Cảnh giác với luận điệu đánh đồng "môi trường và chính trị"

10:03, 02/03/2017
.

Trong khi toàn Đảng, toàn dân ta đang nỗ lực khắc phục hậu quả sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung thì thời gian gần đây, vẫn có những kẻ lợi dụng sự cố này để tung tin bịa đặt, khuếch trương hóa vấn đề ngày càng trở nên trầm trọng hơn, thậm chí đánh đồng giữa sự cố ô nhiễm môi trường biển với “thách thức chính trị đang diễn ra ở Việt Nam”. Cần phải vạch rõ, bác bỏ những luận điệu sai trái này.

 

Âm mưu xuyên tạc, chống phá dai dẳng
 
Mới đây, trên trang mạng tiếng Việt của một hãng truyền thông nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam tung lên bài viết “Ô nhiễm môi trường đe dọa ổn định ở Việt Nam”. Bài viết này nhận định: “Hầu hết người Việt Nam bất bình với Đảng Cộng sản đã cho phép một công ty nước ngoài xả độc ra biển… Nhiều người dân miền Trung đã tham gia các cuộc biểu tình đòi được Formosa và chính phủ bồi thường quyền lợi thích đáng. Kể cả nhiều người không bị ảnh hưởng vì thảm họa này cũng bày tỏ sự bất bình. Điều này là đáng sợ đối với Đảng Cộng sản Việt Nam” (!)…
 
“Mượn gió bẻ măng” và “theo đóm ăn tàn”, những kẻ bất đồng chính kiến, những nhà “đấu tranh dân chủ”, một số tổ chức “xã hội dân sự” nhân cơ hội này tiếp tục có những động thái hô hào, cổ vũ cho cái gọi là “thúc giục mọi người chung tay để đấu tranh với vấn đề Formosa”. Nào là lén lút, âm thầm sản xuất phim về sự cố môi trường biển để tán phát trên mạng xã hội hòng mang đến “cho những người ở xa hiểu hơn vấn đề thảm họa môi trường ở Việt Nam”. Nào là kêu gào quyên góp, ủng hộ cho Quỹ “Thương về miền Trung” mà thực chất chỉ nhằm phục vụ cho các hoạt động lôi kéo, kích động những người dân nhẹ dạ cả tin tụ tập đông người để tạo áp lực với chính quyền. Nào là trao “thỉnh nguyện thư” của các tổ chức “xã hội dân sự” để vận động chính giới quốc tế can thiệp, hậu thuẫn cho ngư dân miền Trung khởi kiện Công ty Formosa.
 
Trong khi đó, lợi dụng chính sách bảo đảm tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta và được sự tiếp tay của thế lực thù địch bên ngoài, có kẻ đã kêu gọi, kích động giáo dân tụ tập, biểu tình, tuần hành, gây rối tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Có mặt và chứng kiến đoàn người đi khởi kiện Formosa, một “nhà báo độc lập” đã tuyên bố “hùng hồn”: “Lời khuyên của tôi mà có thể ngắn nhất, gọn nhất dành cho nhà cầm quyền Việt Nam là: Hãy trở về với nhân dân! Hãy trả lại cho nhân dân những gì đã bị cướp đi. Còn lời khuyên cho người dân Việt Nam là: Hãy giành lấy những gì của mình bởi vì tự do không bao giờ được cho không” (!)
 
Thật không khó để nhận diện những ý kiến, nhận định, hành vi trên không chỉ nhằm xuyên tạc, đánh lạc hướng dư luận, mà còn ra sức đơm đặt, dệt thêu, đánh tráo khái niệm, đánh đồng giữa vấn đề ô nhiễm môi trường biển với vấn đề chính trị, lợi dụng đấu tranh phòng, chống ô nhiễm môi trường biển để chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân và đoàn kết lương-giáo, làm lung lay niềm tin của nhân dân với Đảng và chế độ. 
 

 

Ảnh minh họa/TTXVN
Ảnh minh họa/TTXVN
 
Kết luận rõ ràng, nỗ lực khắc phục hậu quả, xử lý kiên quyết những tập thể và cá nhân sai phạm
 
Đã gần một năm trôi qua, sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung do Formosa gây ra là một thảm họa môi trường biển lớn nhất xảy ra tại Việt Nam từ trước đến nay. Đại diện công ty này đã cúi đầu nhận lỗi trước Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân Việt Nam, đồng thời đã cam kết bồi thường 500 triệu USD (tương đương hơn 11.000 tỷ đồng) để khắc phục sự cố nghiêm trọng này.
 
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, Đảng và Nhà nước ta đã nhìn nhận: Sự cố môi trường biển miền Trung tháng 4-2016 diễn ra trên diện rộng, gây ra hậu quả lớn về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài; đã ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, làm muối, dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch; làm xáo trộn an ninh trật tự, gây tâm lý bức xúc, bất an trong một bộ phận nhân dân.
 
Để góp phần khắc phục hậu quả do sự cố môi trường này gây ra, Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành Trung ương và các cấp chính quyền địa phương đã khẩn trương đề ra các giải pháp để sớm ổn định cuộc sống và lao động của bà con ngư dân ở các tỉnh miền Trung. Ngày 29-9-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về định mức bồi thường thiệt hại cho bà con ngư dân tại 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế bị thiệt hại vì sự cố môi trường biển do Formosa gây ra.
 
Theo đó, có 7 nhóm đối tượng thiệt hại được xác định bồi thường gồm: Khai thác hải sản; nuôi trồng thủy sản; sản xuất muối; hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển; dịch vụ hậu cần nghề cá; dịch vụ du lịch, thương mại ven biển; thu mua, tạm trữ thủy sản. Chỉ ít ngày sau đó, ngày 7-10-2016, Bộ Tài chính đã tạm cấp 3.000 tỷ đồng cho 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại. Từ đó đến nay, hầu hết ngư dân bị thiệt hại đã được nhận tiền đền bù từ khoản tiền này. Đại đa số bà con nhận tiền đền bù đều hài lòng, phấn khởi trước sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của Đảng và Nhà nước. Nhiều gia đình nhận tiền bồi thường đã liên kết với nhau đóng tàu mới có công suất lớn để tiếp tục đánh bắt xa bờ, yên tâm lao động và từng bước ổn định cuộc sống.  
 
Có thể nói rằng, sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung đã để lại cho chúng ta một bài học đắt giá về công tác quản lý môi trường. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự cố đáng tiếc này, theo như phân tích của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đó là do nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của chủ đầu tư, một số ngành, cấp chính quyền, tổ chức kinh tế còn hạn chế; tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn khá phổ biến, nhất là trong quá trình thẩm định, xét duyệt, thực hiện các dự án đầu tư”.
 
Không chỉ kết luận công khai, chỉ rõ nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường biển, Đảng, Nhà nước ta còn xác định cụ thể những tập thể, cá nhân liên quan đến trách nhiệm sự cố này. Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp, xem xét, kết luận Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2008-2016 và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh các nhiệm kỳ 2004-2011, 2011-2016 đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, buông lỏng quản lý; để xảy ra vi phạm trong công tác thẩm định, phê duyệt, chấp thuận thay đổi đánh giá tác động môi trường, cũng như sai phạm trong việc phê duyệt, cấp phép và quản lý nhà nước đối với dự án Formosa Hà Tĩnh.
 
Những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật. Cùng với đó, nhiều cán bộ lãnh đạo của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, lãnh đạo Tổng cục Môi trường và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng liên quan đến sự cố môi trường biển miền Trung cũng bị xem xét, xử lý kỷ luật. Điều đó cho thấy, Đảng và Nhà nước ta rất nghiêm minh đối với những tập thể, cá nhân vi phạm khuyết điểm, chứ không dung túng, bao che, “đóng cửa bảo nhau”, né tránh trách nhiệm để “mọi việc đâu lại vào đó”… như một vài ý kiến từng lan truyền trên mạng.
 
Sau sự cố môi trường biển miền Trung, Đảng và Nhà nước ta đã có thêm kinh nghiệm về việc nhìn nhận, đánh giá, giải quyết, xử lý những “điểm nóng” về môi trường, không ngừng nỗ lực tìm ra các giải pháp phù hợp, khả thi để vừa đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội mà vẫn bảo đảm giữ gìn, bảo vệ được môi trường trong lành. Đúng như Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố, cam kết trước quốc dân đồng bào: “Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy phát triển, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế gây ảnh hưởng cuộc sống bình yên của người dân!”.
 
Thông điệp đó của người đứng đầu Chính phủ cùng ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân ta đang chung sức, nỗ lực khắc phục hậu quả sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung bước đầu đã đạt được hiệu quả tích cực, là minh chứng rõ ràng, nhất quán về con đường, mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam. Đó cũng là minh chứng phủ nhận, bác bỏ những luận điệu sai trái, thù địch lợi dụng vấn đề ô nhiễm môi trường biển miền Trung để chống phá Đảng, Nhà nước và chống phá cách mạng Việt Nam.  
 
THIỆN VĂN/Báo Quân đội nhân dân

.