KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH TỔNG BÍ THƯ TRƯỜNG CHINH (9.2.1907- 9.2.2017)
Phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân

01:02, 09/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hoạt động cách mạng từ lúc 18 tuổi, đồng chí Trường Chinh đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân. Đồng chí là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất trong những bước ngoặt của cách mạng nước ta.

TIN LIÊN QUAN


Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9.2.1907 ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, trong một gia đình có truyền thống văn hóa giáo dục rất căn bản và sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Đồng chí nhanh chóng chuyển từ một người yêu nước trở thành một người cộng sản, người học trò xuất sắc, người đồng chí tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tấm gương chiến sĩ cộng sản kiên trung

Đồng chí đến với cách mạng thông qua các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc.  Trong những năm 1925- 1939, dù hoạt động ở ngoài cũng như khi ở tù, đồng chí đều đem hết nghị lực, trí tuệ đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Tổng Bí thư Trường Chinh đang thăm hỏi các chiến sĩ nông nghiệp tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua công nông binh toàn quốc lần 2.                                                                                                                                                ảnh: TL
Tổng Bí thư Trường Chinh đang thăm hỏi các chiến sĩ nông nghiệp tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua công nông binh toàn quốc lần 2. ảnh: TL


Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5.1941), đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Lúc bấy giờ, đồng chí đề ra sáng kiến lập hệ thống liên hoàn An toàn khu (ATK). Tuy nhiên, trong giai đoạn tháng 8.1942 - 9.1944, tình hình cách mạng nước nhà tiếp tục gặp khó, trách nhiệm to lớn của Đảng và cách mạng đặt lên vai  Tổng Bí thư Trường Chinh. Nhưng rồi với trí tuệ thông minh, sắc sảo, khả năng ứng phó nhanh nhạy, đồng chí cùng với Trung ương có những quyết định quan trọng, đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên. Đồng chí dự báo việc Nhật – Pháp bắn nhau và đã chủ trì Hội nghị Thường vụ Trung ương ra Chỉ thị “Nhật- Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.

Tại Đại hội quốc dân ở Tân Trào, đồng chí được cử phụ trách Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và đã phát lệnh Tổng khởi nghĩa (13.8.1945). Đồng chí cùng với Bác Hồ và Trung ương Đảng đề ra đường lối và chỉ đạo tổ chức thực hiện, đưa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến thành công. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ quan điểm chỉ đạo của Đảng, đồng chí Trường Chinh đã khẳng định trong tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi” để tuyên truyền trong toàn Đảng, toàn quân và dân ta. Cuối cùng, nhân dân ta đã giành thắng lợi to lớn, ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử của dân tộc ta. Với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với cương vị là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rồi là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí Trường Chinh cùng tập thể Bộ Chính trị đưa ra những quyết sách chiến lược, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tới thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đặt nền móng cho công cuộc đổi mới

Khi đất nước thống nhất đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng chí tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ cho công tác khôi phục hậu quả chiến tranh, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển kinh tế. Đặc biệt là, đồng chí đã đặt nền móng quan trọng cho công cuộc đổi mới đất nước. Năm 1986, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đã sớm nhận rõ được xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước, yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân và đề ra chủ trương đổi mới. Trong quá trình chuẩn bị Đại hội VI, đồng chí đã nhấn mạnh: “Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn”. Từ đó, Đại hội này đã trở thành Đại hội đổi mới, đánh dấu một mốc son mới trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Từ khởi nguồn đó mà hơn 30 năm qua, đất nước ta không ngừng lớn mạnh, vị thế đất nước so với thế giới đã được nâng lên rõ rệt, kinh tế - văn hóa, xã hội ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Từ một đất nước nghèo, kém phát triển, đến nay Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo với trữ lượng lớn; hình thành được nhiều ngành kinh tế chủ lực và không ngừng phát triển; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần hằng năm; bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc được bảo tồn và phát huy; quốc phòng - an ninh được giữ vững...

Những bài học sống mãi với thời gian

Với 81 tuổi đời, 63 năm hoạt động cách mạng kiên cường và liên tục, đồng chí Trường Chinh luôn nêu gương sáng và để lại cho chúng ta những bài học sống mãi với thời gian. Đó là, đồng chí suốt đời hy sinh, phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân; không ngừng học tập và rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Ý chí kiên cường cách mạng, tính nguyên tắc và tổ chức kỷ luật, tình cảm chân thành với đồng bào, đồng chí, tính khiêm tốn, giản dị trong cuộc sống hằng ngày, phong cách làm việc khoa học, cẩn thận... Đặc biệt là, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân.

Soi rọi với tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, chúng ta có thêm điều kiện cảm nhận sâu sắc về giá trị của những bài học đó. Với đồng chí Trường Chinh, trước những bước ngoặt lịch sử phải không ngừng đổi mới tư duy, trên cơ sở nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng tình hình, đề ra chủ trương phù hợp, dựa vào sức mạnh của nhân dân để làm nên thắng lợi... Những bài học này trong giai đoạn cách mạng hiện nay còn có ý nghĩa sâu sắc đối các cấp ủy, chính quyền; mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là với cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

PHÚ ĐỨC
 


.