Chú trọng cung cấp thông tin cho báo chí

04:08, 01/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Người có thẩm quyền phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong các cơ quan hành chính chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình; trong khi đó, các nhà báo, phóng viên thì không cung cấp được "chứng cứ bị làm khó" trong quá trình tác nghiệp, nên cơ quan chức năng chưa đủ cơ sở để có biện pháp chấn chỉnh.

Để từng bước triển khai và đưa Nghị định 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước, ngày 26.7, UBND tỉnh có Thông báo số 236 về danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước và UBND các huyện, thành phố trong tỉnh.

 

Các phóng viên, nhà báo dự buổi họp báo quý II/2017 do UBND tỉnh tổ chức.
Các phóng viên, nhà báo dự buổi họp báo quý II/2017 do UBND tỉnh tổ chức.


Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Trần Cao Tánh, các cơ quan này ngoài việc thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành, thì còn phải có trách nhiệm giải trình các vấn đề báo chí, người dân cần biết, công khai, minh bạch, thông tin trong quá trình lãnh đạo, điều hành. Vấn đề này lâu nay vẫn còn một số cơ quan hành chính chưa thực hiện tốt. Nghị định 09/CP ra đời có quy định ràng buộc trách nhiệm của người phát ngôn, đối với thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Do đó sẽ khắc phục được tình trạng "thích thì cung cấp và ngược lại".

Theo Nghị định 09/CP, quy định về người phát ngôn được mở rộng đến người đứng đầu cấp xã, phường, thị trấn. Đây là thuận lợi cho hoạt động tác nghiệp của nhà báo và quyền được tiếp nhận thông tin của người dân. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, phần lớn người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, chưa thực hiện đúng vai trò của mình, thậm chí có biểu hiện né tránh, hoặc ủy quyền cho những người không có thẩm quyền trả lời những việc mà nhà báo đặt vấn đề. Nguyên nhân là do, một bộ phận cán bộ lãnh đạo có tâm lý ngại đối diện với những tồn tại, hạn chế của ngành, địa phương, đơn vị mình.

Trong các cuộc họp báo thời gian qua do UBND tỉnh tổ chức, nhiều thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước không tham gia đúng theo danh sách người phát ngôn đã được ban hành, ủy quyền không đúng người. Vấn đề này theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng cần phải chấn chỉnh trong thời gian đến. Theo đó, người phát ngôn trong các cơ quan hành chính nhà nước phải tham gia họp báo, nếu ủy quyền cho cấp phó thì đồng chí dự họp phải có trách nhiệm trả lời các vấn đề mà nhà báo nêu liên quan đến địa phương, đơn vị mình.

Cũng theo ông Tánh, hiện nay, Sở TT&TT đang tham mưu cho UBND tỉnh về việc chỉ đạo thực hiện Nghị định 09/CP. Cụ thể là, sắp đến Sở TT&TT sẽ tổ chức tập huấn cho người phát ngôn trong các cơ quan hành chính nhà nước... Sau đó sẽ lập đoàn về các địa phương kiểm tra việc thực hiện quy chế phát ngôn của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện theo Nghị định 09/CP. Vấn đề này thời gian qua Sở TT&TT chưa làm hết trách nhiệm, dẫn đến nhiều trường hợp không thông tin cho báo chí, né tránh, cung cấp một phần thông tin, ủy quyền không đúng cho người không đủ thẩm quyền để trả lời báo chí.

Phải khẳng định rằng, việc phát ngôn cho báo chí là trách nhiệm, là quyền lợi của các sở, ngành, địa phương; bởi không có thông tin báo chí, không minh bạch thông tin thì sẽ không huy động được xã hội tham gia giám sát chính quyền.

Hiện nay, mạng xã hội phát triển rất mạnh, mỗi người dân đều có thể trở thành nhà báo, do vậy, việc cung cấp thông tin chính thống, kịp thời cho các cơ quan báo chí là rất cần thiết, nhằm đảm bảo thông tin không bị “nhiễu”. Thủ tướng Chính phủ cũng đã từng nêu quan điểm, phải xem việc cung cấp thông tin báo chí là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, thực hiện nghiêm Nghị định 09/CP sẽ góp phần minh bạch hóa thông tin, góp phần cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


Bài, ảnh: X.THIÊN

 


.