Nhìn lại hoạt động của HĐND cấp xã

10:06, 02/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đã tròn một năm hoạt động với cơ cấu mới, luật định mới, HĐND cấp xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2016-2021 đã có sự phối hợp tốt với UBND, Ủy ban MTTQ trong thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hầu hết HĐND cấp xã trong tỉnh vẫn còn khá lúng túng, dẫn đến chưa phát huy hết năng lực, vai trò của một cơ quan dân cử...

Nhiệm kỳ 2016 -2021, toàn tỉnh có 4.708 đại biểu HĐND cấp xã (trong đó có 1.037 đại biểu nữ; 1.223 đại biểu người dân tộc thiểu số; 1.493 đại biểu trẻ tuổi dưới 35), được tổ chức theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, cơ cấu gồm: Chủ tịch HĐND, một Phó Chủ tịch HĐND là đại biểu hoạt động chuyên trách. So với nhiệm kỳ trước, hoạt động của HĐND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thuận lợi hơn rất nhiều, do hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn chỉnh, quyền hạn của HĐND cấp xã được tăng hơn.

Mặt khác, nhận thức của các cấp lãnh đạo, ban ngành, đoàn thể và cử tri về vai trò của HĐND cấp xã cũng có nhiều thay đổi, nhận được sự ủng hộ nhiều hơn. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì HĐND cấp xã hiện nay hoạt động còn nhiều hạn chế, chưa hiệu quả, còn mang tính hình thức, chưa thật sự đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Mặc dù cơ cấu bộ máy đã được tăng lên về số lượng, thành lập thêm các ban, nhưng thực tế thì hầu hết Thường trực HĐND cấp xã đều hoạt động kiêm nhiệm, đa số cán bộ cấp xã đã thừa nhận rằng, họ phải đảm đương quá nhiều công việc của đảng ủy, chính quyền nên cũng khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ người đại biểu nhân dân.

Trong khi đó, hai ban mới được thành lập ở nhiệm kỳ này (Ban Kinh tế - xã hội, Ban Pháp chế) nhưng không có cơ chế, chính sách rõ ràng, hầu hết đều làm việc theo hoạt động chung của đơn vị, hoặc chủ yếu thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là chính. Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc có hay không thành lập ban cũng không quan trọng, nếu có hoạt động giám sát thì cứ tổ chức thành viên, tập hợp lực lượng.

Tìm hiểu tại một số xã cho thấy, nhiều nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế trong hoạt động HĐND cấp này. Một trong những nguyên nhân cơ bản phải kể đến đó là trình độ, năng lực của đại biểu HĐND gần như chưa đáp ứng yêu cầu ở cơ sở. Thực tế đang diễn ra ở hầu hết các địa phương là, nhiều đại biểu HĐND không có ý kiến phát biểu tại các kỳ họp. Khi tiếp xúc, cử tri chất vấn thì đại biểu không có câu trả lời, hoặc chỉ để một đại biểu đại diện trả lời tất cả các lĩnh vực mà cử tri quan tâm. Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động HĐND cấp xã, phường, các đại biểu không biết phải giám sát thế nào và giám sát những vấn đề gì.

Nhiều khi phải xin ý kiến Đảng ủy, chính quyền rồi mới giám sát thì thật sự không thể có hiệu quả. Đặc biệt, trong việc giám sát thu, chi ngân sách, công tác đầu tư xây dựng cơ bản nếu các đại biểu HĐND không có năng lực, trình độ thì không thể giám sát, cũng như không biết vấn đề mình giám sát là đúng hay sai... Ngoài ra, chức năng giám sát của HĐND cấp xã là hết sức quan trọng, vì nó sẽ giúp chính quyền địa phương cũng như HĐND cấp huyện và tỉnh có những quyết định đúng, cũng như giải quyết tận gốc các vấn đề nảy sinh ở cơ sở, nhưng đại biểu HĐND cấp xã, phường, thị trấn lại chưa đáp ứng yêu cầu thì quả là một khó khăn, thách thức.

Thực tế này đặt ra yêu cầu phải thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu và thành viên các ban HĐND cấp xã; thực hiện tốt Quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND với UBND và UBMTTQ cùng cấp. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân và vai trò giám sát của UBMTTQ, các đoàn thể nhân dân đối với hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND... Có như vậy, chất lượng hoạt động của HĐND cấp xã mới được nâng cao, đáp ứng yêu cầu thực tế cuộc sống và nguyện vọng của cử tri.

Thanh Thuận
 


.