Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng- Kỳ 3: Lắng nghe để chỉnh đốn Đảng

05:10, 15/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Đổi mới phong cách, tác phong làm việc, gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với nhân dân” là một trong những yêu cầu quan trọng của Bộ Chính trị trong Chỉ thị 05 về  đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Với những cách làm sáng tạo đã được thực hiện, duy trì trong nhiều năm qua thông qua việc tiếp xúc, đối thoại giữa bí thư cấp ủy với nhân dân trong toàn tỉnh, được xem là nền tảng để Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đưa Chỉ thị 05 đi vào cuộc sống.

TIN LIÊN QUAN

"Diễn đàn dân chủ" của nhân dân

Năm 2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 2539 về việc ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại (TXĐT) trực tiếp giữa bí thư cấp ủy các cấp với nhân dân. Đây được xem là cách làm sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đặt kỳ vọng.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ đối thoại với các hộ dân xã Phổ Phong (huyện Đức Phổ) để giải quyết những vướng mắc trong QL 24.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ đối thoại với các hộ dân xã Phổ Phong (huyện Đức Phổ) để giải quyết những vướng mắc trong QL 24.

Sau 4 năm thực hiện, sự kỳ vọng đã thành hiện thực, bởi nhiều vấn đề tưởng chừng không xử lý được đã được chỉ đạo giải quyết, bảo vệ được quyền lợi chính đáng của tổ chức, cá nhân. Chỉ vào giấy chứng nhận QSDĐ, ông Võ Văn Thuần ở thôn Hòa Mỹ, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) kể: Gia đình tôi thuộc diện cấp đất, tái định cư và tôi đã làm nhà ở ổn định từ năm 2000.

Thế nhưng, nhiều năm sau đó vẫn không được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, mặc dù tôi và nhiều hộ dân đã nhiều lần kiến nghị. Đến khi đồng chí Bí thư Huyện uỷ về đối thoại thì sự việc này mới “lộ” ra. Sau đó khoảng 3 tháng các hộ dân ở đây đều có sổ đỏ. Nếu không có cuộc gặp gỡ này, chắc còn lâu mới đòi hỏi được quyền lợi.

Không chỉ giải quyết kịp thời những quyền lợi chính đáng của nhân dân, mà từ các cuộc đối thoại, nhiều sai phạm ở cơ sở cũng được phát hiện nhờ “tai mắt của dân”. Bốn trường hợp hưởng trợ cấp hằng tháng đối với người bị bắt tù đày không đúng đối tượng ở xã Phổ An (Đức Phổ) là một minh chứng.

Sau TXĐT, Bí thư Huyện ủy Huỳnh Quý đã chỉ đạo kiểm tra và yêu cầu dừng chi trả cho 4 đối tượng này. Hay như 4 hộ dân sống ở khu vực hạ lưu, thượng lưu các cầu Sông Rơ, Bầu Nước (dưới tuyến đường tránh QL 1 qua thị trấn Đức Phổ) thuộc xã Phổ Minh (Đức Phổ), bị đe dọa tính mạng mỗi mùa mưa bão đến, nhưng giờ đã có nhà cửa khang trang, an toàn.

Trên 7.000 vụ việc (chiếm hơn 80%)  liên quan  đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; công tác quản lý đất đai; thực hiện chế độ chính sách… từ kiến nghị của nhân dân trong toàn tỉnh được giải quyết thành công đã và đang cho thấy quyết tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở trong học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Không chỉ “lắng nghe dân” để giải quyết những bức xúc, nổi cộm ở cơ sở, việc TXĐT với nhân dân còn thể hiện việc “trọng dân, học dân”.

Nhiều buổi TXĐT, người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp công khai xin lỗi dân vì cán bộ, chính quyền cấp dưới thiếu tinh thần trách nhiệm, gây bất bình trong dư luận như: Vụ chính quyền để doanh nghiệp xâm hại mồ mả ở xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi); sai phạm trong đền bù, giải phóng mặt bằng của một số cán bộ xã Phổ Phong (Đức Phổ); vụ khai thác cát ở Cửa Đại (xã Nghĩa An)...

Bí thư Thành ủy Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính cho rằng, nếu cán bộ cấp dưới làm sai thì trước mắt người đứng đầu cấp trên phải nhận trách nhiệm, nếu ảnh hưởng đến dân thì xin lỗi dân ngay, không trốn tránh gì cả. Để tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, nhân dân, trước hết người đứng đầu cấp ủy phải thể hiện được vai trò nêu gương, nói phải đi đôi với làm.

"Tôi khẳng định rằng, những buổi đối thoại như thời gian qua là hết sức cần thiết, đó không chỉ đơn thuần là đưa Đảng đến gần với dân hơn, mà đây còn là sự đổi mới trong phương thức lãnh đạo của Đảng; sự sáng tạo của Đảng bộ tỉnh trong xây dựng chỉnh đốn Đảng. Qua đó đã củng cố được niềm tin của dân với Đảng", đồng chí Nguyễn Tăng Bính nói.

Thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng với dân

Có thể khẳng định rằng, việc TXĐT trực tiếp giữa bí thư cấp ủy với nhân dân nay trở thành công việc thường xuyên của cấp ủy, xây dựng niềm tin và trách nhiệm giữa dân và cán bộ, tất cả vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ đã khẳng định: TXĐT trực tiếp với nhân dân là để người đứng đầu cấp ủy thực sự đến với dân gần hơn, nghe dân nói mà không bị “khúc xạ”, không bị “nhiễu” bởi nguồn thông tin khác.

Trong thực tiễn, nhiều việc dân đặt ra rất chính đáng, rất đúng pháp luật, nhưng do bệnh quan liêu của một số bộ phận cán bộ nên giải quyết không đến nơi đến chốn, không kịp thời mà người đứng đầu cấp ủy khó quán xuyến hết được. Do đó, TXĐT còn là một kênh thu nhận thông tin về cán bộ cấp dưới, về những tồn tại ở cơ sở... để lãnh đạo, điều hành toàn diện hơn. Nếu kiến nghị của dân chưa đúng thì kiên trì giải thích, kiên trì vận động người dân.

Cũng theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đa phần người dân đều tốt, nên một khi cán bộ nói đúng pháp luật, giải quyết có tình, có lý thì người dân ủng hộ. Cái mà người dân đang bức xúc hiện nay là, một bộ phận cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm trước những bức xúc của dân. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục duy trì công tác TXĐT, coi đây là việc làm thường xuyên, không đợi khi có điểm nóng mới đối thoại. Đấy cũng là học tập phong cách gần dân, sát dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Bài, ảnh: THANH THUẬN

 


.