Kinh nghiệm trong việc "giữ chân" đảng viên là bộ đội xuất ngũ

08:10, 31/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh có gần 300 đảng viên bị xóa tên do bỏ sinh hoạt Đảng, trong đó có nhiều đảng viên là bộ đội xuất ngũ. Để hạn chế tình trạng này, một số địa phương đã đề ra nhiều giải pháp tích cực và bước đầu đã mang lại hiệu quả...

Sau 4 năm xuất ngũ trở về địa phương, đảng viên Ngô Xuân Trường (SN 1993) ở thôn Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) vẫn thường xuyên tham gia sinh hoạt Đảng định kỳ hằng tháng, mặc dù tháng nào anh Trường cũng có từ 10 -15 ngày đi bạn để lo cho cuộc sống gia đình. Anh Trường cho biết, trừ những lúc thời tiết xấu không thể vào bờ kịp mới xin chi bộ nghỉ sinh hoạt, còn lại anh đều sắp xếp thời gian hợp lý để tham gia sinh hoạt.

  Một số đảng viên là bộ đội xuất ngũ được bố trí việc làm tại Công an xã Phổ Khánh (Đức Phổ).
Một số đảng viên là bộ đội xuất ngũ được bố trí việc làm tại Công an xã Phổ Khánh (Đức Phổ).


Phó Bí thư Đảng ủy xã Phổ Thạnh Nguyễn Văn Lượng, cho biết: Trong số 16 đảng viên là bộ đội xuất ngũ trong 5 năm gần đây trên địa bàn xã, thì chỉ có 2 đảng viên không tham gia sinh hoạt Đảng. Do đó, Đảng ủy phải thi hành kỷ luật xóa tên và cho ra khỏi Đảng. Các đồng chí còn lại đều tham gia nhiệt tình, mặc dù hoàn cảnh kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn. Cũng theo ông Lượng, do là dân vùng biển, nên hầu hết đảng viên là thanh niên sau khi xuất ngũ trở về địa phương đều theo nghề truyền thống của gia đình.

Để các đồng chí này tiếp tục tham gia sinh hoạt Đảng, các đồng chí trong chi ủy chi bộ cơ sở phải làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nhằm nâng cao nhận thức cho số đảng viên này. Địa phương cũng đã tạo điều kiện và quan tâm đến những gia đình có con em là bộ đội xuất ngũ, bằng việc hỗ trợ cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Đây cũng là giải pháp khá hiệu quả, nhằm hạn chế tình trạng đảng viên đi làm ăn xa, bỏ không sinh hoạt Đảng; đồng thời qua đó, tạo được lực lượng đảng viên trẻ cho địa phương.

Hiện nay, hầu hết các địa phương, nhất là các huyện đồng bằng đều xuất hiện tình trạng đảng viên là bộ đội xuất ngũ không tích cực tham gia sinh hoạt Đảng, do phải đi làm ăn xa, trong số này có nhiều trường hợp bị xóa tên. Các địa phương có đảng viên là bộ đội xuất ngũ bị xóa tên nhiều nhất là huyện Bình Sơn 23 đồng chí, Đức Phổ 20 đồng chí, TP.Quảng Ngãi 13 đồng chí...

Bí thư Huyện ủy Đức Phổ Huỳnh Quý cho biết, từ năm 2015 đến nay, huyện đã xóa tên đảng viên 55 trường hợp, trong đó có 20 trường hợp đảng viên là bộ đội xuất ngũ. Thực tế đó đang là bài toán nan giải của nhiều cấp ủy trong tỉnh, chứ không riêng ở Đức Phổ. "Theo tôi, giải pháp tốt nhất là các địa phương tổ chức tốt việc đón nhận, quản lý và giao nhiệm vụ cho đảng viên xuất ngũ, tiếp tục giáo dục để phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người đảng viên, quan tâm tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế gia đình", ông Huỳnh Quý nói.

Ngoài ra, các cấp ủy cần có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho số đảng viên xuất ngũ để bố trí, sử dụng trong các hội đoàn thể chính trị-xã hội, góp phần tạo nguồn cán bộ trẻ và xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương.

Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Bình Sơn Võ Văn Đồng, cho biết: Trước thực trạng đảng viên là bộ đội xuất ngũ bỏ sinh hoạt Đảng có chiều hướng tăng, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch, cũng như đề ra các giải pháp cho vấn đề này. Cụ thể là, đổi mới phương thức quản lý, bằng cách chỉ đạo các địa phương nắm danh sách, hoàn cảnh từng đảng viên là bộ đội xuất ngũ về lại địa phương để cung cấp cho Ban Tổ chức và đề xuất hướng giúp đỡ.

Ban Tổ chức không chuyển hồ sơ của đảng viên là bộ đội xuất ngũ cho cá nhân đảng viên, mà mời Đảng ủy, chi bộ có đảng viên xuất ngũ lên nhận hồ sơ và giao nhiệm vụ quản lý, giúp đỡ đảng viên đó, để họ thấy được sự quan tâm của tổ chức. Sau đó giao cho đảng ủy, chi bộ thường xuyên theo dõi, giúp đỡ số đảng viên này về mặt tinh thần và hỗ trợ tìm kiếm việc làm ngay tại địa phương, để thuận lợi cho việc sinh hoạt Đảng. Đồng thời chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH phối hợp giới thiệu, tìm kiếm việc làm cho những đảng viên đã được đào tạo nghề, hoặc có chuyên môn nghiệp vụ. Những đảng viên chưa có nghề thì vận động, tạo điều kiện cho họ đi học nghề theo địa chỉ, nhằm tạo điều kiện cho đảng viên có việc làm, gắn bó với quê hương.



Bài, ảnh: Thanh Thuận

 


.