Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức cấp xã: Nhiều rào cản từ thực tế

07:02, 25/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện chủ trương giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện Trà Bồng đang nỗ lực xây dựng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã (CCCX) đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ của đội ngũ CCCX là người dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn còn nhiều hạn chế, là những thử thách đang đặt ra cho lãnh đạo địa phương trong thời gian đến.

TIN LIÊN QUAN


Đến cuối năm 2016, Trà Bồng vẫn nằm trong diện 62 huyện nghèo nhất cả nước. Toàn huyện có 9 xã, 1 thị trấn, trong đó có 8 xã khu vực III - đặc biệt khó khăn. Dân số toàn huyện là 32.264 người, trong đó người DTTS chiếm hơn 45,32%.

Trong điều kiện tỷ lệ đói nghèo cao (42,73%), người dân sống chủ yếu dựa vào nông-lâm nghiệp, trình độ dân trí thấp, nhất là trình độ văn hóa của đồng bào DTTS, nên đây là bài toán khó trong  xây dựng đội ngũ CCCX là người DTTS, cũng như khả năng tiếp thu những tri thức mới về khoa học quản lý để áp dụng trong quá trình quản lý điều hành. Điều này gây khó khăn rất lớn trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ CCCX người DTTS đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện.

Tính đến cuối tháng 2.2016, tổng số CCCX trên địa bàn huyện là 95 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 36 người (22 nam và 14 nữ), tham gia trong các lĩnh vực công an, quân sự, địa chính, văn phòng... độ tuổi dưới 45 chiếm đa số. Tuy nhiên, so với cơ cấu dân số giữa người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số  thì CCCX chưa cân đối, điều đó ảnh hưởng đến hoạt động quản lý của địa phương.

Cùng với việc bố trí CCCX, thì công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm. Hằng năm, UBND huyện lập kế hoạch xác định nhu cầu bồi dưỡng trình HĐND huyện phê duyệt ngân sách đào tạo, bồi dưỡng. Theo đó, CCCX người DTTS được quan tâm bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, các kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm, hình thành thái độ tận tụy phục vụ nhân dân.

Mới đây, qua khảo sát 36 CCCX của UBND cấp xã, kết quả cho thấy, con số phản ánh các kỹ năng của CCCX người DTTS thành thạo  trên 50%, như thành thạo  kỹ năng viết báo cáo, kỹ năng hệ thống hóa văn bản pháp luật chuyên ngành và kỹ năng tham mưu, đề xuất giải quyết công việc. Tuy nhiên, kỹ năng phối hợp của công chức vẫn chưa thành thạo nhiều (chỉ có 45,8% tỷ lệ chọn).

Qua thực tế cho thấy, mức độ đáp ứng yêu cầu công việc thông qua việc thành thạo các kỹ năng của CCCX người DTTS vẫn còn thấp. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi công vụ. Việc bồi dưỡng hiện nay mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu công việc của CCCX. Để cải thiện thái độ phục vụ, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, thực hiện các hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả đòi hỏi CCCX nói chung và CCCX người DTTS trên địa bàn huyện cần tiếp tục được bồi dưỡng về kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ cho từng loại công việc cụ thể.

Bên cạnh những hạn chế trong công tác bồi dưỡng CCCX do nguyên nhân khách quan,  nhận thức của cấp ủy và chính quyền ở một số xã về công tác bồi dưỡng CCCX chưa cao, chưa gắn công tác quy hoạch với bố trí, sử dụng, bồi dưỡng CCCX người DTTS. Một bộ phận CCCX người DTTS tham gia các khóa bồi dưỡng còn thụ động, không chịu khó tìm tòi học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngại đi học. Đối tượng người học đa dạng, trình độ khác nhau, gây khó khăn trong việc tiếp nhận kiến thức của CCCX người DTTS. Ngoài ra, kinh phí dành cho công tác bồi dưỡng vẫn còn hạn chế, cơ chế chính sách hỗ trợ cho CCCX người DTTS đi học vẫn còn nhiều khó khăn, đã và đang là những trở ngại trong quá trình nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Trà Bồng hiện nay.

Hồ Văn Thịnh
 


.