Lý Sơn - Sức sống giữa trùng khơi

10:01, 03/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 1.1.1993, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã quyết định thành lập huyện Lý Sơn. Từ sự kiện ấy, ngoài khơi Quảng Ngãi có 1 huyện đảo tiền tiêu, có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung ở Biển Đông.

TIN LIÊN QUAN

Sau 25 năm, Lý Sơn đã vươn lên mạnh mẽ. Năm 2017, giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện đạt khoảng 1.500 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người gần 26 triệu đồng/người/năm, tăng khoảng 10 lần so với những năm đầu thành lập huyện.
 
Đất đảo chuyển mình


 Hiện nay, lĩnh vực dịch vụ, du lịch của Lý Sơn có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch biển, đảo của tỉnh. Từ việc huy động các nguồn lực khác nhau, Lý Sơn đã được đầu tư rất lớn để từng bước xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Toàn huyện có hơn 110 cơ sở lưu trú với công suất 653 phòng, trong đó có nhiều loại hình lưu trú như: Khách sạn, nhà nghỉ, đặc biệt là mô hình du lịch cộng đồng homestay…

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ, cùng lãnh đạo tỉnh thăm hỏi các lực lượng vũ trang huyện Lý Sơn.                                                                                                                                                                                               Ảnh: P.Triều
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ, cùng lãnh đạo tỉnh thăm hỏi các lực lượng vũ trang huyện Lý Sơn. Ảnh: P.Triều

Dịch vụ, du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng kéo theo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của huyện, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Năm 2017, khách du lịch đến với Lý Sơn đạt gần 210.000 lượt, tăng gấp 48 lần, doanh thu từ dịch vụ, du lịch tăng trên 3 lần so với năm 2010 và gần bằng 1/3 tổng lượng khách du lịch đến với tỉnh. Đây là con số ấn tượng, khẳng định tiềm năng, lợi thế của du lịch biển đảo Lý Sơn.
 

Việc chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế luôn được huyện quan tâm thực hiện. Đến nay, đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; có 1 trường THPT, 2 trường THCS, 3 trường tiểu học, 3 trường mầm non. Trên địa bàn huyện còn có 1 Trung tâm Y tế huyện, 2 Trạm Y tế xã. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT được duy trì và phát triển phong phú. Công tác “Đền ơn đáp nghĩa” được đẩy mạnh, thể hiện đạo lý truyền thống của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”.

Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất nông, ngư nghiệp ngày càng phát triển, diện tích sản xuất được duy trì và mở rộng. Trong định hướng phát triển nông nghiệp - nông thôn theo hướng bền vững, Lý Sơn xác định trồng hành, tỏi là sản phẩm đặc trưng, truyền thống.

Ngoài ra, ngư dân Lý Sơn đã mạnh dạn đầu tư đội tàu cá công suất lớn, ngư cụ hiện đại nhằm đẩy mạnh quy mô đánh bắt, khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, nâng cao giá trị gia tăng theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng công nghệ tiên tiến vào các khâu sản xuất, bảo quản và chế biến. Nhờ vậy, giá trị sản xuất nông, ngư nghiệp không ngừng tăng cao, cả về giá trị lẫn sản lượng (sản lượng hành, tỏi đạt trên 9 nghìn tấn; sản lượng đánh bắt thủy hải sản đạt hơn 36 nghìn tấn).

 Những năm gần đây, kết cấu hạ tầng ở Lý Sơn được đầu tư xây dựng, ngày càng đáp ứng nhu cầu phát triển dịch vụ, du lịch, phục vụ nhu cầu dân sinh và đảm bảo phòng thủ về mặt quốc phòng - an ninh. Tuyến giao thông đường thủy Sa Kỳ - Lý Sơn thuận tiện cho giao thông, giao thương; hệ thống điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm xuyên biển đã tác động tích cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của huyện; các tuyến đường trung tâm được đầu tư hoàn chỉnh, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại. Cùng với đó, việc đề nghị UNESCO công nhận Lý Sơn là Công viên địa chất toàn cầu, hứa hẹn sẽ tạo bước chuyển mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển dịch vụ, du lịch, đưa Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch sinh thái biển, đảo của khu vực miền Trung.
 
Đồng lòng xây dựng quê hương

 Nhận thức được tầm quan trọng của biển, đảo trong việc bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh luôn được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của huyện. Trong 25 năm qua, quốc phòng, an ninh của huyện luôn được đảm bảo, các hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập khu vực phòng thủ, bảo vệ biển đảo thường xuyên được duy trì; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Ngư dân Lý Sơn với đội tàu hiện đại là những
Ngư dân Lý Sơn với đội tàu hiện đại là những "cột mốc chủ quyền" trên Biển Đông. Ảnh: Nguyễn Triều

Hệ thống chính trị được củng cố, không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo cấp ủy, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, tạo niềm tin cho nhân dân, huy động và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, góp phần vào sự ổn định và phát triển của địa phương.

Phát huy truyền thống hào hùng, vẻ vang của quê hương Lý Sơn, kế thừa và phát huy công sức, thành quả của các thế hệ lãnh đạo đi trước, với quyết tâm chính trị cao, tinh thần đoàn kết, nỗ lực của cán bộ, đảng viên và nhân dân, Lý Sơn phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc. Trong thời gian đến, cán bộ, đảng viên, các lực lượng vũ trang và nhân dân huyện đảo cần tiếp tục nêu cao ý chí quật cường của những người lính Hoàng Sa năm xưa; đồng tâm, hợp sức, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn thách thức. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và sâu rộng công cuộc đổi mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI, xây dựng quê hương Lý Sơn phát triển toàn diện và bền vững, hướng tới một tương lai tươi đẹp, ấm no, hạnh phúc và làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


 P.LÝ- P.TRIỀU


 


.