Chiến thắng Đá Bàn, bước ngoặt lịch sử giải phóng Ba Tơ

07:10, 30/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày này 44 năm về trước, cuộc tổng công kích đánh chiếm huyện lỵ Ba Tơ đã gây nên tiếng vang lớn, dồn địch vào thế chân tường. Biết không thể trụ vững trước sức mạnh của quân đội ta, quân địch rút lui về khu vực Đá Bàn phía bên kia bờ sông Liên cố thủ. Sau 45 ngày với nhiều chiến thuật tiến công khác nhau, các cánh quân của ta đã bao vây, tiêu diệt và chiếm được “yết hầu” quan trọng của địch, tạo nên điểm tựa vững chắc để giải phóng toàn bộ huyện Ba Tơ...

Trận đánh quyết định

Với quyết tâm “bằng mọi giá phải giải phóng Ba Tơ” để làm chủ trận địa, từ đầu năm 1972, các kế hoạch tấn công, giải phóng trung tâm huyện lỵ Ba Tơ đã được lên kế hoạch một cách cụ thể. Và khi cuộc chiến bước vào giai đoạn quyết định, quân ta đã nhanh chóng làm chủ tình hình khi đánh chiếm huyện lỵ Ba Tơ vào ngày 18.9.1972.

Di tích Chiến thắng Đá Bàn tại thị trấn Ba Tơ.
Di tích Chiến thắng Đá Bàn tại thị trấn Ba Tơ.


Mất trung tâm huyện lỵ, ngụy quân, ngụy quyền rút về cố thủ ở khu quân sự Đá Bàn. Trước tình thế trên, các lực lượng quân đội ta trên chiến trường lúc đó gồm: Bộ đội chủ lực Trung đoàn 52, Bộ đội đặc công của Quân khu 5, D20 của tỉnh và toàn quân dân trong huyện Ba Tơ đã bàn nhiều phương án tác chiến, cuối cùng đã chọn phương án chính là vượt sông Liên đánh úp vào sườn địch cộng với sự yểm trợ của các cánh quân khác.

Sau nhiều đợt truy kích làm tiêu hao sinh lực địch và thu nhiều súng ống, đạn dược, cũng như chiếm được một số vị trí điểm cao quan trọng tạo nên tiếng vang lớn, quân ta đã tiến hành cuộc tổng tiến công khu biệt kích Đá Bàn vào ngày 20.10.1972. Trước vòng vây ngày càng bị siết chặt, địch điên cuồng dùng máy bay B52 ném bom và nã pháo vào trận địa của ta hòng cứu nguy tình thế.

Nhưng với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân Ba Tơ đoàn kết quyết tâm bám trận địa, giành với địch từng tấc đất để vây ráp với mục tiêu bằng mọi giá phải đánh sập khu trung tâm biệt kích Đá Bàn. Sau hơn một tuần bám trận địa và tiến công dữ dội, đến khuya ngày 29.10 chúng ta cơ bản đã làm chủ trận địa, đến ngày 30.10.1972 lá cờ Mặt trận đã cắm trên nóc Sở chỉ huy Tiểu đoàn 69 Khu biệt kích Đá Bàn.

Như vậy, sau 45 ngày đêm chiến đấu ác liệt, chịu biết bao gian khổ, hy sinh, chúng ta đã giành thắng lợi huy hoàng, giải phóng hoàn toàn quận lỵ Ba Tơ, đưa 5.000 người dân lâu nay bị kìm kẹp làm hàng rào lá chắn cho chúng trở về làng cũ xây dựng cuộc sống mới.

“Trận Đá Bàn là trận đánh then chốt, quyết định thắng lợi của quân ta, bởi giành được Đá Bàn là chúng ta đã đập tan hàng rào cố thủ của địch. Với quyết tâm cao chúng ta đã giành thắng lợi vẻ vang”, Phó Bí thư  Huyện ủy Ba Tơ Đinh Ngọc Vỹ cho biết.
 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ba Tơ là địa phương thứ hai trong cả nước (sau huyện Phước Long - tỉnh Bình Phước) được giải phóng. Ba Tơ cũng là nơi khai sinh ra Đội Du kích Ba Tơ anh hùng, tiền thân của lực lượng vũ trang Liên khu 5.

Trưởng thành về nghệ thuật quân sự

Nói về cuộc tổng tiến công và đánh chiếm Khu biệt kích Đá Bàn, Phó Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Đinh Ngọc Vỹ bảo đấy không phải là trận chiến đơn thuần như bao trận đánh khác, mà là một trận chiến đánh dấu sự trưởng thành trong nghệ thuật quân sự của quân đội Việt Nam.

“Khi công tác chuẩn bị đánh chiếm huyện lỵ Ba Tơ đã xong xuôi, quân ta mở cuộc tiến công và đánh chiếm rất dễ dàng, nhưng khi đánh sang Đá Bàn thì mọi chuyện không hề đơn giản. Bởi thời điểm đó là mùa mưa, nước sông Liên rất lớn, trong khi phía quân địch xây dựng boong ke, đồn bốt, lô cốt rất chắc chắn, cố thủ để giữ “cửa ngõ” Ba Vì.

Bên cạnh đó còn có sự yểm trợ của máy bay ném bom, pháo kích và huy động lực lượng quân số lên đến 2.000 tên, nên chiến sự diễn ra rất ác liệt. Bên cạnh nghệ thuật chiến tranh nhân dân thì yếu tố quyết định trong trận đánh then chốt này là sự kiên trì, anh dũng và mưu trí trong từng khoảnh khắc nhất định”, đồng chí Đinh Ngọc Vỹ nhận định.

Điểm đặc biệt trong nghệ thuật quân sự ở trận chiến Đá Bàn là sau khi chiếm được cứ điểm quan trọng của địch, chúng ta đã xác định được địch sẽ không dễ dàng gì bỏ cứ điểm chiến lược, nên trước sau gì cũng huy động lực lượng đánh úp trở lại hòng tái chiếm. “Nhờ nhận định tốt tình hình, quân đội ta đã bày binh bố trận, từ một Trung đoàn chúng ta phát triển thành Lữ đoàn đóng quân tại đây để giữ Đá Bàn.

Đúng như dự đoán, địch tấn công trở lại nhưng nhờ có sự chuẩn bị tốt, nên quân và dân huyện Ba Tơ đã đánh bại các cuộc tiến công hòng tái chiếm của địch. Bài học lớn nhất từ chiến thắng đá bàn là nghệ thuật quân sự “Tấn công địch trong công sự vững chắc và từ tấn công chuyển sang phòng ngự dài ngày”, nhờ đó đã giữ vững được Đá Bàn, mở rộng vùng giải phóng của tỉnh, tạo bàn đạp quan trọng cho các cuộc tổng tiến công sau này", Phó Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Đinh Ngọc Vỹ cho hay.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC


 


.