Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng- Kỳ 2: Lượng đi đôi với chất

03:10, 13/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...” là một trong ba nhiệm vụ đột phá. Do đó, thời gian qua, Tỉnh ủy đã chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về công tác cán bộ, nhất là công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển... với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Coi trọng công tác quy hoạch

Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, nhiệm kỳ 2015 - 2020; xây dựng quy hoạch cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2020- 2025 và những năm tiếp theo. Theo đó, nhấn mạnh đến tiêu chí  trình độ chuyên môn. Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn 04, ngày 31.5.2016 quy định rõ: “Cán bộ sinh năm 1965 trở về sau, khi đưa vào quy hoạch cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, các chức danh lãnh đạo, quản lý phải có trình độ đại học hệ chính quy hoặc trên đại học.

Trường hợp đặc biệt, nếu tốt nghiệp đại học không chính quy thì phải có năng lực thực tiễn vượt trội, có uy tín, phẩm chất đạo đức, được đơn vị tín nhiệm”. Điều đó cho thấy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đặt chất lượng cán bộ lên hàng đầu, kiên quyết không đề bạt, bổ nhiệm lại cán bộ, công chức, viên chức không bảo đảm điều kiện theo quy định.

Đồng chí Nguyễn Viết Vi (đứng giữa) - Bí thư Huyện ủy Lý Sơn là cán bộ trẻ dưới 35 tuổi đầu tiên của tỉnh thực hiện Quy chế luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ trẻ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Đồng chí Nguyễn Viết Vi (đứng giữa) - Bí thư Huyện ủy Lý Sơn là cán bộ trẻ dưới 35 tuổi đầu tiên của tỉnh thực hiện Quy chế luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ trẻ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.


Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín, cho biết: Trong hai nhiệm kỳ qua (XVII và XVIII), Tỉnh ủy đều xác định phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ đột phá. Từ  “phát triển” ở đây có hàm ý là nói đến “số lượng”. Tuy nhiên, đến Đại hội XIX, nhiệm kỳ 2015 -2020 thì công tác cán bộ được đưa lên một tầm cao mới: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” là nhiệm vụ đột phá. Chất lượng ở đây là phải nói đến trình độ, năng lực chuyên môn.

Để có chất lượng thì ngay từ khâu tuyển dụng, quy hoạch phải chặt chẽ. Hướng dẫn 04 cũng nói rõ yêu cầu của công tác quy hoạch cán bộ là nhằm phát hiện sớm nguồn cán bộ, nhất là cán bộ trẻ có đức, có tài, có triển vọng về khả năng lãnh đạo, quản lý; đưa vào quy hoạch để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý, đáp ứng nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Chính vì vậy, tiêu chí để đưa vào quy hoạch bắt buộc phải là đại học hệ chính quy, cùng với đó là quy định về độ tuổi (nam là từ năm 1966, nữ từ năm 1971 trở lại). Nếu đơn vị, địa phương nào làm không đúng với quy định thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ không xem xét phê duyệt.

Nhiều cơ quan, đơn vị cũng kiên quyết không đưa thạc sĩ được đào tạo “ngoài luồng” vào công tác quy hoạch. Công tác quy hoạch cũng thực hiện công khai, dân chủ, đúng quy định, tạo niềm tin, động lực mới trong đội ngũ cán bộ.

Theo Đề án tuyển chọn học sinh, sinh viên tỉnh cử đi đào tạo trong và ngoài nước giai đoạn 2016-2020 vừa được HĐND tỉnh thông qua, Quảng Ngãi sẽ bố trí 195 tỷ đồng  (từ ngân sách) chọn cử 250 người đi đào tạo đại học, sau đại học trong và ngoài nước. Và từ năm 2020 đến những năm tiếp theo sẽ tiếp tục ưu tiên khoảng 330 tỷ đồng để cử 400 người đi đào tạo đại học, sau đại học trong và ngoài nước. Người được cử đi đào tạo phải phục vụ công tác tại tỉnh Quảng Ngãi ít nhất 10 năm.

Đào tạo và thu hút nhân tài

Công tác đào tạo cán bộ trong những năm gần đây luôn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chú trọng. Đặc biệt, sau kiểm điểm phê bình và tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI), một trong những khuyết điểm được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ ra là sự hụt hẫng trong đội ngũ cán bộ. Từ năm 2011 - 2015, toàn tỉnh đã có gần 6.500 lượt cán bộ được cử đi đào tạo chuyên môn (23 tiến sĩ; 340 thạc sĩ) và đào tạo lý luận chính trị; trên 15.000 lượt cán bộ được đi học các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Đặc biệt là, đào tạo được 2  lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ, lãnh đạo quản lý cho trên 100 cán bộ là Tỉnh ủy viên, các đồng chí dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Đây là lớp học đầu tiên, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt hàng và nội dung tập trung những vấn đề mà thực tiễn xã hội đã và đang diễn ra. Giai đoạn 2016 – 2020, dự kiến sẽ có gần 1.500 cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể, khối chính quyền được đào tạo đại học chuyên môn (chủ yếu là cán bộ cấp xã); đào tạo thạc sĩ 608 cán bộ và tiến sĩ 41 người (có 8 thạc sĩ và 4 tiến sĩ được đào tạo tại nước ngoài); 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong tỉnh được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức.

Trong nhiệm kỳ này, tỉnh ưu tiên đào tạo chuyên sâu các ngành nghề tỉnh thật sự có nhu cầu, đối tượng đào tạo là cán bộ trẻ, được đào tạo chính quy, thực hiện tốt nhiệm vụ, có phẩm chất đạo đức để trở thành cán bộ khoa học, kỹ thuật, chuyên gia đầu ngành.

Tỉnh sẽ tuyển chọn 50 học sinh giỏi, xuất sắc, có thành tích tại các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia và sinh viên giỏi, xuất sắc ở các trường đại học có uy tín để cử đi đào tạo đại học, sau đại học trong và ngoài nước, tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho những năm đến. Tỉnh cũng kiên quyết không sử dụng ngân sách cho việc đào tạo để chuẩn hóa bằng cấp, đào tạo sau đại học đối với cán bộ, công chức, viên chức, tốt nghiệp đại học hệ tại chức, từ xa, hệ vừa học vừa làm. Đây được coi là bước đổi mới quan trọng trong công tác đào tạo cán bộ của tỉnh.

Phải rèn luyện từ thực tiễn

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Quang cho rằng: Luân chuyển cán bộ là tạo điều kiện để rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, có triển vọng, giúp cán bộ trưởng thành nhanh, toàn diện và vững vàng hơn, đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ trước mắt và lâu dài. Đồng thời, tăng cường cho các ngành, lĩnh vực, địa bàn trọng yếu, khó khăn nhưng thiếu cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành: “Quy chế luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ trẻ”. Theo đó, yêu cầu “Cán bộ luân chuyển sau 1 năm phải nắm bắt được tình hình và phát hiện được những vấn đề mới, những vấn đề khó khăn, yếu kém, mâu thuẫn... ở đơn vị mới, đề xuất các giải pháp hữu hiệu để tổ chức thực hiện. Sau 2 năm có kết quả, sau 3 năm phải tạo ra sự chuyển biến rõ nét, được địa phương, đơn vị và cơ quan quyết định luân chuyển ghi nhận”.

Việc luân chuyển đối với cán bộ đương nhiệm, trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý và cán bộ trẻ phải đảm bảo thời gian công tác ít nhất là 3 năm (trường hợp đặc biệt thì cấp có thầm quyền quyết định luân chuyển quyết định thời gian luân chuyển ít hoặc nhiều hơn). Việc luân chuyển cán bộ trẻ cũng được quy định tuổi phải dưới 35 (kể cả cán bộ là người dân tộc thiểu số) hiện giữ chức vụ trưởng, phó phòng và tương đương có trình độ chuyên môn đại học chính quy trở lên, có năng lực và chiều hướng phát triển tốt.

Với những cách làm mới trong công tác cán bộ, Đảng bộ Quảng Ngãi đã và đang quyết tâm khắc phục hạn chế, khuyết điểm về công tác cán bộ, hướng đến xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bài, ảnh: THANH THUẬN


*Kỳ 3: Lắng nghe để chỉnh đốn Đảng
 


 


.