Chấn chỉnh việc kê khai thu nhập, tài sản không trung thực

02:10, 29/10/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Thực hiện kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức là biện pháp ngăn ngừa hành vi tham nhũng. Tuy nhiên thực tế cho thấy, cần phải quy định chặt chẽ hơn để việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức thực sự công khai, minh bạch. 

Việc kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên được quy định tại các văn bản của Đảng và Nhà nước. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện Nghị định số 78/2013/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập. Theo nghị định này, có 9 nhóm đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập, bắt đầu từ phó phòng cấp huyện trở lên. Vì vậy, cả nước có hàng triệu đối tượng hằng năm phải kê khai tài sản và thu nhập. 

 

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

 

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, việc một số cán bộ địa phương, bộ, ngành bị phát hiện có nhiều tài sản lớn đã trở thành tâm điểm xôn xao của dư luận. Sau mỗi vụ việc tham ô, tham nhũng được phát hiện, chúng ta mới “giật mình” bởi lâu nay, việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức vẫn chưa hiệu quả, mang tính hình thức.

Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015, số người phải kê khai tài sản thu nhập là trên một triệu người nhưng chỉ có 5 người bị kết luận là không trung thực. Còn theo  báo cáo của Thanh tra Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng (12/7/2016), quy định về minh bạch tài sản, thu nhập thì từ năm 2007 đến nay, đã xác minh gần 4.900 trường hợp, nhưng chỉ phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực. 

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng năm 2016 là do, việc kê khai tài sản, thu nhập, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức, không ít trường hợp kê khai không đầy đủ, thiếu trung thực. Chưa quy định bắt buộc xác minh tài sản được kê khai trước khi đề bạt, bổ nhiệm; có quá nhiều cơ quan đầu mối được giao thẩm quyền xác minh bản kê khai. Việc kê khai tài sản từ trước đến nay không đưa vào quá trình giám sát mà chỉ công khai “nội bộ”, trong phạm vi nhỏ. 

Việc kê khai thu nhập, đặc biệt là thu nhập ngoài lương chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập nhưng mới chỉ dựa vào sự tự giác của người kê khai và chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và chưa có chế tài đủ mạnh xử lý người kê khai thiếu trung thực. Bên cạnh đó một số cán bộ, công chức, viên chức và người dân ngại va chạm và sợ bị trù dập nên không dám tố cáo khi biết rõ người có chức vụ, quyền hạn kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Để giải quyết vấn đề này, ngày 23.5.2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quyết định số 85-QĐ/TW quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Trung ương, trên cơ sở Quyết định số 85 ban hành quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp mình quản lý. 

Đây là cơ sở quan trọng để đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và quản lý cán bộ trong tình hình hiện nay. Việc đưa ra Quy định kiểm tra, giám sát như vậy thể hiện quyết tâm của Đảng là không có vùng cấm, không né tránh, chức vụ càng cao càng phải làm gương trước. Thực hiện kê khai như vậy là “trên trước, dưới sau”.

Quy định chỉ rõ về các vi phạm và việc xử lý vi phạm kê khai tài sản đó là: Không kê khai, kê khai không trung thực, kê khai không đúng quy định. Giải trình về biến động tài sản và nguồn gốc tài sản tăng thêm: Không giải trình, giải trình không trung thực, không đầy đủ, không kịp thời theo quy định và yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Theo đồng chí Lê Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Trong quy định đã nêu rõ toàn bộ cán bộ là đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý mà khi có 3 căn cứ sau sẽ phải kiểm tra. Thứ nhất, khi cơ quan và tổ chức có thẩm quyền ban hành kế hoạch, yêu cầu kiểm tra, giám sát. Thứ 2, trường hợp xuất hiện đơn thư, kiến nghị, phản ánh có căn cứ về việc kê khai tài sản không trung thực của cán bộ. Và cuối cùng, khi cán bộ có dấu hiệu vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản. Chỉ cần xuất hiện một trong ba căn cứ đó thì sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh.

Quy định này là cơ sở quan trọng để sửa Luật Phòng, chống tham nhũng nhằm khắc phục kê khai tài sản hình thức như trong thời gian qua.

Q.Nhi


 

 


.