Sáng mãi một niềm tin

07:04, 29/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lòng yêu nước và niềm tin cách mạng nhất định thắng lợi lúc nào cũng như ngọn lửa hừng hực trong trái tim của những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày ở Côn Đảo. Ở địa ngục trần gian khét tiếng, dù bị tra tấn dã man, họ vẫn kiên cường, không khuất phục kẻ thù.  

Suốt một đêm lênh đênh trên biển, khi trời vừa hửng sáng, chiếc tàu chở những người tù yêu nước năm xưa cập bến Côn Đảo. Ông Nguyễn Đức Ê (70 tuổi), hiện là Chủ tịch Hội Tù yêu nước xã Bình Phước (Bình Sơn) đặt chân xuống cầu tàu mà lòng xốn xang khó tả.

“Các anh hãy yên ghỉ...”

Năm 17 tuổi, khi tham gia phong trào cách mạng ở địa phương, ông Ê bị địch bắt, đày đi Côn Đảo. Năm ấy, ông cùng với hàng trăm người tù khi vừa đặt chân xuống cầu tàu 914 ở Côn Đảo đã bị địch đánh tới tấp và cũng từ đó bắt đầu những chuỗi ngày bị tra tấn, đánh đập dã man suốt 7 năm ròng. Gần nửa thế kỷ trôi qua, giờ ông Ê cùng với nhiều người bạn tù quê Quảng Ngãi mới có dịp trở lại Côn Đảo.

Những người tù yêu nước ở huyện Bình Sơn chụp hình lưu niệm tại Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo).            Ảnh: HĐ
Những người tù yêu nước ở huyện Bình Sơn chụp hình lưu niệm tại Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo). Ảnh: HĐ


Điểm đến đầu tiên của những người tù yêu nước là Nghĩa trang Hàng Dương. Thắp nén hương trên từng ngôi mộ, giọt nước mắt lặng lẽ rơi trên những khuôn mặt đầy vết chân chim. Đôi chân như bước vội, ông Ê tìm khắp ở Nghĩa trang Hàng Dương mộ của hai người bạn cùng quê xã Bình Phước, nhưng vẫn không thấy. Ông Ê bùi ngùi nói: “Chắc các đồng chí yên nghỉ đâu đó ở Nghĩa trang Hàng Dương này”. Bởi có hàng vạn người tù ở Côn Đảo bị địch giam cầm, tra tấn cho đến chết, chúng vùi xác lớp lớp người tù ở Nghĩa trang Hàng Dương.
 

 

"Khoảng 3 giờ sáng ngày 1.5.1975, nghe tiếng “hoan hô”, “hoan hô”... vọng lại từ các phòng giam khác, anh em chúng tôi không hiểu chuyện gì xảy ra. Đến 6 giờ sáng, nghe thông báo: “Anh em ơi, Sài Gòn giải phóng rồi”, ngay sau đó cánh cửa ở các phòng giam lần lượt được mở toang. Vậy là, niềm tin vào một ngày mai đất nước độc lập, tự do đã trở thành hiện thực".
Chủ tịch Hội Tù yêu nước xã Bình Phước (Bình Sơn) NGUYỄN ĐỨC Ê
"Rời Nghĩa trang Hàng Dương, đến từng trại giam nơi mà trước đây bị giam cầm, tra tấn, hình ảnh những người bạn tù như ở ngay trước mặt. Nếu không có sự chăm sóc, chở che của những người bạn tù thì khó mà sống nổi. Cảm động nhất là lúc ốm đau, anh em chăm sóc nhau như người thân ruột thịt. Lúc bị địch đàn áp, đánh đập, người khỏe hứng chịu đòn roi cho người yếu”, ông Ê xúc động nói.

Gần 45 năm gìn giữ kỷ vật

Sự tàn bạo của địch đã không khuất phục được trái tim của những chiến sĩ cộng sản, họ đã biến nhà tù thành trường học cách mạng. Trong ngục tối vẫn rực sáng niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ kính yêu và tin vào ngày mai chiến thắng. Ông Ê kể, cứ đến ngày sinh nhật Bác Hồ, ngày Quốc khánh, ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam... ở trong ngục, người tù lại làm lễ chào cờ. Mỗi lần đứng trước cờ, ai cũng đều xúc động và như được tiếp thêm sức mạnh, để vượt qua mọi thủ đoạn tàn bạo của kẻ thù.

Ngày 20.12.1973, sau khi làm lễ chào cờ kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, ông Ê được tổ chức giao nhiệm vụ cất giữ lá cờ. “Lúc đó, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì vinh dự được tổ chức tin tưởng giao nhiệm vụ, nhưng lo là cất giữ thế nào để không bị địch phát hiện”, ông Ê nhớ lại. Ông Ê nhanh trí nghĩ ra cách nhíp lá cờ phía bên trong chiếc áo, bên ngoài thì chắp nhiều mảnh vá. Nhờ vậy mà lá cờ đã không bị địch phát hiện.

Ông Ê đã gìn giữ lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam như gìn giữ sinh mệnh của chính mình và của những người bạn tù yêu nước.
 
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hành trang rời Côn Đảo của ông là túi xách với bộ quần áo bà ba màu đen, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và tấm hình chụp cùng những người bạn tù sau ngày giải phóng Côn Đảo. Vậy là, đã gần 45 năm ông gìn giữ lá cờ  như báu vật của đời mình. Mới đây, ông Ê tặng lại lá cờ và hình ảnh những người bạn tù năm xưa cho Ban Quản lý Di tích Côn Đảo, để trưng bày phục vụ khách tham quan. Riêng ông, những tháng ngày bi hùng ở Côn Đảo sẽ mãi là câu chuyện theo suốt những tháng năm của cuộc đời, không bao giờ quên.


MINH ANH




 


.