Phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ tại kỳ họp thứ 8 - HĐND tỉnh khóa XII

09:12, 06/12/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 10 – Khóa XIX đã ban hành Kết luận về nhiệm vụ năm 2018. Để tạo sự thống nhất trong nhận thức, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện nhiệm vụ năm 2018; thay mặt BTVTU, tôi xin phát biểu nhấn mạnh và làm rõ hơn một số giải pháp chủ yếu trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh năm 2018.

TIN LIÊN QUAN


Thưa Chủ tọa Kỳ họp,

Thưa Quý vị đại biểu HĐND tỉnh,

Thưa Quý vị đại biểu,

Thưa cử tri và nhân dân trong tỉnh,


Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 10 – Khóa XIX đã ban hành Kết luận về nhiệm vụ năm 2018. Để tạo sự thống nhất trong nhận thức, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện nhiệm vụ năm 2018; thay mặt BTVTU, tôi xin phát biểu nhấn mạnh và làm rõ hơn một số giải pháp chủ yếu trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh năm 2018.

Thưa các vị đại biểu,

Tôi được biết, thời gian qua UBND tỉnh và các cơ quan của HĐND tỉnh đã tích cực chuẩn bị các nội dung của kỳ họp với tinh thần trách nhiệm cao; các vị đại biểu cũng đã dành nhiều thời gian để tiếp xúc, lắng nghe ý kiến cử tri ở các địa bàn; tin tưởng rằng với sự chuẩn bị chu đáo và với trách nhiệm cao của mỗi đại biểu trước nhân dân, chắc chắn kỳ họp sẽ có những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; bảo đảm quốc phòng, an ninh, không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Thưa các vị đại biểu,

Kết luận của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 10 đã đánh giá toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ năm 2017 và thống nhất rằng: Năm 2017 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; bên cạnh những thuận lợi tỉnh ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Song với sự tập trung “Đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và khởi nghiệp”; quyết liệt kiểm tra, đôn đốc thực hiện của BTVTU, TTTU, cùng sự nổ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2017 đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện.

Về kinh tế - xã hội có 36/37 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch; hoạt động đối ngoại được mở rộng; có trên 600 doanh nghiệp thành lập mới; đã cấp phép đầu tư 102 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký trên 70 nghìn tỷ đồng và 14 dự án FDI với vốn đăng ký 295 triệu USD; nhà máy thép Hòa Phát được khởi động sau gần 10 năm chờ đợi; khu CN-ĐT VSIP thu hút được 16 dự án đầu tư, trong đó có 08 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư gần 400 triệu USD; nhiều khu đô thị mới được hình thành từ vốn đầu tư của xã hội; mở 25 lớp khởi sự doanh nghiệp, ươm mầm khởi nghiệp; văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện; khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố.

Hội nghị Tỉnh ủy cũng đã phân tích, làm rõ hơn những hạn chế, yếu kém trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện; đó là những biểu hiện trì trệ, thiếu năng động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện; ngại đổi mới, sợ trách nhiệm, sợ mất lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; chất lượng giám sát, phản biện xã hội còn hạn chế. Hiệu quả, hiệu lực quản lý điều hành của chính quyền các cấp có mặt còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thiếu ổn định; cải cách thủ tục hành chính, tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu.

Một bộ phận cán bộ, công chức ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ tổ chức và người dân chưa cao; còn quan liêu, cửa quyền, bảo thủ, trì trệ; thiếu linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ; một số cán bộ đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị còn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, ngại va chạm; chưa mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật để tìm giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém; chưa có nhiều sáng kiến, đề xuất đổi mới cơ chế, chính sách để nâng cao năng suất, hiệu quả công việc.

Giá trị sản xuất công nghiệp giảm; giá trị dịch vụ không đạt kế hoạch; sản phẩm dịch vụ, du lịch chưa đa dạng; nhiều dự án cho chủ trương đầu tư nhưng chưa thực hiện đầu tư do nhiều nguyên nhân từ các cơ quan Nhà nước; nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, quy hoạch, giấy phép xây dựng và nhiều lý do khác xuất phát từ thói quen nhũng nhiễu, gây khó cho doanh nghiệp, người dân của một bộ phận cán bộ, công chức các cấp; huy động nguồn lực xã hội còn khó khăn; ô nhiễm môi trường gia tăng, nhiều dự án thực hiện đầy đủ quy trình đánh giá tác động môi trường, nhưng trong quá trình thực hiện thiếu thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng hoặc nhà đầu tư thực hiện không nghiêm túc theo quy trình đánh giá tác động môi trường, gây bức xúc trong nhân dân. Chất lượng giáo dục ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều bất cập; cơ sở vật chất dạy và học chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều trường không có khả năng giữ chuẩn; quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm lỏng lẻo; chất lượng khám, chữa bệnh, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; tư tưởng trông chờ, dựa vào sự hỗ trợ của nhà nước của hộ nghèo chưa được cải thiện; xã hội hóa, thu hút nguồn lực phát triển văn hóa, thể thao thấp, bị nhiều lực cản từ cơ quan công quyền.

Thưa các vị đại biểu,

Xác định năm 2018 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2015 – 2020; Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 10 chọn chủ đề năm 2018 là: “Tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; nâng cao kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; huy động nguồn lực xã hội; đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp”; và đề ra 04 nhóm nhiệm vụ chủ yếu; đó là:

1. Nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, giám sát, phản biện xã hội của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể; sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

 
Việc tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; nâng cao kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị là vấn đề rất khó, rất phức tạp và nhạy cảm, vì nó liên quan trực tiếp về phương thức lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân; liên quan đến quyền lợi, tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật; đặt lợi ích của toàn dân lên trên hết; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước là cội nguồn của sức mạnh. Bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, nhiều người yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức đã là lực cản của sự phát triển. Đảng có chủ trương, thực tiễn đòi hỏi, nhân dân và cử tri bức xúc thì phải quyết tâm, kiên trì thực hiện; trọng tâm tổ chức thực hiện, đó là:

+ Thực hiện tốt Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII theo hướng không để chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ trống chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; không nhất thiết cấp trên có cơ quan, tổ chức nào thì cấp dưới có cơ quan, tổ chức đó và ngược lại. Trọng tâm là giảm đầu mối, giảm các khâu trung gian trong các cơ quan của hệ thống chính trị; giảm các đơn vị sự nghiệp trực thuộc; khắc phục sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các phòng ban của Sở với các đơn vị sự nghiệp; việc gì doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tự quản tốt hơn thì cơ quan Nhà nước không làm; giảm cấp phó, giảm bộ phận phục vụ gián tiếp; tăng biên chế có chuyên môn sâu, trực tiếp nghiên cứu, làm việc theo ngành, lĩnh vực.

+ Rà soát, sửa đổi, ban hành các quy chế, quy định, bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ; rõ vai trò, trách nhiệm tập thể, cá nhân; khuyến khích và phát huy sự năng động, sáng tạo, tích cực, chủ động của người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương trong việc rà soát, xây dựng, kiện toàn tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại; chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với chức danh, vị trí việc làm; mỗi công chức, viên chức đều phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chức danh; quy định cụ thể các nhiệm vụ cần phải làm và phải được kiểm tra, đánh giá số lượng, chất lượng sản phẩm đầu ra. Cán bộ, viên chức nào có nhiều sáng tạo, đề xuất được nhiều cơ chế, chính sách mới, hiệu quả thì phải được tôn vinh, khen thưởng, đề bạc, bổ nhiệm; những ai yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức; sợ trách nhiệm, né tránh việc khó, tìm cách biến việc đơn giản thành phức tạp, biến dễ thành khó, biến có thành không để nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó cho tổ chức, công dân thì phải xử lý nghiêm túc, miễn nhiệm, cách chức, buộc thôi việc.

+ Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; trong một thời gian dài đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong công tác quản lý Nhà nước; có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với các cơ quan trong hệ thống chính trị và có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển KT-XH; bảo đảm quốc phòng, an ninh; trật tự an toàn xã hội của đất nước. Tuy nhiên, với sự thay đổi nhanh chóng của cuộc cách mạng khoa học công nghệ cùng với quá trình đổi mới, hoàn thiện và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thì cơ chế vận hành, quản lý hiện nay của các đơn vị sự nghiệp công lập trở nên trì trệ, kém hiệu quả. Nhất thiết Nhà nước phải tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho tất cả các thành phần kinh tế; có cơ chế tự sàn lọc của thị trường để người dân được hưởng các dịch vụ tốt hơn, chất lượng hơn; để những người thật sự có tài năng, tâm huyết có được môi trường làm việc tốt để sáng tạo, cống hiến và hưởng thụ xứng đáng.
 
Căn cứ Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; cần rà soát, đánh giá sát, đúng đặc thù của từng nhóm lĩnh vực, ngành, đơn vị; điều chỉnh, bổ sung các chủ trương, đề án tỉnh đã ban hành; xác định lộ trình, bước đi cụ thể đặt trong tổng thể sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị. Mục tiêu phải đạt được là đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các dịch vụ; giảm số lượng, giảm đầu mối; khuyến khích xã hội hóa; chuyển một số đơn vị trong một số ngành, lĩnh vực từ khu vực Nhà nước sang doanh nghiệp và nhân dân thực hiện; giảm chi ngân sách nhà nước cho hoạt động sự nghiệp; thu hút mạnh mẽ nguồn lực xã hội đầu tư phát triển tất cả các loại hình dịch vụ công ích; có chính sách bảo đảm ổn định việc làm, nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức hiện đang công tác ở các đơn vị sự nghiệp công lập.

+ Đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc, tăng cường ý thức trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.

2. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đổi mới, sáng tạo; thúc đẩy khởi nghiệp; phát triển doanh nghiệp; khơi thông, huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; thực hiện có hiệu quả 3 nhiệm vụ đột phá, 3 nhiệm vụ trọng tâm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên, môi trường; trọng tâm:

+ Hoàn thiện cơ chế, chính sách về đầu tư, kinh doanh; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, kinh tế tư nhân, hợp tác xã theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh; thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công; chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh theo cơ chế thị trường.

Đa dạng hóa hoạt động xúc tiến đầu tư; đặc biệt chú trọng các hoạt động khởi nghiệp; ươm mầm doanh nghiệp; đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp từ đề xuất ý tưởng, lựa chọn công nghệ, huy động nguồn lực và kỹ năng quản trị doanh nghiệp. Để thu hút đầu tư có hiệu quả cần tập trung giải quyết ách tắc trong khâu thực hiện dự án; đó là các thủ tục liên quan đến đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng; công khai quy hoạch; việc thẩm định hồ sơ, đánh giá tác động môi trường, giấy phép xây dựng ... đừng để sự chậm trễ, làm việc thiếu trách nhiệm, vô cảm của cán bộ nhà nước gây thiệt hại và làm nản lòng các nhà đầu tư.  

+ (1) Về công nghiệp: Thu hút các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp phục vụ nông nghiệp; chế biến nông sản; hóa dầu; công nghiệp hỗ trợ. Khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng sản phẩm. Chủ động phối hợp thực hiện Quy hoạch Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia; kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, bảo đảm hoạt động bình thường của Nhà máy lọc dầu Dung Quất; thực hiện cổ phần hóa và nâng cấp, mở rộng Nhà máy; phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến Nhà máy Ethanol, Nhà máy đóng tàu Dung Quất.

+ (2) Ban hành chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất nông nghiệp; quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ đất công ích; khuyến khích liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thủy sản, các dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông sản hữu cơ. Tập trung phát triển kinh tế biển, đảo; tiếp tục thực hiện tốt chương trình cải hoán, đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới; tổ chức lại sản xuất trên biển theo mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp; khuyến khích đầu tư dịch vụ cảng biển, vận tải biển, đóng, sửa chữa tàu thuyền, dịch vụ hậu cần nghề cá... ưu tiên cho các dự án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

+ (3) Về lĩnh vực du lịch, dịch vụ: Khuyến khích phát triển các ngành dịch vụ có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp và công nghiệp; dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao… Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, các di sản văn hóa, thế mạnh đặc trưng các vùng, miền để phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú; mở rộng, liên kết, hợp tác phát triển du lịch, hình thành các tour, tuyến du lịch; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.

+ (4) Huy động, sử dụng hiệu quả nhiều nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng; nhất là hạ tầng đô thị thành phố Quảng Ngãi, Đức Phổ và các thị trấn, đô thị theo quy hoạch. Chú trọng quản lý chất lượng đô thị, và các dự án bất động sản từ khâu quy hoạch, chủ trương đầu tư, thực hiện đầu tư và quản lý, vận hành.

+ (5) Quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo ở các huyện miền núi; trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục, y tế; nâng cao dân trí, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận hộ nghèo; rà soát thu hồi diện tích đất lâm nghiệp sử dụng không hiệu quả hoặc chưa sử dụng giao cho dân, bảo đảm các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có đất, có rừng sản xuất; thực hiện chính sách khuyến khích hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên, môi trường; tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư các dự án bảo vệ môi trường, thu gom xử lý rác thải, nước thải.

+ (6) Về thu chi ngân sách Nhà nước: HĐND tỉnh có thẩm quyền và trách nhiệm xem xét, quyết định dự toán thu chi NSNN. Thực hiện thu đúng, thu đủ; chống thất thoát,tiêu cực, nợ đọng thuế là nhiệm vụ rất quan trọng của cơ quan thuế các cấp; sự điều hành của cơ quan hành chính và sự giám sát của đại biểu HĐND; bảo đảm nguồn thu theo quy định của Nhà nước; đồng thời góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp; các thành phần kinh tế; có kế hoạch khai thác tốt các nguồn thu từ nhà đất và các công sản đưa vào sử dụng có hiệu quả. Kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách Nhà nước theo hướng giảm dần chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển; thủ trưởng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc sử dụng từng đồng tiền thuế của nhân dân; nếu thấy không thực sự hiệu quả thì nhất thiết không chuẩn chi; nếu lãng phí, tiêu cực thì phải cương quyết xử lý; không vì món lợi cho một số ít người mà gây thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân.

3. Về phát triển văn hóa, giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân; Tỉnh ủy xác định.

+ Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp; tạo chuyển biến căn bản về chất lượng giáo dục và đào tạo; chú trọng phát triển tầm vóc, thể chất và giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức chấp hành pháp luật; định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên; đầu tư, nâng cấp các cơ sở giáo dục; cải thiện dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc cho trẻ em mẫu giáo, tiểu học.  

+ Tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 20-NQ/TW và Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới. Sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở y tế công lập; đẩy mạnh phát triển y tế ngoài công lập; nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế dự phòng, y tế cơ sở trong giám sát dịch tễ, phát hiện, khống chế các loại dịch bệnh.

+ Huy động nhiều nguồn lực thực hiện an sinh xã hội; ưu tiên nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng bị thiên tai. Phát triển thị trường lao động; nhu cầu việc làm của nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên, thanh niên nông thôn là rất lớn; nổ lực thu hút đầu tư của tỉnh là nhằm mục đích tạo ra nhiều việc làm, thu nhập cho nhân dân; chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng giảm dần lao động trong nông nghiệp; tăng lao động trong các ngành công nghiệp, dịch vụ; rút ngắn khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, giữa các vùng miền.

Muốn thực hiện được mục tiêu này, cần đổi mới mạnh mẽ quy trình đào tạo; quy mô, chất lượng đào tạo; các cơ sở đào tạo nghề phải được hoạt động trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng; tiêu chuẩn sàn lọc của thị trường là chất lượng đào tạo, ngành nghề đào tạo; sản phẩm đầu ra là nguồn lực có chất lượng, có việc làm, có thu nhập tốt. Nhà nước có trách nhiệm kết nối giữa cơ sở đào tạo, người lao động với người sử dụng lao động; khuyết khích các dịch vụ tư vấn và giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động. Cần tuyên truyền làm thay đổi nhận thức về việc làm; khắc phục tư tưởng trong một bộ phận khá lớn thanh niên không muốn học nghề và kiên trì theo nghề đã học; cha mẹ thì bằng mọi cách phải xin cho con cháu vào cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước. Việc làm lớn nhất, quan trọng nhất, bền vững nhất là trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ cho xã hội; cần định hướng cho lớp trẻ khát khao lập thân, lập nghiệp; khởi sự doanh nghiệp; ”nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”; có tri thức, có nghề nghiệp vững vàng, có khát vọng làm giàu sẽ có chỗ đứng vinh quan trong xã hội.

+ Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững theo Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy, Khóa XIX.

4. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường công tác đối ngoại; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản.

Thưa các vị đại biểu,

Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2018, tôi đề nghị đại biểu HĐND tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, đúng, chính xác kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, công tác nội chính, đối ngoại năm 2017 và các nội dung khác trình kỳ họp; đặc biệt, cần phân tích những mặt còn hạn chế, khiếm khuyết trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện; chỉ rõ nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân chủ quan, để phát huy điểm mạnh, hạn chế tối đa những cách làm không tốt, chưa tốt. Cần quán triệt sâu sắc chủ trương, định hướng của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 10 và 04 kết luận, 05 nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy khóa XIX; đồng thời, dự báo, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, về nguồn lực đang có, sẽ có để xác lập chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2018, có tính khả thi cao.

Với sự tin tưởng và kỳ vọng của Tỉnh ủy, nhất là kỳ vọng của nhân dân về năm 2018, một năm sẽ có nhiều khởi sắc trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà; tôi đề nghị tại kỳ họp này các đại biểu phản ánh chân thực, chính xác nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của cử tri, nhất là những vấn đề liên quan đến sinh kế và những vấn đề kinh tế - xã hội được nêu ra từ các kỳ họp trước cần xem xét bàn bạc, thảo luận, thậm chí tranh luận để tìm giải pháp giải quyết hiệu quả. Những cơ quan giải quyết nhanh và tích cực các vấn đề của dân cần được biểu dương; ngược lại nếu chậm hoặc quên thì cần chất vấn làm rõ trách nhiệm, yêu cầu xác định rõ thời gian khắc phục. Nếu mỗi kỳ họp mà các kiến nghị của cử tri được xem xét, giải quyết hiệu quả thì không những góp phần vào sự phát triển KT-XH mà còn củng cố sâu sắc hơn mối quan hệ gắn bó mật thiết, sự tin tưởng của nhân dân đối với Đảng, chính quyền, đối với người đại biểu do mình bầu ra.

Thưa các vị đại biểu,

Tại kỳ họp này, đại biểu HĐND tỉnh còn có một nhiệm vụ rất quan trọng là miễn nhiệm, bầu bổ sung Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 2021. Công tác cán bộ là nhân tố quan trọng, quyết định chất lượng, hiệu quả của mọi công việc; Tỉnh ủy, BTVTU với trách nhiệm được giao đã thận trọng cân nhắc nhiều mặt, vừa bảo đảm tính kế thừa để giải quyết kịp thời các công việc thường xuyên, bức xúc của cơ quan hành chính Nhà nước vừa chuẩn bị một bước căn bản, toàn diện, liên tục về công tác cán bộ chủ chốt của tỉnh cho những năm đến; thực hiện quy trình lựa chọn, giới thiệu cán bộ đúng quy định, cẩn trọng, chu đáo và đạt được sự tập trung thống nhất rất cao trong Tỉnh ủy, BTVTU và đã được TTCP xem xét, quyết định cho phép thực hiện theo quy định của pháp luật. Thay mặt BTVTU, tôi trân trọng đề nghị quý vị đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm; có sự đồng thuận cao của quý vị đại biểu trong việc quyết định miễn nhiệm, bầu bổ sung PCT UBND tỉnh, UV UBND tỉnh theo sự giới thiệu của CT UBND tỉnh.

Để các kết luận, nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, các đề án, chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh đi vào cuộc sống; tôi đề nghị Thường trực, các ban của HĐND tỉnh cùng với MTTQVN tỉnh nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát; chất vấn và trả lời chất vấn giữa hai kỳ họp HĐND về công tác quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế - xã hội, giúp các cơ quan này khắc phục hạn chế, khiếm khuyết trong quản lý, điều hành; nhất là khâu tổ chức thực hiện. Mỗi đại biểu HĐND cần sát dân, gần dân, liên hệ mật thiết với nhân dân; phát hiện sớm các vấn đề bức xúc, nổi cộm, kiến nghị kịp thời các cơ quan chức năng giải quyết. Tôi xin chúc các đồng chí, quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc; hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; chúc kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XII thành công tốt đẹp.

Trân trọng cảm ơn!
 

.