Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Phạm Quy (23.1.1898 - 23.1.2018):
Người chiến sĩ cộng sản kiên cường của quê hương núi Ấn-sông Trà

10:01, 23/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đồng chí Phạm Quy, sinh ngày 23.1.1898, tại làng An Đại (nay là thôn An Thường), xã Phổ Hòa (Đức Phổ). Xuất thân trong một gia đình có truyền thống yêu nước, ngay từ thời niên thiếu, đồng chí đã sớm giác ngộ và tham gia phong trào cách mạng.
 

TIN LIÊN QUAN


Năm 1927, sau khi tổ chức tiền thân của Đảng bộ Quảng Ngãi là Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập, đồng chí đã gia nhập Hội và trực tiếp hoạt động cách mạng tại quê nhà. Dưới sự chỉ đạo của Huyện bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên huyện Đức Phổ, đồng chí Phạm Quy và các đồng chí Nguyễn Nghiêm, Trần Kha, Phạm Xuân Hòa... đã tích cực tuyên truyền, phát huy ảnh hưởng của Hội, làm thay đổi nhận thức của quần chúng nhân dân các làng, xã, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng ở Đức Phổ ngày càng phát triển.

Đầu tháng 4.1930, chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Đức Phổ được thành lập tại làng Tân Hội, xã Phổ Phong. Vừa mới ra đời, chi bộ đã phát động quần chúng tổ chức các cuộc đấu tranh nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1.5.1930. Hưởng ứng chủ trương của chi bộ, đồng chí Phạm Quy và các đồng chí Nguyễn Sanh Châu, Lê Hứa đã lãnh đạo quần chúng nhân dân xã Phổ Hòa tích cực tham gia các cuộc mít tinh, rải truyền đơn chống chế độ thực dân, phong kiến, đòi tự do, độc lập cho dân tộc... Được thử thách và rèn luyện trong phong trào cách mạng, đồng chí đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 6.1930, Huyện ủy Đức Phổ quyết định thành lập chi bộ ghép làng An Lộc - An Đại (nay là thôn An Thường, xã Phổ Hoà), đồng chí Phạm Quy được cử làm bí thư. Sau đó, đồng chí được bổ sung vào Huyện ủy Đức Phổ, phụ trách địa bàn xã Phổ Hòa và trung tâm huyện lỵ. Trên cương vị huyện ủy viên, Bí thư Chi bộ xã Phổ Hòa, đồng chí đã để lại nhiều dấu ấn trong công tác tổ chức, lãnh đạo nhân dân xã Phổ Hòa và trung tâm huyện lỵ tham gia các đợt đấu tranh sôi nổi như: Phát động nhân dân hưởng ứng cuộc đấu tranh  ủng hộ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh; tham gia biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ vào đêm ngày 7 rạng sáng ngày 8.10.1930; chỉ đạo tổ chức lễ truy điệu, ca ngợi công lao và khí phách kiên cường của đồng chí Nguyễn Nghiêm - Bí thư Tỉnh ủy bị thực dân Pháp và chính quyền phong kiến tay sai xử chém vào ngày 23.4.1931...

Tháng 6.1932, đồng chí Phạm Quy được cử làm Bí thư Huyện ủy Đức Phổ. Trên cương vị Bí thư Huyện ủy, đồng chí tiếp tục phát huy tài năng, sự sắc sảo, quyết đoán, linh hoạt trong công tác chỉ đạo khôi phục các cơ sở đảng bị thực dân Pháp đàn áp sau cao trào 1930 - 1931, trong công tác vận động quần chúng và phát triển lực lượng cách mạng của huyện Đức Phổ. Đồng thời, đồng chí còn tích cực tham gia tái lập Đảng bộ tỉnh.

Tại Hội nghị Tỉnh uỷ diễn ra tại thôn Thủy Thạch, xã Phổ Cường (Đức Phổ) vào tháng 3.1933, đồng chí Phạm Quy được cử giữ chức Bí thư Tỉnh ủy lâm thời, tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh thay đồng chí Võ Sỹ, Bí thư Tỉnh ủy bị địch bắt giam. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh đã thực hiện những nhiệm vụ cấp bách lúc bấy giờ là kiên trì tập hợp, giáo dục quần chúng, chống tư tưởng cầu an, vạch trần âm mưu tội ác của kẻ thù; xây dựng và củng cố hệ thống Đảng và các tổ chức quần chúng... Nhờ đó, hệ thống tổ chức cơ sở đảng và các đoàn thể trong tỉnh như Công hội Đỏ, Nông hội Đỏ, Thanh niên Cộng sản Đoàn... được củng cố và mở rộng.

Năm 1934, đồng chí bị thực dân Pháp và chính quyền tay sai bắt giam. Ngày 12.7.1935, thực dân Pháp mở phiên tòa xét xử vụ án "Tái tổ Đảng Cộng sản Đông Dương" và kết án 44 đồng chí. Đồng chí Phạm Quy và một số đồng chí khác bị địch kết mức án cao nhất 20 năm tù khổ sai, 20 năm quản thúc. Ngay sau phiên tòa này, thực dân Pháp đưa đồng chí  Phạm Quy đày đi nhà tù Buôn Ma Thuột. Tại đây, biết đồng chí Phạm Quy là Bí thư Tỉnh ủy, bọn phản động và tay sai đã sử dụng nhiều chiêu bài từ mua chuộc, dụ dỗ đến sử dụng những đòn tra tấn dã man nhất để khuất phục đồng chí. Nhưng với tinh thần tuyệt đối trung thành với Đảng và dân tộc, đồng chí đã giữ vững khí phách hiên ngang của người chiến sĩ cộng sản, bảo vệ bí mật của Đảng, bảo vệ đồng chí, đồng đội. Sau 4 năm trong lao tù hà khắc của chế độ thực dân, phong kiến, lại bị địch tra tấn dã man, đồng chí lâm bệnh nặng và anh dũng hy sinh tại nhà đày Buôn Ma Thuột vào cuối năm 1938, lúc đồng chí vừa tròn 40 tuổi.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phạm Quy diễn ra trong 11 năm (từ năm 1927 - 1938). Lúc bấy giờ, trong bối cảnh phong trào cách mạng đầy khó khăn, nhưng với trách nhiệm là Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phạm Quy đã mưu trí, dũng cảm, tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng tỉnh nhà vượt qua thử thách, từng bước khôi phục và phát triển. Tấm gương hy sinh anh dũng trong lao tù thực dân của đồng chí Phạm Quy khi vừa tròn tuổi 40 đã trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tô thắm lịch sử oanh liệt của Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quê hương.

Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục phát huy cao độ truyền thống cách mạng và lòng yêu nước, tăng cường khối đại đoàn kết, thống nhất, quyết tâm phấn đấu giành nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng quê hương Quảng Ngãi ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Hoàng Nguyên
 


.