Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2017)
Khắc ghi lời Bác dặn (kỳ 1)

06:07, 27/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cả một đời vì nước, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm, sự quan tâm đặc biệt cho thương binh, gia đình liệt sĩ . Bất cứ ở đâu, lúc nào, tình cảm của Người dành cho thương binh, liệt sĩ (TBLS) thể hiện bằng những lời nói mộc mạc, những hành động đi vào lòng người. Khắc sâu những lời căn dặn và tình cảm của Người, các thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng luôn phấn đấu vươn lên, vượt qua khó khăn trong cuộc sống, làm những việc có ích cho đời.
 

Kỳ 1: Tỏa sáng giữa đời thường

Trở về với đời thường, những người lính Cụ Hồ năm xưa mang trong mình rất nhiều vết thương do chiến tranh để lại, nhưng họ vẫn tràn đầy niềm tin, nghị lực, không chùn bước trước những khó khăn, tự mình vươn lên trong cuộc sống, tiếp tục tỏa sáng giữa đời thường bằng những việc làm bình dị.



Giữa cuộc sống đang từng ngày thay đổi, họ vẫn luôn xứng đáng với lời căn dặn của Bác Hồ “Thương binh tàn mà không phế”.

Thiếu "cái chữ", đói "cái ăn" là nguy lắm!

Thôn Làng Lòn, xã Sơn Trung (Sơn Hà) ngày trước là căn cứ cách mạng, người dân một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Gia đình ông Đinh Văn Nuông cũng thế, cha mẹ ông hết tham gia kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ, nên 7 anh em của già cũng đi theo cách mạng. Năm 1972, ông Nuông tham gia đội du kích xã, sau đó gia nhập lực lượng vũ trang tỉnh, tham gia nhiều trận đánh, góp phần giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Hòa bình lập lại, tinh thần người lính Cụ Hồ năm xưa tiếp tục được phát huy, ông biến những vạt đồi khô cằn thành những rẫy mì, rừng keo xanh mượt.

Thương binh Đinh Văn Đôn (đứng giữa) đi vận động người dân góp lúa vào kho.                                        Ảnh: T.THUẬN
Thương binh Đinh Văn Đôn (đứng giữa) đi vận động người dân góp lúa vào kho. Ảnh: T.THUẬN


Giờ đây, đã bước sang tuổi 74, gia đình có của ăn, của để, nhưng hằng ngày ông Nuông vẫn ra đồng chăn đàn trâu hàng chục con, lên rẫy chăm sóc keo, mì, là tấm gương sáng trong lao động đối với lớp thanh niên người đồng bào dân tộc Hrê. Trò chuyện cùng chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trung Đinh Công Bôn nói: "Không có lời nào để diễn tả hết những việc làm, nghĩa cử và tấm lòng mà ông Nuông để lại cho người dân và địa phương".

Thật vậy, bất cứ ở đâu trong thôn Làng Lòn, nhắc đến ông Nuông ai nấy đều tỏ ra quý trọng như người thân trong gia đình. Mà không quý trọng sao được, khi ông đã hiến đất làm trường học cho con cháu trong làng kiếm cái chữ, làm nhà văn hóa thôn, để dân trong làng có nơi sinh hoạt nắm bắt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
 

Chủ tịch hội hết lòng vì đồng đội

Chúng tôi thật sự cảm kích việc làm của Chủ tịch Hội Tù yêu nước tỉnh Lê Quang Ba khi đã tham gia 12 buổi đối thoại với người có công do Sở LĐ-TB&XH tổ chức. Lý giải sự có mặt của mình, ông Ba nói: “Tôi tâm niệm rằng, còn sống ngày nào thì phải giúp đồng đội, gia đình có công chưa được hưởng các chế độ, chính sách hoàn thiện các thủ tục, để đảm bảo các quyền lợi theo quy định". Năm nay đã 80 tuổi, nhưng ông Ba vẫn đi xe máy, xe buýt về các địa phương, để tìm hiểu đời sống của những cựu tù. Vận động lập bia mộ cho 38 đồng đội đã hy sinh tại Côn Đảo; đưa thân nhân ra Côn Đảo, để thăm viếng và tưởng niệm người đã khuất. Với những việc làm hết lòng vì đồng đội đó, ông Ba là một trong 9 người có công tiêu biểu của tỉnh được tham dự Hội nghị biểu dương người có công toàn quốc năm 2017.

Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trung Đinh Công Bôn kể, năm 2005, có cô giáo đến gieo chữ cho con em trong làng, nhưng không có trường lớp. Nghe vậy, ông Nuông xung phong hiến đất, rồi huy động người dân dựng chòi tạm, để bọn trẻ có nơi học tập. Năm 2007, ông tiếp tục hiến thêm 600m2 đất, để có đủ diện tích đầu tư xây dựng một trường học kiên cố, làm thỏa lòng mong ước của bao lớp học trò vùng cao này. Nói về việc làm của mình, ông Nuông chia sẻ: “Xưa chiến tranh dân làng không học được con chữ đã đành, còn giờ để con cháu thiếu cái chữ chỉ vì không có đất dựng trường là có lỗi với chúng. Nghĩ vậy, nên gia đình hiến đất thôi!".  

Cũng theo ông Nuông, thời buổi này mà đồng bào vùng cao thiếu "cái chữ", đói "cái ăn" là nguy lắm, vì chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm rồi, mỗi người dân phải biết tự lo cái ăn cho gia đình, cái chữ cho con cháu, chứ không thể trông chờ vào Đảng và Nhà nước mãi được. Vậy nên, năm 2015, ông tiếp tục hiến 500m2 đất, để làm nhà văn hóa thôn. Trước đó, khi chưa có nhà văn hóa, căn nhà của ông cũng là nơi sinh hoạt, gặp gỡ của người dân trong thôn. Giờ đây, nếp nhà sàn của ông nằm sâu trong góc chân núi Sam, nhưng ông Nuông vẫn mở lòng: Gia đình còn hơn 1.000m2 mặt đường đó, địa phương cần xây dựng gì thì cứ lấy!

Chia tay cựu chiến binh (CCB) Đinh Văn Nuông, chúng tôi ngược dòng sông Rin đến thôn Tà Vây, xã Sơn Long (Sơn Tây). Những ngày này, cả nước hướng về kỷ niệm 70 năm ngày TBLS, với những nghĩa cử tri ân các thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, nhưng thương binh Đinh Văn Đôn (71 tuổi), dẫu đôi chân không còn lành lặn, vẫn âm thầm đội mưa rừng gõ cửa từng nhà trong thôn để chỉ cho dân biết cách tự lo "cái ăn" cho gia đình.

Công việc này đã theo ông suốt 5 năm qua mặc cho tuổi cao, sức yếu, vết thương chiến tranh hành hạ. Ông đã kiên trì vận động nhân dân lập “kho lúa nghĩa tình”, với mong muốn tiếp sức kịp thời cho những gia đình không may gặp hoạn nạn, khó khăn đột xuất. Là Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, để từng bước xóa đi tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, đến mùa thu hoạch, ông Đôn đã vận động dân góp lúa, để lập kho lúa dự trữ, người ít thì một ang, người nhiều thì vài ba ang... Nhờ đó, nhiều gia đình không thiếu "cái ăn" trong những ngày giáp hạt, tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt.

Đến bây giờ, khi "cái ăn" của người dân không còn là nỗi lo, ông Đôn quay sang chăm lo việc nâng cao dân trí. Nghe tin nơi nào có học sinh nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn, ông Đôn liền băng rừng, lội suối đến vận động ra lớp. Sự góp sức của ông đã đưa tỷ lệ học sinh ra lớp tăng lên đáng kể, từ 60% lúc mới tách xã, năm học 2016-2017 đạt trên 93%. “Đến trường không phải chỉ học cái chữ để biết cách tính toán làm ăn sau này, mà còn được giáo dục nhận biết cái tốt, cái sai... Giờ nhìn các cháu hoàn thành chương trình trung học cơ sở, biết cách làm ăn, có cháu trở thành cán bộ, nên mình vui lắm”, ông Đôn nói.

Lo cho dân, cho đồng đội

Gần 70 tuổi, nhưng thương binh Võ Duy Liên, ở tổ dân phố Liên Hiệp 2A, phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) chưa nghĩ đến việc an phận tuổi già. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông chiến đấu quả cảm với 4 lần được phong dũng sĩ diệt Mỹ; khi quê hương giải phóng, đất nước thống nhất, ông tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ cho sự phát triển của địa phương. Trên cương vị Phó Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố Liên Hiệp 2A, Chi hội trưởng Chi Hội khuyến học, Chi hội trưởng CCB, ông Liên được ví là người "giữ lửa" cho các phong trào ở địa phương. Trung bình mỗi năm ông vận động từ 10- 15 triệu đồng để trao học bổng cho học sinh khá, giỏi.

Cựu chiến binh Đinh Văn Nuông (thứ hai từ phải sang) nói chuyện với đồng đội và thanh niên tại Nhà văn hóa thôn.                            Ảnh: T.THUẬN
Cựu chiến binh Đinh Văn Nuông (thứ hai từ phải sang) nói chuyện với đồng đội và thanh niên tại Nhà văn hóa thôn. Ảnh: T.THUẬN


Mới đây, ông kêu gọi nhân dân, con em xa quê thành đạt đóng góp hơn 50 triệu đồng và góp công sửa lại điểm sinh hoạt văn hóa, xây dựng cổng chào. "Lo được cho dân có cuộc sống ấm no, kinh tế địa phương phát triển là vui rồi", ông Liên chia sẻ. Chị Nguyễn Thị Thúy, người được ông Liên vận động hỗ trợ sửa chữa nhà ở cảm kích nói: Là mẹ đơn thân, lại hay ốm đau, nên mọi chuyện lớn nhỏ trong gia đình đều được vợ chồng chú Liên giúp đỡ. Không phải riêng tôi, gia đình nào trong thôn gặp khó cũng được chú ấy chia sẻ, nên được mọi người quý trọng.

Còn CCB, bác sĩ Phạm Ngọc Lâm (70 tuổi), ở thôn Phước Chánh, xã Đức Hòa (Mộ Đức) đã nhiều năm nay tự nguyện khám, chữa bệnh miễn phí cho CCB, người nghèo, viết lên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Sau khi về hưu, ông thành lập câu lạc bộ “tư vấn sức khỏe”.

Định kỳ, cứ vào ngày 10 âm lịch hằng tháng, ông tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con nhân dân tại nhà văn hóa thôn và duy trì được 10 năm nay, với trên 1.000 lượt người được khám, điều trị. Lúc đầu, ông chủ yếu khám cho CCB trong xã, sau đó người nghèo, người già neo đơn đến xin khám, nên ông nhận luôn. "Thấy đồng chí, đồng đội và nhân dân địa phương có sức khỏe tốt nhờ sự tư vấn của mình thì hạnh phúc không gì bằng, nên một khi còn sức khỏe, người bệnh tin thì tôi còn làm", ông Lâm bộc bạch. Trong những năm công tác trong ngành y, ông vinh dự 2 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Giờ đây, ông được mọi người gọi bằng cái tên trìu mến: “Bác sĩ của dân”.


 H.Thu - S.Huỳnh - X.Hiếu

--------------------------------------------

* Kỳ 2: Lan tỏa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”


 


.