Yêu Tổ quốc bằng cả trái tim

07:03, 22/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Tình yêu Tổ quốc chỉ có thể cảm nhận bằng chính trái tim của mỗi người”, Chủ tịch Hội Tù yêu nước huyện Bình Sơn Huỳnh Duy Việt vẫn thường nhắc nhở thanh, thiếu niên như thế.

Ông Việt bảo rằng, tự mình cảm nhận tình yêu Tổ quốc, có như vậy niềm tự hào và tình yêu Tổ quốc mới sống mãi. Bởi vậy, trong chuyến về thăm Côn Đảo sắp tới, ông sẽ đưa một số đoàn viên thanh niên của huyện đi cùng...

Chuyện không thể quên

Câu chuyện về cậu bé Huỳnh Duy Việt gan dạ quê ở xã Bình Trung (Bình Sơn) bị địch bắt tù đày vẫn thường được những người tù yêu nước của huyện Bình Sơn nhắc đến. Ông Việt tham gia Đội công tác xã Bình Trung khi mới 12 tuổi. Ban ngày cậu bé Huỳnh Duy Việt là học sinh, tối đến tham gia hoạt động cách mạng. Mưu trí, gan dạ, nên ông được tổ chức tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng.
 

 

Hội Tù yêu nước huyện Bình Sơn trao quà cho chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày nhân dịp gặp mặt năm 2017.
Hội Tù yêu nước huyện Bình Sơn trao quà cho chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày nhân dịp gặp mặt năm 2017.
Tháng 3.1972, khi ấy ông Việt 14 tuổi, trong một lần hoạt động bị lộ, nên bị địch bắt và kết án 10 năm tù. Lúc ông Việt bị bắt, mẹ của ông gần như "chết lặng", bởi lẽ 3 đứa con trai lớn của bà đã hy sinh vì Tổ quốc. Cha của ông Việt cũng bị địch bắt giam và tra tấn dã man, nhưng ông Việt vẫn không khuất phục kẻ thù.

Giờ gặp lại, nhiều bạn tù yêu nước cùng ở nhà lao Quảng Ngãi trong kháng chiến chống Mỹ vỗ vai ông Việt bảo: “Cậu này nhỏ mà lì nhất”. Cậu bé Huỳnh Duy Việt đã dũng cảm đấu tranh trực diện, chống chào cờ, mặc cho địch tra tấn dã man. Lúc đầu, chúng giam ông ở phòng biệt giam chung dành cho người tù mà chúng liệt vào danh sách “cứng đầu”. Sau đó, vì ông cương quyết đấu tranh, nên địch đưa đến giam ở xà lim. Ở đây mỗi người tù giam ở một ô riêng biệt.

Niềm vui ngày giải phóng

Cũng giống như nhiều người dân Quảng Ngãi, cứ đến ngày 24.3 hằng năm, ông Việt lại tự hào và xúc động trong niềm vui của ngày giải phóng. Trong câu chuyện kể, ông nhắc nhiều đến cụ Từ Ty, người bị địch bắt tù, đày hơn 30 năm, trong đó có nhiều năm ở Côn Đảo. Cùng ở khu xà lim với cụ Từ Ty, ông Việt và nhiều người được cụ khuyên răn, dạy bảo như người cha dạy những đứa con của mình. Ông Việt kể: “Cụ Từ Ty luôn căn dặn phải giữ vững khí tiết của người cộng sản; dặn chúng tôi phải giữ gìn sức khỏe, ở trong phòng giam không nằm một chỗ mà phải cử động, luyện tập, thế mới có sức khỏe để đấu tranh”.

Đêm 24.3.1975, sau khi bộ đội bắn phá các ổ khóa ở nhà lao, ông Việt cùng những người bạn tù thay phiên nhau cõng cụ Từ Ty vượt sông Trà Khúc, tìm về cơ sở cách mạng ở xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh). Niềm vui của ngày giải phóng đã tiếp cho người tù sức mạnh để tiếp bước. Lúc đến nơi thì nhiều người ngã quỵ, bởi lẽ sau thời gian dài bị giam cầm, tra tấn, sức khỏe của nhiều người đã suy kiệt. Vậy mà, lúc đơn vị cử cán bộ đưa người tù đến bệnh viện để chăm sóc vết thương và nghỉ dưỡng, không một ai đồng ý. “Ngày giải phóng ai lại ở bệnh viện”, ông Việt dõng dạc nói. Vậy là, những người tù yêu nước hòa vào dòng người đi khắp các tuyến đường, đón niềm vui ngày giải phóng.

Những năm sau ngày đất nước được giải phóng, ông Việt vẫn thường đến nghĩa trang liệt sĩ huyện. Ông lặng lẽ thắp những nén hương lên phần mộ các anh hùng, liệt sĩ. Ông Việt bảo rằng: “Tình yêu Tổ quốc chỉ có thể cảm nhận bằng chính trái tim của mỗi người. Vậy nên, thế hệ trẻ hôm nay hãy đến những địa chỉ đỏ để hiểu hơn về sự hy sinh xương máu của cha ông, để từ đó hành động vì tình yêu quê hương, đất nước”.  

            
Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ



 


.