Tiếp xúc, đối thoại giữa bí thư các cấp ủy với nhân dân: Nâng cao hiệu quả xử lý kiến nghị cuả nhân dân

05:12, 08/12/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện tiếp xúc, đối thoại giữa bí thư các cấp ủy với nhân dân là nhằm góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân và phát huy, mở rộng quyền làm chủ của nhân dân. Tuy nhiên, vấn đề người dân quan tâm sau mỗi cuộc tiếp xúc, đối thoại là công tác chỉ đạo và chất lượng giải quyết những vấn đề mà người dân phản ánh, kiến nghị...

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Quang cho rằng, việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại giữa bí thư các cấp ủy với nhân dân thực hiện khi cần thiết; phải được tiến hành công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, thẳng thắn... phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình... Và quan trọng hơn cả là việc chỉ đạo giải quyết, xử lý rốt ráo những nội dung kiến nghị, phản ánh của nhân dân. Đây là cách để nâng cao niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao vị thế, uy tín của người đứng đầu cấp ủy.

TIN LIÊN QUAN


Thực tế, qua hơn 4 năm (2012 - 2016) triển khai, tổ chức thực hiện Quy chế tiếp xúc, đối thoại, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh  ủy đã thực hiện 13 cuộc; bí thư 14/14 huyện, thành ủy thực hiện 119 cuộc và 179 bí thư cấp ủy các xã, phường, thị trấn tổ chức được 915 lượt tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Qua đó đã ban hành 1.047 thông báo, kết luận chỉ đạo giải quyết nhiều kiến nghị, bức xúc chính đáng của nhân dân và đã giải quyết được khoảng 85% các ý kiến. Trong đó, huyện Minh Long giải quyết được 96%, Đức Phổ 93%, Ba Tơ 91%, TP.Quảng Ngãi 90%; các địa phương còn lại cũng đạt trên 80%. Một số vụ việc bức xúc, kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ đã được giải quyết thoả đáng; tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Kết quả giải quyết những kiến nghị của nhân dân sau khi tiếp xúc, đối thoại của bí thư cấp ủy các cấp nêu trên là thể hiện quyết tâm chính trị của cấp ủy các cấp trong việc “nói đi đôi với làm”. Tuy nhiên, với người dân thì kết quả đó vẫn chưa được trọn vẹn, vì tỷ lệ phần trăm vụ việc chưa giải quyết được, phần lớn là những vấn đề phức tạp, bức xúc trong dân và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh điểm nóng. Điển hình là vụ “nhà siêu mỏng” tại ngã tư đường Lê Thánh Tôn và Quang Trung thuộc phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi kéo dài gần chục năm qua vẫn chưa giải quyết xong, mặc dù Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo giải quyết. Hay như vụ việc lấn chiếm sông, luồng lạch ở xã Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) và xã Bình Châu (Bình Sơn) để xây dựng công trình trái phép, người dân đã kiến nghị đến các cấp chính quyền, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên...

Một vấn đề quan trọng là, nhiều hộ dân thuộc diện di dời tái định cư giai đoạn 2006 - 2013 chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, sau khi đối thoại, một số cấp ủy xác định trách nhiệm giải quyết là của Sở TN&MT, nên có văn bản kiến nghị giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa xong. Trên địa bàn huyện Bình Sơn, việc tranh chấp đất giữa một số hộ dân ở xã Bình Nguyên và Bình Khương với Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi cũng kéo dài nhiều năm nay, tỉnh và huyện Bình Sơn đều đã đối thoại và chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan xử lý, nhưng đến nay mọi việc vẫn như cũ...

Trước những tồn tại đó, mới đây Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Quyết định số 454-QĐ/TU ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa Bí thư các cấp ủy với nhân dân đã quy rõ trách nhiệm và thời gian giải quyết những kiến nghị, yêu cầu của nhân dân sau khi tiếp xúc, đối thoại. Được biết, quyết định này cũng được điều chỉnh bởi Quyết định 306 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ quản lý. Tin rằng, với những ràng buộc đó chất lượng công tác xử lý thông tin, phản ánh của nhân dân sau tiếp xúc, đối thoại với Bí thư các cấp ủy trong tỉnh sẽ được nâng lên.

Giải quyết những kiến nghị, yêu cầu của nhân dân sau khi tiếp xúc, đối thoại:

Kết thúc buổi tiếp xúc, đối thoại chậm nhất là 7 ngày làm việc, văn phòng cấp ủy hoặc cán bộ phụ trách văn phòng cấp ủy thông báo ý kiến kết luận chỉ đạo giải quyết và kiến nghị giải quyết những vấn đề bức xúc chính đáng của nhân dân đến các cơ quan có liên quan, bảo đảm các kiến nghị được giải quyết kịp thời, có kết quả, đúng quy định.

Chậm nhất 30 ngày làm việc sau khi có thông báo kết luận của bí thư cấp ủy, các cơ quan có trách nhiệm giải quyết thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết vụ việc cho tập thể, cá nhân có liên quan (nếu có) và báo cáo với bí thư cấp ủy. Trường hợp vụ việc cần có thêm thời gian để xác minh, làm rõ hoặc các nội dung giải quyết phải tuân thủ các quy định của pháp luật, cơ quan có trách nhiệm giải quyết có văn bản trả lời cho tổ chức, cá nhân có liên quan biết về nội dung, yêu cầu, thời gian, trách nhiệm giải quyết.

 


           

PHÚ ĐỨC

 


.