Chất lượng nguồn nhân lực: Nhận diện hạn chế để khắc phục

02:11, 15/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo đánh giá của UBND tỉnh, dù đã đưa ra nhiều giải pháp và xây dựng kế hoạch thực hiện, nhưng hiện nay chất lượng nguồn nhân lực ở tỉnh ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển...

TIN LIÊN QUAN

Hạn chế từ đâu?

 Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS tiếp tục được duy trì tại 184/184 xã, phường, thị trấn của 14/14 huyện, thành phố. Công tác định hướng nghề nghiệp, đào tạo nghề được quan tâm. Nét mới trong giai đoạn 2011 - 2014 là đào tạo trình độ cao đẳng nghề với trên 4,3 nghìn người; trình độ trung cấp nghề cho 13,5 nghìn người.

Nhờ đó, số lao động qua đào tạo nghề tăng hằng năm. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đang làm việc trong các thành phần kinh tế ước đạt 45%. Chất lượng đội ngũ CB,CCVC trong hệ thống chính trị được nâng lên. Toàn tỉnh có 2.189 công chức, 22.406 viên chức, trong đó trên 50% có trình độ đại học và sau đại học...

Số lượng lao động qua đào tạo nghề ngày càng tăng, nhưng tỷ lệ lao động lành nghề hoặc có tay nghề cao vẫn còn thấp.
Số lượng lao động qua đào tạo nghề ngày càng tăng, nhưng tỷ lệ lao động lành nghề hoặc có tay nghề cao vẫn còn thấp.


Theo đánh giá của UBND tỉnh, dù có bước phát triển đáng kể, nhưng hiện nay chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn thấp. Thời gian đào tạo nghề ngắn, nặng về lý thuyết, thiếu điều kiện thực hành nên học viên khó thành thạo với nghề, dẫn đến thiếu lao động lành nghề và thiếu các chuyên gia kỹ thuật giỏi, cán bộ khoa học kỹ thuật đầu ngành. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Công tác quản lý nhà nước về lao động, việc làm và dạy nghề còn nhiều thiếu sót.

Chất lượng giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển mạng lưới dạy nghề còn hạn chế. Ngân sách đầu tư cho giáo dục đào tạo được chú trọng, nhưng chi phí cho đào tạo nghề vẫn còn khó khăn. Sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Hoạt động dạy nghề chưa chú trọng đúng mức tới nhu cầu thực tế của thị trường lao động và doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng không đủ học viên có tay nghề cung ứng cho doanh nghiệp, hoặc doanh nghiệp phải đào tạo lại sau khi tuyển dụng.
 
Cộng hưởng các giải pháp

 Để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực trong thời gian đến, UBND tỉnh đề ra 8 nhóm giải pháp: Nâng cao nhận thức các cấp, các ngành về phát triển nhân lực; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, đào tạo và pháp luật về phát triển nhân lực; hoàn thiện bộ máy quản lý phát triển nhân lực, đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động công tác quản lý; cải tiến và tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành về phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh; thực hiện chính sách đầu tư và chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh triển khai chính sách việc làm, bảo hiểm, bảo trợ xã hội; xây dựng chính sách đãi ngộ và thu hút nhân tài; tăng cường hợp tác phối hợp. Đặc biệt là, chú trọng giải pháp thực hiện chính sách đầu tư và chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó chú trọng thực hiện chính sách “Doanh nghiệp neo đậu”, để nhà đầu tư vận động nhà đầu tư vào các KCN, KKT... của tỉnh.

 Quảng Ngãi hiện đã và đang lựa chọn các dự án đầu tư có kỹ thuật và công nghệ hiện đại, sử dụng nhân lực có chuyên môn, tay nghề cao. Do đó, các ngành nghề, doanh nghiệp cần đào tạo trong thời gian đến là: Công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, điện tử viễn thông, logictis, dịch vụ tài chính ngân hàng, bảo hiểm...

Ngoài ra, tỉnh sẽ tăng cường hợp tác với các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong việc tư vấn quản lý, thực hiện các đề tài khoa học, các đề tài ứng dụng; hợp tác trong việc tổ chức nghiên cứu và kỹ năng hoạt động thử nghiệm, triển khai ứng dụng các mô hình quản lý hiện đại, các mô hình sản xuất kinh doanh tiên tiến, phù hợp với sự phát triển kinh tế của tỉnh...
 

Bài, ảnh: NG.TRIỀU
 


.