Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2017)
Khắc ghi lời Bác dặn (kỳ 2)

10:07, 27/07/2017
.

TIN LIÊN QUAN

 

Kỳ 2: Lan tỏa đạo lý “uống nước nhớ nguồn”

Uống nước nhớ nguồn là một truyền thống tốt đẹp, có từ lâu đời của dân tộc Việt Nam. Phát huy truyền thống ấy, nhiều địa phương, đơn vị, cá nhân trong tỉnh đã thường xuyên quan tâm chăm lo, giúp đỡ các gia đình thương bệnh binh, người có công với cách mạng, đưa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ngày một lan tỏa...

 

Suốt 40 năm qua, ông Nguyễn Văn Quý ở xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) đã cùng với các cơ quan chức năng tìm kiếm, quy tập trên 200 phần mộ liệt sĩ, đưa hài cốt về an táng tại các Nghĩa trang liệt sĩ và trao cho thân nhân ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước...

Những tấm lòng thầm lặng
 

 Ông Nguyễn Văn Quý cùng tấm bản đồ do ông phác họa những địa điểm có hài cốt liệt sĩ.
Ông Nguyễn Văn Quý cùng tấm bản đồ do ông phác họa những địa điểm có hài cốt liệt sĩ.

Năm 1983, ông Quý làm xã đội phó xã Nghĩa Lâm và bắt đầu gắn bó cuộc đời mình với việc quy tập hài cốt liệt sĩ. Ông Quý chia sẻ: “Các anh hy sinh vì Tổ quốc, nhưng rồi người thân không biết phần mộ ở đâu là một sự mất mát lớn. Vậy nên tôi tự nhủ với bản thân là tìm kiếm với tinh thần trách nhiệm cao nhất, để sớm đưa các anh về với người thân yêu".

Với suy nghĩ đó, sau khi nghỉ hưu, ông Quý vẫn tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Năm 2007, có thông tin ở vùng núi giáp ranh giữa xã Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa) và Sơn Nham (Sơn Hà) - nơi Bệnh xá B21 đóng (giai đoạn 1965-1967) có 72 mộ liệt sĩ được an táng chung, ông Quý cùng các đơn vị chức năng đã dẫm nát vùng núi này, nhưng vẫn không có manh mối. Dẫu vậy, vẫn không bỏ cuộc, ông tiếp tục tìm kiếm thì phát hiện ở một hòn đá lớn có khắc tên liệt sĩ Nguyễn Tài Ba, quê ở Phú Yên. Với kinh nghiệm của mình, ông đã tiến hành khai quật và tìm được 36 phần mộ.

Giờ đây, trong căn nhà nhỏ của ông Quý luôn có nhiều thân nhân liệt sĩ ở các tỉnh miền Bắc đến dò tìm hài cốt người thân. Những lần ấy, ông Quý lại phải đau xót khi chứng kiến những giọt nước mắt ngậm ngùi khi họ không có thông tin gì về người thân. Và cũng chính điều ấy, mà đến bây giờ vẫn thôi thúc ông tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. "Còn sức là tôi còn đi. Có thông tin là tìm kiếm bất kể nơi đâu. Bằng mọi giá phải đưa các anh về!”, ông Quý khẳng định.

Còn với chị Huỳnh Thị Bích Liễu ở xã Phổ Minh (Đức Phổ), người dân địa phương không có gì ngạc nhiên khi biết chị được UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Bởi lẽ chị có “thâm niên” hơn 25 năm chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng Huỳnh Thị Thịnh (87 tuổi). Là cán bộ Hội Phụ nữ xã, điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, vừa lo công tác hội, vừa cùng chồng chăm sóc cha mẹ già yếu, bệnh tật, lo cho 2 con ăn học, nhưng chị vẫn dành tình cảm đặc biệt cho Mẹ Thịnh.

Ngày nào cũng vậy, dù bận đến mấy chị cũng đều qua lo cơm nước, vệ sinh cá nhân cho Mẹ. Chị bộc bạch: “Cả cuộc đời và tuổi xuân của Mẹ đã cống hiến cho đất nước, nên việc chăm sóc Mẹ vừa là tấm lòng, vừa là sự tri ân”. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Phổ Minh anh hùng, nên chị hiểu được những đau thương, mất mát của những gia đình có người thân hy sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Chiến tranh đã cướp đi của Mẹ người chồng, con trai độc nhất và 2 người em trai, nay Mẹ sống neo đơn. Thấu hiểu hoàn cảnh của Mẹ, chị Liễu đã tự nguyện nhận chăm sóc Mẹ. Chị Liễu bộc bạch: “Chăm sóc người già đòi hỏi lòng nhẫn nại, chịu thương, chịu khó. Tôi coi Mẹ như mẹ đẻ của mình, chỉ mong sao Mẹ khỏe mạnh là mình yên tâm”.

Nghĩa tình đồng chí, đồng đội

Tháng 7 này, gần 60 ngôi nhà ở huyện Bình Sơn mang tên “Ngôi nhà cấp ủy” được bàn giao cho các gia đình chính sách. Đây được xem là phần quà có ý nghĩa dành tặng cho các gia đình chính sách nhân kỷ niệm 70 năm ngày TBLS. Ngày nhận bàn giao ngôi nhà, thương binh 1/4 Huỳnh Văn Tiên ở thôn Phú Lộc, xã Bình Trung đã không giấu được niềm vui. "Ngôi nhà khang trang, có đầy đủ phòng khách, phòng ngủ, nhà vệ sinh và gian bếp rộng rãi. Vậy là đã qua rồi cái cảnh mùa hè thì nóng hầm hập, mùa mưa thì dột tứ bề".

Đoàn viên thanh niên xã Tịnh Kỳ dâng hoa mộ liệt sĩ.                                        Ảnh: Hiền Thu
Đoàn viên thanh niên xã Tịnh Kỳ dâng hoa mộ liệt sĩ. Ảnh: Hiền Thu


Những ngôi nhà ấy ấm áp nghĩa tình đó là kết quả chung tay góp sức của cán bộ, đảng viên, viên chức lao động và nhân dân trong huyện dành cho gia đình chính sách, gia đình đảng viên gặp khó khăn về nhà ở.  Dự kiến lúc đầu chỉ có 50 nhà, nhưng sau đó đã vượt chỉ tiêu đề ra. Bí thư Đảng ủy xã Bình Châu Lê Minh Nguyên, cho biết: Chỉ tiêu mỗi xã là 1 nhà, nhưng khi triển khai thì được đông đảo người dân ủng hộ. Sau 15 ngày phát động đã thu được trên 170 triệu đồng và xã đã xét chọn được 4 hộ gia đình để hỗ trợ (40 triệu đồng/hộ). Sự thành công của mô hình “ngôi nhà cấp ủy” ở Bình Sơn là minh chứng của việc làm sáng tạo trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó không chỉ là món quà tri ân gửi đến các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, mà đó còn là tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.

Trân trọng sự hy sinh của lớp cha anh đi trước

Cứ đều đặn vào ngày 14 và 30 (âm lịch) hằng tháng, ĐVTN xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) lại cùng nhau chuẩn bị những bó hoa cúc vàng để thắp hương và dâng hoa cho 204 mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ xã Tịnh Kỳ. Đây là một nghĩa cử đẹp, qua đó giáo dục cho lớp trẻ về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Em Lê Thị Mỹ Trinh, lớp 12 Trường THPT Sơn Mỹ cho biết: Mỗi tháng em và các bạn đều đến nghĩa trang thắp hương và dâng hoa trên từng mộ liệt sĩ. Chúng em được sống, học tập trong hòa bình, nên vô cùng quý trọng những hy sinh to lớn của lớp cha anh đi trước. Chúng em sẽ ra sức học tập để cùng chung tay xây dựng quê hương.

Từ đầu năm 2016, Nghĩa trang Liệt sĩ xã Tịnh Kỳ được giao cho ĐVTN xã chăm sóc. Đều đặn một tháng 2 đợt, ngoài việc dâng hương các ĐVTN còn chăm sóc những phần mộ. Trung bình mỗi tháng, kinh phí tổ chức hoạt động này là 600 nghìn đồng, trích từ số tiền đóng góp của các bạn đoàn viên, học sinh trên địa bàn xã. Bí thư Đoàn xã Tịnh Kỳ Phạm Long, cho biết: Hoạt động này không nằm ngoài mục đích là giáo dục đoàn viên thanh niên địa phương hiểu hơn về truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc, để từ đó hiểu và biết phải sống như thế nào cho xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông đi trước.

Còn nhiều lắm những việc làm thiết thực của cộng đồng dành cho những gia đình chính sách, người có công. Có những hoạt động sôi nổi, có những việc làm âm thầm, lặng lẽ... dù lớn, dù nhỏ giống như một ngọn nến được thắp lên nhằm tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Kỷ niệm 70 năm Ngày TBLS, nhớ lời Bác dạy, càng thêm trân trọng, càng thấy trách nhiệm của những người đang sống đối với gia đình liệt sĩ và các thương bệnh binh.

Giỗ chung 68 liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Xuân Mậu Thân (1968)

Nghĩa cử tri ân của người dân tổ 4, phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) cũng rất đỗi giản dị. Cứ vào ngày 20 tháng Chạp và giỗ Tổ Hùng Vương 10.3, một mâm cơm, hoa quả được bày dưới chân bia tưởng niệm 68 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc tổng tiến công Xuân Mậu Thân (1968), được duy trì tổ chức nhiều năm nay. Thương binh Nguyễn Ngọc ở tổ dân phố 4, phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) là người khởi nguồn cho nghĩa cử đẹp này, năm nay đã bước sang tuổi 85. "Dẫu mộ các anh đã được đưa vào Nghĩa trang, nhưng tại đây vẫn còn có bia tưởng niệm. Nhà ở gần đây, nên tôi muốn làm điều gì đó để sưởi ấm lòng các anh”, ông Ngọc nói.

Với suy nghĩ đó, bắt đầu từ năm 1990, mâm cơm cúng liệt sĩ ở đây được thực hiện và duy trì đến nay được 17 năm.  Ban đầu chỉ có khoảng vài hộ lân cận nhà ông Ngọc hưởng ứng, nhưng sau đó lan rộng ra cả tổ dân phố. Mỗi gia đình đóng góp, tùy theo điều kiện kinh tế. Đây cũng là mâm cơm không chỉ để tri ân những người đã hy sinh cho Tổ quốc, mà còn thắt chặt tình đoàn kết trong khu dân cư.

 

S.Huỳnh - X.Hiếu - H.Thu


 


.