Tưởng niệm 70 năm ngày mất cụ Huỳnh Thúc Kháng (21.4.1947 - 21.4.2017)
Cụ Huỳnh và báo Tiếng Dân

02:04, 21/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng không chỉ nổi tiếng là một nhà yêu nước, một người tài cao biết rộng mà còn là người có công sáng lập và làm chủ bút tờ báo Tiếng Dân, tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Trung Kỳ có tầm ảnh hưởng khá rộng lớn thời bấy giờ.

TIN LIÊN QUAN

Là một trí thức nho học, nhà yêu nước, sau khi từ chức Viện trưởng Viện dân biểu Trung Kỳ, chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng dồn tâm sức chuẩn bị cho việc lập một tờ báo để theo đuổi lý tưởng của mình. Công ty Huỳnh Thúc Kháng được thành lập để chuẩn bị nguồn tài chính và ít lâu sau, ngày 10.8.1927, báo Tiếng Dân, tờ báo quốc ngữ đầu tiên của miền Trung ra đời ở Huế tại một căn nhà nhỏ trên đường Hàng Bè, dọc sông Hương.

Báo Tiếng Dân, tờ báo quốc ngữ đầu tiên của miền Trung ra đời ở Huế. Ảnh: Internet
Báo Tiếng Dân, tờ báo quốc ngữ đầu tiên của miền Trung ra đời ở Huế. Ảnh: Internet


Báo chí ở miền Trung ra đời chậm hơn ở hai đầu đất nước có nguyên nhân là chế độ cai trị của thực dân Pháp ở miền Trung rất khắc nghiệt, tiếng nói của người dân bị bóp ngặt, mọi tư tưởng phản kháng đều bị dập tắt. Giữa tình cảnh ấy, báo Tiếng Dân ra đời như một luồng gió thức tỉnh những tâm hồn còn mê muội, khơi dậy tinh thần yêu nước trong đồng bào. Trong lời phi lộ của số báo đầu tiên, Huỳnh Thúc Kháng viết: “…Đối với đồng bào xin làm vị thuốc đắng, mong rằng bỏ lòng ghen ghét mà dốc lòng thương yêu; đối với Chánh phủ xin làm người bạn ngay, mong rằng theo trình độ dân mà thật lòng cải cách”.

Về tên gọi báo Tiếng Dân, cụ giải thích trên tờ LaTribune Indochinoise: “Đó là sự vui mừng, sự buồn tủi và sự chờ đợi ấp ủ trong lòng hàng triệu đồng bào. Dân là đầu mối của nước. Tiếng Dân đi sát với những vấn đề trong nước. Nếu Chánh phủ biết rõ những nguyện vọng sâu xa của dân thì cần gì đối xử bất công với Tiếng Dân như đã từng đối xử với vài tờ báo đã ra mắt gần đây đã bị đóng cửa. Tờ báo này thật xứng đáng để mang tên là Tiếng Dân vì trong thực tế phải nhờ đến báo chí thì Tiếng Dân mới bộc lộ ra được”.

Trong vai trò là chủ bút của tờ báo, bằng tư duy sắc sảo, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã lên tiếng đấu tranh đòi thực hiện dân chủ, dân quyền, vạch trần chính sách cai trị nô dịch, dã man của thực dân Pháp và sự mục nát của chế độ phong kiến ở Trung Kỳ, nói rõ sự xảo ngôn, mị dân của tầng lớp cai trị để người dân thấu hiểu. Không dưới một lần, cụ nói rõ tuyên ngôn làm báo của mình: “Nếu không có quyền nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta buộc nói”. Với cụ Huỳnh: “Dân là gốc nước. Tiếng Dân đâu đó cũng là dân”. Vốn là nhà nho uyên thâm, trở thành nhà báo, Huỳnh Thúc Kháng không thay đổi lý tưởng mà chỉ thay đổi phương cách đấu tranh: “Tôi là nhà cách mạng công khai, tôi đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc Việt Nam một cách công khai”.
 

Cụ Huỳnh Thúc Kháng (tên khai sinh là Huỳnh Hanh) sinh ngày 1.10.1876 tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình (nay là thôn Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Cách mạng Tháng Tám thành công, trân trọng tài năng đức độ của cụ Huỳnh, Bác Hồ đã mời cụ tham gia nội các Chính phủ. Từ năm 1946, cụ làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, rồi làm Quyền Chủ tịch nước trong thời gian Bác Hồ sang Pháp. Khi kháng chiến bùng nổ, Bác Hồ đã cử cụ Huỳnh đi kinh lý miền Trung. Đầu năm 1947, do tuổi cao sức yếu cụ Huỳnh lâm bệnh và qua đời tại UBKCHC Nam Trung Bộ vào ngày 21.4.1947. Sau khi UBKCHC tổ chức lễ  truy điệu, đã an táng cụ trên núi Thiên Ấn.

Để qua mặt sự theo dõi, kiểm duyệt gắt gao của nhà cầm quyền thực dân thời bấy giờ, cụ Huỳnh Thúc Kháng rất khéo léo trong nghệ thuật làm báo. Trung thực và chính xác là hai yếu tố được đặt lên hàng đầu. Báo Tiếng Dân do cụ làm chủ bút sử dụng rất nhiều thể loại báo chí nhưng thể loại tạp bút do chính cụ viết có lẽ là thành công nhất.

Bình thường cụ Huỳnh ít nói, có lối cư xử thận trọng, nghiêm khắc, thẳng thắn, nhưng khi viết tạp bút cụ tỏ ra rất sâu sắc, linh hoạt, nhẹ nhàng nhưng thâm thúy. Chính thể loại vừa có chất báo lại vừa có chất văn này dễ dàng lách qua sự kiểm duyệt của chính quyền đương thời, để đến được với đông đảo bạn đọc.

Trong những năm 30 của thế kỷ trước, báo Tiếng Dân không chỉ được độc giả từ Huế vào cho đến Phan Rang, PhanThiết đón nhận, bởi nó nói lên dược khát vọng lớn lao của người miền Trung mà còn có tầm ảnh hưởng ra cả nước.

Trong một bản báo cáo của mật thám Pháp gửi quan Toàn quyền An Nam vào năm 1941 có đoạn viết: “Trong nhiều báo như Tràng An, Ngọ Báo, Gofotte de Hue, Loa, Quê hương An Nam, Tân văn,Thanh Nghệ Tĩnh, Phong Hóa, Trung Bắc tân văn, Tân An Nam, Sài Gòn, Dân báo, Hoa kiều, A Hoa kiều, Tiểu thuyết thứ 7... thì Tiếng  Dân được độc giả miền Trung đọc nhiều nhất”.

Báo Tiếng Dân tồn tại được 16 năm, ra được 1766 số, đến năm 1943 thì bị chính quyền thực dân Pháp đóng cửa. Chỉ ngần ấy năm, nhưng tờ báo đã làm được một sứ mệnh cao cả là nói lên tiếng nói đanh thép công kích chính quyền bảo hộ và Nam triều, bảo vệ người dân; đồng thời khơi dậy, khích lệ tinh thần yêu nước trong đồng bào. Tiếng Dân đã thật sự là tiếng nói đầy phản kháng của người dân, làm cho bộ máy thống trị của thực dân Pháp run sợ.

Báo Tiếng Dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng chủ trương và làm chủ bút là một điểm sáng trong nền báo chí nước ta. Riêng với cụ Huỳnh, báo Tiếng Dân đã trở thành một thứ vũ khí vô cùng lợi hại để trừ tà, cứu nước, giúp dân. Biết ơn công lao của cụ, trong câu đối giới thân hào, nhân sĩ đất Quảng Ngãi viếng cụ lúc qua đời có đoạn: “Trọn đời vì xã hội hy sinh, đã từng dùng bút lưỡi mà đánh… tóc bạc lòng son, Qua Địa không thẹn danh tứ hổ”.

THANH TÁNH


 


.