Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Gần dân, trọng dân

09:03, 04/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Một trong những nội dung cốt lõi của Chỉ thị 05 là học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh về dân chủ, nêu gương, gần gũi quần chúng, làm việc khoa học, nói đi đôi với làm... Với việc lựa chọn bước đi và cách làm sáng tạo, phù hợp của mỗi đơn vị, địa phương trong thực hiện Chỉ thị 05 hiện nay đã tạo động lực mới trong việc đổi mới phong cách, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân.

TIN LIÊN QUAN


Từ những lá thư xin lỗi dân

Theo giấy hẹn, ngày 24.10.2016, bà Võ Thị Hải ở tổ 3, phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) đến bộ phận “Một cửa” để nhận kết quả trả hồ sơ. Tuy nhiên, vào thời điểm ấy hồ sơ của bà chưa giải quyết xong, nguyên nhân là do UBND phường Nghĩa Lộ xác nhận chậm, cán bộ xử lý hồ sơ chưa kịp thời. “Dù lúc đó chưa nhận được hồ sơ, nhưng khi được giải thích nguyên nhân trễ hẹn và biết hồ sơ đang được Sở TN&MT thẩm duyệt, tôi cảm thấy cán bộ ngày càng có trách nhiệm với dân hơn. Tôi nghĩ rằng, khi nhận lỗi nghĩa là cán bộ đã biết sai và một khi biết thì họ sẽ sửa sai. Không chỉ tôi mà nhiều người rất hài lòng khi những hồ sơ trễ hẹn đều có thư xin lỗi như thế này”, bà Hải chia sẻ

Bà Tôn Thị Hương nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa.
Bà Tôn Thị Hương nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa.


Còn bà Tôn Thị Hương ở tổ 7, phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), cuối tháng 2.2017 bà được cán bộ bộ phận “Một cửa” gọi điện thoại đến nhận Giấy chứng nhận QSDĐ sau thời gian trễ hẹn 50 ngày. Cũng như những hồ sơ trễ hẹn khác, hồ sơ giao trả cho bà Hương có kèm theo thư xin lỗi.  Bà Hương bộc bạch: Khi cầm lá thư xin lỗi, tôi thấy người dân ngày càng được tôn trọng. Đây là việc làm rất thiết thực đối với một cơ quan nhà nước. Thông qua việc ký những lá thư xin lỗi, cho thấy người đứng đầu cơ quan này rất có trách nhiệm. Mong ngày càng nhiều cơ quan trong tỉnh thực hiện.

Thời gian qua, tại bộ phận “Một cửa” và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai các huyện, thành phố tỉnh xử lý hồ sơ chậm, người dân đều được nhận thư xin lỗi của người đứng đầu Sở TN&MT.
 

Từ tháng 7.2016 đến nay, Sở TN&MT đã ban hành gần 1.000 thư xin lỗi và đã gửi đến công dân. Việc làm này không chỉ thể hiện sự tôn trọng người dân, thái độ cầu thị, nhận lỗi trước công dân mà còn tạo được niềm tin, sự gắn kết giữa cơ quan công quyền với nhân dân.

Mặc dù mới triển khai, nhưng mô hình “thư xin lỗi” được coi là nét mới trong công tác CCHC ở tỉnh ta, không dừng lại ở việc thể hiện nét đẹp văn hóa ứng xử của người đứng đầu tại các cơ quan, đơn vị hành chính mà còn hướng đến xây dựng nền hành chính thân thiện, gần dân. Giám đốc Sở TN&MT Đỗ Minh Hải cho biết, trong tất cả các thư xin lỗi, Sở đều đưa thông tin lý do xin lỗi; hoặc là do cán bộ của Văn phòng ĐKĐĐ chi nhánh của huyện, thành phố; hoặc cán bộ thẩm tra hồ sơ của Văn phòng ĐKĐĐ; hoặc do lãnh đạo chi nhánh chậm, hoặc do xác nhận của chính quyền địa phương cơ sở chậm và cũng có khi chậm là do người dân...

Mục đích là để người dân biết được lý do tại sao chậm, biết được thái độ phục vụ của cơ quan giải quyết hồ sơ; nâng cao trách nhiệm của  người trực tiếp thụ lý hồ sơ. Những việc này tưởng rất nhỏ, nhưng nếu làm tốt sẽ có tác dụng, sức lan tỏa rất lớn. "Chúng tôi khẳng định rằng, “Thư xin lỗi” chỉ là một bước, bước quan trọng hơn là khi đã nhận ra lỗi thì phải khắc phục, tức là phải giải quyết cho được, cho nhanh cái lỗi ấy, điều ấy mới là quan trọng. Quan điểm chỉ đạo của Sở là cán bộ nào để xảy ra tình trạng trễ hẹn nhiều lần, sẽ luân chuyển vị trí khác", ông Hải nói.

Nêu gương người đứng đầu

Trên thực tế, chuyện xin lỗi dân không chỉ dừng lại ở những hồ sơ trễ hẹn, mà nhiều năm qua, người đứng đầu cấp ủy ở nhiều địa phương trong tỉnh đã nhận lỗi trực tiếp trước nhân dân vì những việc làm sai trái của cán bộ, chính quyền cấp dưới, như vụ chính quyền để doanh nghiệp xâm hại mồ mả ở xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi); sai phạm trong đền bù, giải phóng mặt bằng của một số cán bộ xã Phổ Phong (Đức Phổ); vụ khai thác cát ở Cửa Đại (xã Nghĩa An)...

Đồng chí Bí thư Thành ủy Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính cho biết, sau khi sáp nhập 13 đơn vị hành chính vào TP.Quảng Ngãi, rất nhiều việc tồn đọng gây bức xúc trong nhân dân. Nhiều việc dân đặt ra rất chính đáng, đúng pháp luật, nhưng do bệnh quan liêu của một số bộ phận cán bộ, công chức, nên giải quyết không đến nơi đến chốn, không kịp thời, dẫn đến bức xúc trong dân. Đến thời điểm này, Thành ủy đã hoàn thành việc tổ chức đối thoại, tiếp xúc với nhân dân các xã mới sáp nhập và thông qua những lần đối thoại với nhân dân mình rõ cán bộ mình hơn.  "Nếu cán bộ cấp dưới sai thì mình phải nhận trách nhiệm đầu tiên, nếu ảnh hưởng đến dân thì xin lỗi dân ngay, không ngại, không né tránh gì cả. Vì để tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, nhân dân, trước hết mình phải thể hiện được vai trò nêu gương của cấp ủy đảng, nhất là việc nói phải đi đôi với làm", đồng chí Nguyễn Tăng Bính nói.

Quảng Ngãi đã và đang xây dựng hình ảnh người cán bộ “gần dân, trọng dân và học dân” theo phong cách của Bác bằng những việc làm cụ thể thiết thực, thể hiện qua Quy chế tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy với nhân dân; Quyết định 306 “về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao”...  

Trả hồ sơ cho công dân tại bộ phận một cửa, TP. Quảng Ngãi.
Trả hồ sơ cho công dân tại bộ phận một cửa, TP. Quảng Ngãi.


Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ cho rằng, một trong những việc làm sáng tạo mang lại hiệu quả cao là thực hiện tiếp xúc, đối thoại. Đã có hàng trăm cuộc đối thoại giữa người đứng đầu các cấp với nhân dân và doanh nghiệp được tổ chức trong những năm gần đây. Qua đó đã nắm bắt và giải quyết các vấn đề vướng mắc, bức xúc trong nhân dân, góp phần chuyển biến mạnh mẽ trong việc đổi mới phong cách làm việc gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với nhân dân, chống bệnh hình thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm, “nói đi đôi với làm” của cán bộ, đảng viên trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện việc đối thoại, tiếp xúc với nhân dân và có sửa đổi, bổ sung một số quy định để phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, không đợi đến khi có điểm nóng mới đối thoại, mà chúng ta cần hiểu thông tin, biết nguyện vọng tâm tư hay chuyển tải cái gì đó đến với dân thì đến với dân. Vì đến với dân để biết dân hiểu thế nào về chính sách pháp luật của Nhà nước, mong muốn, nguyện vọng như thế nào và có “hiến kế” gì cho tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội.

Có thể khẳng định, việc học tập và làm theo Bác xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp cách mạng qua mỗi thời kỳ, là tình cảm thiêng liêng của cán bộ, đảng viên, nhân dân ta đối với Bác Hồ kính yêu.

Bài, ảnh: Thanh Thuận



 


.