu tố cáo còn, nhưng thời hiệu xử lý vi phạm đã hết hoặc ngược lại. Đồng thời, bảo đảm được sự thống nhất với Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Tố tụng hình sự, nhằm tạo điều kiện cho người dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Do đó, Luật không quy định về thời hiệu tố cáo là hợp lý và được xử lý trên nguyên tắc: “Khi nhận được đơn tố cáo, căn cứ vào quy định của pháp luật có liên quan, cơ quan có thẩm quyền sẽ không có trách nhiệm thụ lý giải quyết khi thời hiệu xử lý vi phạm đã hết”. Tuy nhiên, để nguyên tắc này được đảm bảo thực thi, đề nghị Luật phải bổ sung quy định nguyên tắc như trên và thiết kế thành 1 điều luật riêng quy định về các trường hợp không thụ lý tố cáo và trình tự, thủ tục khi không thụ lý tố cáo, để đảm bảo chặt chẽ.

Bởi lẽ, Dự thảo Luật đã quy định rất rõ về trình tự giải quyết tố cáo (tại Điều 28) và thụ lý tố cáo (tại Điều 29), nhưng lại không có điều luật nào quy định về nguyên tắc, trường hợp không thụ lý tố cáo và trình tự, thủ tục khi không thụ lý tố cáo được thực hiện như thế nào. Vì thế, việc quy định bổ sung vấn đề này sẽ đảm bảo cho việc làm cơ sở để công chức thực thi công vụ khi tiếp nhận, thụ lý thông tin, đơn, hồ sơ tố cáo có cơ sở để thụ lý hoặc không thụ lý (đối với trường hợp cụ thể theo quy định). Đồng thời, cũng sẽ hạn chế đối với trường hợp khi không thụ lý (nếu hồ sơ không đủ điều kiện, cơ sở hoặc thời hiệu xử lý vi phạm đã hết) mà công dân không chấp nhận, sẽ dễ dẫn đến trường hợp chuyển từ tố cáo (một đối tượng khác) sang khiếu nại hành chính hoặc tố cáo đối với hành vi không thụ lý của công chức thực thi công vụ, làm phát sinh khiếu nại, tố cáo không cần thiết.

Đối với việc Bảo vệ người tố cáo (Chương VI). Việc bảo vệ người tố cáo được thực hiện theo thủ tục với nhiều cơ quan tham gia vào quy trình, trong đó có ban hành quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ để gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cùng họ, tên, ngày sinh và nơi cư trú của người được bảo vệ. Điều này sẽ làm lộ thông tin người tố cáo. Vì vậy, cần bổ sung quy định trong tình huống đã bảo vệ là đang ở tình trạng thông tin người tố cáo đã bị lộ (là nguyên nhân dẫn đến người tố cáo bị đe dọa, trả thù, trù dập...), từ đó không xem xét, xử lý việc làm lộ, lọt thông tin khi thực hiện các biện pháp bảo vệ người tố cáo mới đảm bảo tính khả thi, tính đồng bộ và thống nhất của quy định...

HOÀNG TÂN (lược ghi)
 


.