Đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ: Những tín hiệu vui

08:09, 29/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác Đảng cho bí thư chi bộ trực thuộc Huyện ủy và các xã, thị trấn đã góp phần đổi mới, cải thiện và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở huyện Nghĩa Hành trong thời gian qua.

Nhận diện khiếm khuyết

Tại Chi bộ thôn An Ba, xã Hành Thịnh, sinh hoạt chi bộ thường kỳ và chuyên đề luôn sôi nổi, vì đảng viên xem đây là dịp để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và ý kiến của mình.

Đầu buổi sinh hoạt, cấp ủy phổ biến ngắn gọn tình hình kinh tế-xã hội địa phương và văn bản chỉ đạo của các cấp, còn lại phần lớn thời gian dành cho đảng viên thảo luận, bàn bạc các vấn đề liên quan trực tiếp đến thôn, xã. Điển hình là đảng viên hiến kế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện phong trào “Cán bộ, nhân dân xã Hành Thịnh chung sức xây dựng nông thôn mới”. Vì vậy, đảng viên và nhân dân trong chi bộ đã tiên phong và tích cực đóng góp nguồn lực, góp phần giúp xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2015...

Bí thư Chi bộ thôn An Ba Huỳnh Văn Nhung, cho biết: Muốn đảng viên có trách nhiệm và tích cực tham gia sinh hoạt chi bộ, cấp ủy phải biết lựa chọn những nội dung, vấn đề mà quần chúng nhân dân quan tâm để đảng viên tham gia bàn bạc, thảo luận. Điều này không chỉ khơi dậy tính tiên phong của mỗi đảng viên, mà còn nâng cao vai trò của tổ chức cơ sở đảng.  
 

Chi bộ mạnh, đảng viên tiên phong thì quần chúng nhân dân cũng sẽ tích cực tham gia các phong trào, nhiệm vụ phát triển kinh tế địa phương.
Chi bộ mạnh, đảng viên tiên phong thì quần chúng nhân dân cũng sẽ tích cực tham gia các phong trào, nhiệm vụ phát triển kinh tế địa phương.


Tuy nhiên, theo đánh giá của Phó Bí thư Huyện ủy Nghĩa Hành Phan Văn Hiếu thì, không có nhiều chi bộ xác định nội dung, vấn đề trọng tâm, được đảng viên và quần chúng quan tâm để đưa ra bàn bạc, thảo luận trong các buổi sinh hoạt chi bộ như tại Chi bộ thôn An Ba. Tại nhiều chi bộ thôn, tổ dân phố, nội dung sinh hoạt chỉ xoáy vào việc phổ biến các chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên. Vì vậy khi sinh hoạt chi bộ xong, cấp ủy cũng không biết phải phân công nhiệm vụ cho đảng viên như thế nào.

Đối với chi bộ cơ quan, các đồng chí trong cấp ủy cũng chưa dành nhiều thời gian cho công tác Đảng, việc sinh hoạt lại nặng về công tác chuyên môn. Vì vậy, dù Chỉ thị số 10 và Hướng dẫn 09 của Trung ương, yêu cầu chi bộ phải đánh giá đảng viên theo từng tháng, nhưng thực tế, chưa có chi bộ nào đáp ứng yêu cầu trên. “Điều này kéo theo việc đánh giá, phân loại đảng viên cuối năm cũng chưa thực sự hiệu quả vì đặt nặng nhiệm vụ chuyên môn”, ông Hiếu cho biết.

Nhận diện những khiếm khuyết trên, Thường trực Huyện ủy đã phân công các đồng chí Huyện ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phải tham gia sinh hoạt chi bộ thường kỳ và chuyên đề. Ngoài ra, với quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo hướng “đúng, trúng”, Thường trực Huyện ủy cũng đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác Đảng cho bí thư chi bộ trực thuộc Huyện ủy và các xã, thị trấn”.

“Thiếu gìbổ sung nấy”

Bí thư Chi bộ thôn Xuân Đình, xã Hành Thịnh Trương Văn Hàng, bộc bạch: “Tôi làm bí thư chi bộ nhiều năm, nhưng cũng chưa nắm được chức năng, nhiệm vụ của chi bộ mình. Còn việc tổ chức sinh hoạt thì chỉ loanh quanh với việc phổ biến các chỉ thị của cấp trên”. Tuy nhiên, sau ba ngày tham gia lớp học “Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác Đảng cho bí thư chi bộ trực thuộc Huyện ủy và các xã, thị trấn”, ông Hàng cho biết “tôi đã học hỏi và tiếp thu được rất nhiều điều mới”. Không chỉ biết cách tổ chức, điều hành buổi sinh hoạt chi bộ sao cho đúng, phù hợp, lớp học còn giúp ông có thêm một số kỹ năng lựa chọn nội dung, dẫn dắt việc thảo luận...

Trong khi đó, Bí thư Chi bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Tấn Trung cũng phấn khởi cho biết: Việc tổ chức sinh hoạt chi bộ lâu nay chủ yếu là phổ biến chỉ thị của cấp trên, đánh giá công tác chuyên môn nên nhàm chán, nặng nề, đảng viên cũng hiếm khi đóng góp ý kiến. Nhưng khi tham gia lớp học bồi dưỡng, tôi đã biết cách xây dựng và lựa chọn vấn đề để “làm mới” buổi sinh hoạt chi bộ, sao cho vừa phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn, vừa kích thích vai trò của đảng viên.

Để tránh rập khuôn, cứng nhắc, các lớp bồi dưỡng được thực hiện theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Giảng viên dành phần lớn thời gian, để cùng học viên thảo luận hoặc tổ chức các buổi sinh hoạt chi bộ để học viên quan sát, đánh giá và rút kinh nghiệm. Ngoài ra, các lớp bồi dưỡng được tổ chức tương ứng với từng đối tượng học viên, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng chi bộ như bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố; bí thư chi bộ khối cơ quan, ban, ngành trực thuộc Huyện ủy và bí thư chi bộ khối trường học, y tế. Sắp tới, Thường trực Huyện ủy tiếp tục tổ chức lớp bồi dưỡng cho các đồng chí phó bí thư chi bộ.

Phó Bí thư Huyện ủy Nghĩa Hành Phan Văn Hiếu nhìn nhận, việc tổ chức “Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác Đảng cho bí thư chi bộ trực thuộc Huyện ủy và các xã, thị trấn” bước đầu mang lại những tín hiệu vui trong quá trình cải thiện, nâng cao chất lượng tổ chức sinh hoạt chi bộ. Để những “tín hiệu” ấy tiếp tục phát huy tác dụng, sắp tới Thường trực Huyện ủy cũng sẽ tham gia sinh hoạt đột xuất tại một số chi bộ để đánh giá hiệu quả. Từ đó sẽ rút ra những kinh nghiệm, để tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, phát triển kinh tế địa phương.

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.