Tổng tiến công Xuân 1968 - Bài 1: Ký ức về một thời hào hùng

09:01, 14/01/2018
.

50 năm sau Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nhưng ký ức về một thời hào hùng không thể xóa nhòa trong tâm trí những người từng một thời tham gia lãnh đạo cuộc đánh chiếm thành phố Huế trong suốt 26 ngày đêm.
 

 

Các chiến sĩ phân đội 1 và 2 quân Giải phóng Trị - Thiên - Huế nghiên cứu sa bàn trước khi tấn công trung đoàn 7 thiết giáp ngụy. Ảnh tư liệu: Nguyễn Hồng Sáu/TTXGP
Các chiến sĩ phân đội 1 và 2 quân Giải phóng Trị - Thiên - Huế nghiên cứu sa bàn trước khi tấn công trung đoàn 7 thiết giáp ngụy. Ảnh tư liệu: Nguyễn Hồng Sáu/TTXGP
 
 
Theo lịch sử Đảng bộ thành phố Huế, khoảng 7 giờ 30 phút ngày 31-1-1968, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên tung bay trên cột cờ trước Ngọ Môn, báo hiệu Huế được giải phóng. 
 
Trước đó, đúng giờ G, tức 2 giờ 33 phút ngày 31-1-1968 (ngày mồng 2 Tết Mậu Thân), từ tuyến xuất phát xung phong, các mũi tấn công đồng loạt, nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu như: Mang Cá, cửa An Hòa, cửa Chánh Tây, sân bay Tây Lộc, Cửa Hữu, Đại Nội, Cột Cờ, cửa Thượng Tứ, cửa Đông Ba. Trong khi đó, các cánh quân ở phía Nam tiêu diệt Trung đoàn thiết giáp ngụỵ ở Tam Thai, khu Nam Giao, Kho Rèn, Sở cảnh sát nguỵ, Đài Phát thanh, tòa Tỉnh trưởng, tiểu khu Thừa Thiên Phan Sào Nam, khách sạn Thuận Hoá. Sau 3 giờ chiến đấu, ta đã chiếm được các mục tiêu trọng yếu và làm chủ phần lớn địa bàn thành phố Huế. 
 
Ông Nguyễn Trung Chính, nguyên Thành ủy viên thành phố Huế nhớ lại: Tình hình diễn biến mau lẹ, chẳng mấy chốc ta chiếm được thành phố Huế. Sau những giờ phút ngỡ ngàng ban đầu, khi nhìn thấy sự xuất hiện ngày càng đông của các chiến sĩ giải phóng quân đi lại, đứng gác dọc đường phố với tư thế nghiêm trang, tự nhiên, cầm chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu của người chiến thắng, quần chúng nhân dân đã đứng về phía cách mạng. 
 
Nói đến Xuân Mậu Thân 1968, ông Chính không thể nào quên hình ảnh nhân dân mở cửa đón bộ đội như những người thân đi xa lâu ngày trở về. Sự gắn bó giữa quân và dân ngày càng chặt chẽ, gần gũi, thuận lợi hơn, tăng thêm sức mạnh mới - sức mạnh của sự nổi dậy làm chủ, kiểm soát, bảo vệ thành quả chung, từ sự kết hợp chặt chẽ tấn công quân sự và sự đồng loạt nổi dậy của quần chúng nhân dân ở khu vực đô thị. Bà con ở nội thành đã nhanh chóng tin tưởng, làm theo sự kêu gọi, dẫn dắt của các đội công tác, cán bộ thành phố tăng cường về địa bàn, khu phố. 
 
Ấn tượng ông nhớ mãi lúc này đó là, trong mỗi căn nhà các mẹ, chị chọn vải may cờ giải phóng. Học sinh, sinh viên viết các khẩu hiệu hoan nghênh quân giải phóng, đả kích đế quốc Mỹ và bọn tay sai, tuyên truyền bọn nguỵ quân, nguỵ quyền ra đầu hàng, tham gia giữ gìn trật tự, trị an địa phương. 
 
Lại nói về trận đánh tại nhà lao Thừa Phủ, sau hai ngày làm chủ được Huế, anh Đát, Tiểu đoàn trưởng 815 cho mời tôi xuống gấp để bàn kế hoạch giải phóng lao Thừa Phủ. Lúc này tại đây địch đang giam giữ hơn 2.000 tù nhân, được địch canh gác cẩn mật; chúng cho cài mìn clâymo để bảo vệ và ra sức chống trả các đợt tiến công của quân ta. Các chiến sĩ trinh sát vũ trang và biệt động đã kết hợp bao vây, khống chế, dùng loa thông báo tin chiến thắng của cách mạng và tìm cách đột nhập vào bên trong động viên cán bộ, bộ đội đang bị giam giữ nổi dậy kêu gọi bọn cai ngục, lính canh đầu hàng.
 
Nửa đêm 2-2-1968, một người lính nguỵ đang bị địch giam trong lao trốn được ra ngoài, đầu hàng và cho biết có đường hầm bí mật vào lao, rồi dẫn các chiến sĩ giải phóng nhà lao theo đường hầm bí mật đó. Thế là ta từ ngoài đánh vào, trong đánh ra, khiến địch không kịp trở tay, nhà lao được giải phóng. 
 
Còn ký ức Xuân Mậu Thân 1968 đối với ông Hoàng Lanh, nguyên Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Phó Chính ủy Mặt trận cánh Nam Huế đó là, vào khoảng 9 giờ ngày mồng 3 Tết, cuộc mít tinh chào mừng thắng lợi của cách mạng được tổ chức trọng thể tại Thành Nội. Khác với sự cẩn trọng ban đầu, người dân thành phố Huế đã xuống đường, nhiều người nắm áo chúng tôi rưng rưng: "Các anh về đây rồi thiệt à? Cánh mạng đã về rồi thiệt à?".
 
Cuộc mít tinh thu hút khoảng vài trăm người, trong đó có các anh Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Phan, chị Lê Thị Mai (em đồng chí Lê Quang Vịnh)... Những người dân Huế đã từng sống trong ách cai trị của chế độ Mỹ - nguỵ khi nghe nói "Thưa đồng bào, bây chừ cách mạng đã về" thì vỗ tay ào ào và hết sức xúc động. Ông Lanh nhớ mãi hôm ấy, chỉ những lời nói giản dị dưới lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam vậy thôi mà đã làm cho mọi người mừng rơi nước mắt. Ông cũng lặng người đi vì tự hào và sung sướng. Đó là những giọt nước mắt chờ đợi, tủi hờn và hơn thế là những giọt nước mắt tin yêu cách mạng của người dân bình thường ở Huế một lòng tin theo cách mạng. 
 
Ông Phan Nam - nguyên Chủ tịch UBND thành phố Huế cho biết, người dân thành phố Huế đã đóng góp sức người, sức của làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Tiếp theo những thắng lợi có ý nghĩa quyết định trên chiến trường, ở hậu phương, người có uy tín, kinh nghiệm và nhiệt tình đã tự nguyện đứng ra tổ chức quyên góp tiền bạc, lương thực, thực phẩm ủng hộ bộ đội nuôi quân. Có nhà ủng hộ cả tấn hàng, hàng chục tấn gạo, thực phẩm, mắm, muối, chất đốt. 
 
Hồi ấy, hàng vạn nhân dân Huế "có chi góp nấy" miễn sao bộ đội được ăn no đánh thắng quân địch, bảo vệ thắng lợi thành quả cách mạng đã giành được. Sau này, Bác Hồ đã tặng quân và dân thành phố Huế 8 chữ vàng: "Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường", mãi mãi là niềm tự hào cho các thế hệ cách mạng, nguồn sức mạnh để vượt qua muôn vàn khó khăn trong những năm tháng chiến tranh ác liệt cho đến ngày đất nước toàn thắng.
 
Theo Tin Tức

.