Sơn Hà: Thực hiện hiệu quả Kết luận 31 của Tỉnh ủy

09:04, 26/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đầu tháng 3.2018, Thủ tướng Chính phủ công nhận Sơn Hà là 1 trong 8 huyện nghèo của cả nước thoát nghèo giai đoạn 2018-2020. Đây là thành quả của việc lãnh đạo, chỉ đạo đúng định hướng, hợp lòng dân trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Bám sát Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy (khóa XVIII) và Kết luận 31 của Tỉnh ủy (khóa XIX) về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở 6 huyện miền núi, Huyện uỷ Sơn Hà đã ban hành chương trình hành động và xây dựng các nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo tại địa phương.

Mô hình trồng rau an toàn ở xã Sơn Trung.
Mô hình trồng rau an toàn ở xã Sơn Trung.


Trong 2 nhiệm kỳ, Đảng bộ Sơn Hà đều ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với phát triển kinh tế rừng bền vững và xây dựng nông thôn mới”. Đồng thời, đề ra những giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, phấn đấu bình quân mỗi năm giảm từ 5-7% hộ nghèo.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sơn Hà Nguyễn Thái cho biết: "Huyện ủy xác định những nhóm giải pháp quan trọng và chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo. Trước hết là, rà soát, phân loại hộ nghèo gắn với những chính sách hỗ trợ sao cho phù hợp; hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; đồng vốn và chính sách hỗ trợ đúng đối tượng và phát huy hiệu quả. Huyện chú trọng tuyên truyền đề người dân nâng cao nhận thức, gắn trách nhiệm của dân với những chính sách hỗ trợ; phát huy những sản phẩm lợi thế sẵn có ở địa phương; chú trọng giải quyết tư liệu sản xuất, làm sao mỗi hộ dân đều có đất sản xuất...".
 

Để tạo điều kiện cho người dân nâng cao thu nhập, sớm thoát nghèo, Huyện ủy Sơn Hà chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị gia tăng, làm tiền đề xây dựng nông thôn mới. Đây là nhiệm vụ đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện.

Từ định hướng đó, ngay từ đầu mỗi nhiệm kỳ, đảng ủy các xã, thị trấn trong huyện đã kiện toàn ban chỉ đạo công tác giảm nghèo của địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về công tác giảm nghèo. Cấp ủy giao nhiệm vụ cho các tổ chức đoàn thể, từng đảng viên trong xã tìm hiểu, khảo sát từng hộ nghèo, cận nghèo... để xác định, phân loại các nguyên nhân chính dẫn đến nhiều hộ gặp khó khăn trong việc thoát nghèo, để từ đó có chính sách hỗ trợ phù hợp.

Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Sơn Cao Đinh Văn Bát cho biết: "Cùng với thực hiện việc rà soát, phân loại hộ nghèo, đảng ủy xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các chi ủy, thôn tận dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ các Chương trình 30a, 135, Dự án Giảm nghèo Tây Nguyên... để hỗ trợ trực tiếp cho dân. Bình quân mỗi năm, nguồn vốn hỗ trợ sản xuất trên địa bàn xã từ 500 đến 600 triệu đồng, nên xã đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế đem lại thu nhập cho người dân, như mô hình trồng cỏ nuôi bò, chăn nuôi heo ky, mô hình trồng cây đậu phụng... Nhờ tổ chức tốt hoạt động sản xuất, nên bình quân mỗi năm Sơn Cao giảm 7% hộ nghèo".

Bình quân mỗi năm, huyện Sơn Hà huy động trên 10 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất trực tiếp cho người dân. Nhiều loại cây trồng chủ lực được thay đổi giống mới phù hợp với từng chân đất, tăng năng suất, chất lượng và trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị, góp phần tăng thu nhập và giảm nghèo cho nhiều hộ nông dân. Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng chương trình, mô hình khuyến nông theo hướng tập trung, quy mô, tạo sản phẩm ổn định, từng bước hình thành chuỗi liên kết. Nhờ đó mà giá trị sản xuất bình quân hằng năm của Sơn Hà tăng 8-9%/năm.

Hiện nay, Sơn Hà triển khai xây dựng các chuỗi sản phẩm nông sản mang thương hiệu địa phương bán tại một số siêu thị trong và ngoài tỉnh. Đây là cách làm mới của huyện Sơn Hà, nhằm đưa ra thị trường những nông sản hữu cơ an toàn với sức khỏe người tiêu dùng, vừa giúp người dân tăng thu nhập, vừa góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Năm 2008, huyện Sơn Hà có gần 61% hộ nghèo và huyện được đưa vào diện huyện nghèo trong cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Đến đầu năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của Sơn Hà đã giảm xuống còn khoảng 30% và chính thức thoát khỏi diện huyện nghèo. Kết quả này cho thấy định hướng đúng đắn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện Sơn Hà về thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu giảm nghèo. Đảng bộ huyện đã dựa vào dân để phát huy nội lực trong dân và tranh thủ mọi nguồn ngoại lực, phát huy tiềm năng, lợi thế để tạo bước đột phá trên nhiều lĩnh vực.


Bài, ảnh:  THANH THUẬN

 


.