Anh Hai của tôi

10:07, 26/07/2016
.

Phạm Đương


(Baoquangngai.vn)- Trong Nghĩa trang liệt sĩ xã Tịnh Hà huyện Sơn Tịnh hiện nay có một ngôi mộ mang tên Phạm Văn Hồng. Đó là tên anh trai đầu của gia đình mà tôi vẫn thường “né” cái tên cúng cơm ấy, chỉ gọi bằng thứ, tức “anh Hai”. Cùng với 3 ngôi mộ bên cạnh, có thể nói, đó là những ngôi mộ gió trong nghĩa trang này. Vì bên trong những ngôi mộ ấy, hoàn toàn không có xương cốt.

Anh Hai tôi tuổi Quý Tỵ (1953). Đang học dở dang lớp 11 (hồi đó gọi là Tú tài bán) Trường Trần Quốc Tuấn thì anh “nhảy núi” cùng với 7 thanh niên trong làng. Đó là vào một đêm mùa hè năm 1971. Sáng hôm sau đêm anh tôi “nhảy núi” ấy, tôi nhìn khuôn mặt mẹ tôi nhàu nhĩ mà không hiểu chuyện gì xảy ra với mẹ trong đêm. Bà đi một vòng trong xóm và bắt gặp 6 bà mẹ nữa có cùng hoàn cảnh như mình. Những âu lo kèm tiếng thở dài bắt đầu xuất hiện trên khuôn mặt những bà mẹ của làng tôi kể từ ngày ấy.

Hơn một năm sau thì có người “trên núi” báo về là anh Hai tôi sẽ ghé thăm nhà sau khi chữa lành vết thương kể từ trận đánh tại Đồi 47 thuộc xã Tịnh Bình bây giờ. Mẹ tôi bồn chồn đi ra đi vào suốt mấy buổi chiều sau khi nhận tin vui ấy.

Nhưng điều mong đợi của người mẹ sắp đón đứa con từ mặt trận trở về đã không xảy ra. Sau này, một đồng đội của anh tôi kể lại, trên đường từ Bệnh viện dã chiến (hình như là B21 đang đóng ở một vùng rừng nào đó của huyện Sơn Hà) về nhà thì gặp đơn vị hành quân từ khu Đông lên, nên anh tôi “nhập” luôn với đơn vị để vào phía Nam tỉnh Quảng Ngãi. Chuyến đi vào các huyện phía Nam lần ấy đã đưa chàng trai 19 tuổi là anh Hai tôi mãi mãi tan vào hư vô.

Mùa mưa năm 1972, đơn vị đặc công của Tỉnh đội Quảng Ngãi đánh đồn An Đại (trên thị trấn Sông Vệ bây giờ). Anh Hai tôi là một trong 12 người lính tham gia trận đánh. Và anh đã vĩnh viễn nằm lại nơi ngọn đồi đầy sỏi đá và gai dứa dại ấy.

Một đồng đội của anh tôi hiện là thương binh, tham gia trận đánh kể lại: “Hai Hồng hy sinh ngay loạt đánh bộc phá để phá hàng rào kẽm gai đầu tiên”. Anh ấy lý giải: “Vì Hồng là tiểu đội trưởng, tức “mũi trưởng”, mà đã là “mũi trưởng” thì phải đi đầu!”. Ba giờ sáng, đồn An Đại đã im tiếng súng, chỉ còn khét lẹt mùi thuốc đạn. 

Lính đặc công đánh đồn luôn luôn “gọn nhẹ” về quân số. Tôi nghe kể lại rằng trận ấy chỉ có 12 chiến sĩ tham gia, 4 người hy sinh, 4 người bị thương, 4 người còn lại “mạnh khỏe” nên phải cõng 4 người bị thương cùng các loại súng trở về hậu cứ. Họ đành phải “bỏ lại” 4 đồng đội của mình ngay giữa trận địa. Tôi biết, đó là một quyết định khó khăn khi không lấy được xác anh em mình về, vì họ biết điều gì sẽ xảy ra với 4 cái xác ấy ngay buổi sáng hôm sau.

Tháng 8.1975, theo chân một đồng đội cũ của anh Hai, tôi vào núi An Đại. Một người dân dưới chân núi đã dẫn chúng tôi lên tận hố bom đã thành huyệt chung của bốn người lính ngày ấy. Dứa dại và gai mắt mèo đã phủ dày lên nấm đất. Năm ấy tôi 15 tuổi, cái tuổi chưa đủ từng trải để mà òa lên như mẹ tôi đã từng nức nở khi nhận hung tin 3 năm trước đó. Tôi lặng lẽ ra về và thuật lại hiện trạng “nấm đất” ấy để mẹ tôi hay.

Cuộc sống cơ cực của những năm sau ngày hòa bình đã vùi lấp mọi dự định, trong đó có dự định mang hài cốt anh tôi trở lại quê nhà. Lúc đầu mẹ tôi có bảo cha tôi vào An Đại mang xác anh tôi về, nhưng rồi khi nghe cha tôi nói rằng 4 đứa chôn chung một mộ thì biết đứa nào là con mình mà mang về, thì mẹ tôi im lặng.

Cho đến một ngày mẹ tôi linh cảm rằng quỹ thời gian không dành nhiều cho bà nữa, một lần nữa bà lại yêu cầu đem xác anh tôi về. Lần này thì bà giao nhiệm vụ ấy cho tôi chứ không “cậy” vào cha tôi nữa. Và tôi lên đường vào một sớm mùa hè năm 1994.

Vào xã Nghĩa Phương trình bày lí do kèm theo giấy giới thiệu của Phòng Lao động-Thương binh & Xã hội Tư Nghĩa, một vị lãnh đạo xã lắc đầu: “Vậy thì số mộ ấy đã dời về nghĩa trang thị trấn Sông Vệ rồi”. Ông ấy đưa “danh sách và sơ đồ” của 4 liệt sĩ hy sinh núi An Đại năm 1972 kèm lời dặn: “Anh cứ đào 4 ngôi mộ vô danh này từ số … đến số … là sẽ trúng ngôi mộ người thân của anh”.

Y lời dặn, cậu em tôi bổ nhát cuốc đầu tiên xuống một trong 4 ngôi mộ “vô danh” ấy thì gặp một miếng thiếc chôn kèm. Trên miếng thiếc ấy ghi: “Liệt sĩ hy sinh tại cầu Cây Bứa”. Mấy anh em tôi đứng như trời trồng! Chúng tôi hỏi ý kiến cha mình, có nên tiếp tục tìm cho ra 4 liệt sĩ hy sinh tại An Đại hay chấm dứt? Cha tôi nói, thôi số anh con nó vậy, cứ đào 4 ngôi mộ mà họ đã cho phép mình đào...

Ngày đưa 4 chiếc quách ấy về chôn ở nghĩa trang liệt sĩ Tịnh Hà, mẹ tôi vui như đón đứa con lưu lạc lâu ngày, nay trở lại quê hương. Nhìn cảnh mẹ tôi ôm từng chiếc quách được phủ cờ Tổ quốc, ruột chúng tôi quặn thắt từng cơn. Chúng tôi đã dấu sự thật với mẹ mình theo lời dặn của cha tôi. Chúng tôi đã giữ lời hứa ấy với cha mình bằng một nỗi đau không gọi thành tên mỗi khi mẹ tôi nhắc về giọt máu của bà sau mấy mươi năm lưu lạc. Thế nhưng chúng tôi đã nhầm.

Cứ đến ngày 27.7 hằng năm, anh em tôi lại “thì thụt” chuyện cũ. Một hôm, mẹ tôi gọi cả mấy anh em lại rồi khẽ khàng: “Mẹ biết hết những gì mà các con giấu mẹ. Anh Hai con giờ đã tan vào đất cả rồi. Nó đã làm xong phần việc của đời trai thời đất nước có giặc. Bốn nấm đất ở nghĩa trang Tịnh Hà, chúng cũng là con của mẹ thôi mà”.


Năm ấy tôi ba mươi lăm tuổi. Và tôi đã khóc.

“Ngày nào mẹ ngồi hiên nhà
đợi anh Hai về từ mặt trận
anh Hai giờ thành cây dứa dại làng An Đại
mà mẹ ơi sao dáng mẹ ngồi không đổi
có phải dáng mẹ ngồi hay là đá núi?”


                                         (thơ tôi)


 


.