Đối thoại để giải quyết bức xúc của dân

09:10, 11/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, các cấp ủy từ huyện đến xã ở huyện Sơn Tịnh đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Qua tiếp xúc, đối thoại đã giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị của nhân dân, tạo được niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền ở địa phương.
 

Ông Trần Chấn Diệp - Bí thư Huyện ủy Sơn Tịnh cho rằng, việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân đã mang lại hiệu quả thiết thực. Cấp ủy các cấp đã xây dựng kế hoạch đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân các xã. Để việc tiếp xúc, đối thoại đạt kết quả cao, huyện quy định rõ nội dung, chương trình của hội nghị, hình thức tổ chức lấy ý kiến của nhân dân. Các cơ quan được phân công nhiệm vụ cụ thể để giải quyết các ý kiến, kiến nghị của người dân.
 
Qua bốn năm tổ chức (2012 - 2016), các cấp ủy trong huyện đã giải quyết 75% vụ việc sau tiếp xúc, đối thoại thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và kiến nghị cấp trên giải quyết các vụ việc, nhóm vấn đề vượt thẩm quyền. Riêng qua 7 cuộc tiếp xúc, đối thoại của Bí thư Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành 7 thông báo ý kiến kết luận, chỉ đạo giải quyết 110/132 vụ việc. Bí thư Đảng ủy xã, thị trấn đã ban hành 35 thông báo/35 cuộc tiếp xúc, đối thoại và chỉ đạo chính quyền, cơ quan liên quan giải quyết 427/537 ý kiến...

Các vấn đề nhân dân phản ánh có những việc tồn đọng kéo dài, gây búc xúc trong nhân dân, do cấp cơ sở giải quyết không dứt điểm làm ảnh hưởng đến vai trò, uy tín của lãnh đạo. Tiêu biểu như vụ việc tranh chấp đất rừng của ông Lê Bôn với Hội Người cao tuổi thôn Bình Bắc (Tịnh Bình), vụ các hộ dân ở thôn Trường Xuân, Thọ Lộc và Thọ Lộc Đông (Tịnh Hà) khai thác cát tại mỏ cát xã Tịnh Hà; người dân xã Bình Mỹ (Bình Sơn) ở khu vực giáp ranh với xã Tịnh Hiệp xâm canh và hành hung người dân thôn Vĩnh Tuy...
Bãi cát Trường Xuân (Tịnh Hà) trước đây là điểm nóng khiếu nại về khai thác cát, sau đối thoại đã cơ bản ổn định.
Bãi cát Trường Xuân (Tịnh Hà) trước đây là điểm nóng khiếu nại về khai thác cát, sau đối thoại đã cơ bản ổn định.


Hay như vụ các hộ dân ở xóm 4a, 4b thôn Vĩnh Tuy (Tịnh Hiệp) tranh chấp đất rừng với ông Huỳnh Tấn Đô... Sau khi nắm rõ nguyên nhân sự việc và tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân trong các cuộc đối thoại, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo giải quyết kịp thời, không để nhân dân khiếu kiện vượt cấp.

Trong đó, vụ các hộ dân ở xóm 4a, 4b thôn Vĩnh Tuy tranh chấp đất rừng với ông Đô (chủ rừng), lãnh đạo huyện Sơn Tịnh đã giải thích, vận động, ông Đô nhượng lại cho xã Tịnh Hiệp 50% diện tích đất rừng ở núi Ba Bò - Đá Béo để giao lại cho người dân; đồng thời hỗ trợ cho bà con 28.000 cây keo giống...

Theo người dân thôn Vĩnh Tuy, nguyên trước đây, khu đất ông Đô canh tác là do người dân xóm 4 canh tác. Năm 1996, khi thực hiện chương trình, dự án PAM, ông Võ Văn Minh là chủ nhiệm HTX lúc bấy giờ đã đứng ra làm chủ dự án cùng một số người dân địa phương khác trồng rừng.

Việc triển khai dự án không công khai cho người dân biết, nên người dân xóm 4 yêu cầu các ông nói trên trả lại đất nhưng họ không thực hiện. Năm 2008 người dân trồng keo, nhưng không ai có ý kiến gì. Năm 2014, ông Huỳnh Tấn Đô ở xã Tịnh Bình nhận sang nhượng của các hộ nói trên thì có tranh chấp... Nay qua đối thoại, ông Đô đồng ý giao lại 50% diện tích đất cho người dân và hỗ trợ 28.000 cây keo giống thì chúng tôi đồng ý...

Cũng theo ông Diệp, qua tiếp xúc, đối thoại, ý kiến phản ánh của nhân dân đã tạo sự chuyển biến về trách nhiệm, tinh thần thái độ của cán bộ công chức từ huyện đến xã trong việc sâu sát cơ sở, giải quyết các vụ việc, các thủ tục hành chính cho nhân dân... Đặc biệt là, qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại đã tạo điều kiện thuận lợi để mỗi người dân được bình đẳng, công khai đóng góp ý kiến, kiến nghị trực tiếp với cơ quan, đơn vị hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến người dân.

Những cuộc đối thoại, tiếp xúc còn giải quyết kịp thời những vướng mắc từ cơ sở, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, nhất là việc thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế, xã hội của huyện, thực hiện tốt chức năng giám sát, kiểm tra của Ban Thanh tra nhân dân và giám sát cộng đồng đối với các cơ quan, tổ chức trên địa bàn.

Các cuộc đối thoại, tiếp xúc giữa lãnh đạo huyện với nhân dân, việc trả lời của các cơ quan chức năng càng tạo điều kiện cho người dân thực hiện quy chế dân chủ tốt hơn. Mọi người phát huy quyền làm chủ của mình, tham gia đóng góp ý kiến cùng với huyện xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh ở địa phương.

Tổ chức tốt tiếp xúc, đối thoại giữa bí thư các cấp ủy đảng với nhân dân ở Sơn Tịnh đã tạo sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện. Các ý kiến của nhân dân đóng góp mang tính xây dựng,  tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Các ý kiến đóng góp còn là cơ sở để các cơ quan, đơn vị của huyện chú trọng cải cách hành chính, giải quyết dứt điểm những bức xúc, vướng mắc từ cơ sở...

Bài, ảnh: BÁ SƠN

 


.