"Đạo đức là yếu tố làm nên sức mạnh của Đảng"

06:06, 03/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta đề ra mục tiêu “Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Lần đầu tiên Đảng ta đặt xây dựng Đảng về đạo đức ngang với chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đây là điểm mới trong tư duy xây dựng Đảng, là bổ sung hết sức cần thiết, phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Trao đổi với PV.Báo Quảng Ngãi về vấn đề này, Tiến sĩ Trương Thị Mỹ Trang -Tỉnh ủy viên, Phó hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh nhấn mạnh: “Đạo đức là yếu tố làm nên sức mạnh của Đảng, tạo ra sự hấp dẫn cho Đảng đối với quần chúng và làm cho Đảng trở thành một Đảng chân chính, vĩ đại”.
 

 

“Sự bổ sung về mặt đạo đức là đáp ứng kịp thời những đòi hỏi bức thiết của công tác xây dựng Đảng hiện nay, bảo đảm cho Đảng hoàn thành tốt những trọng trách, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của cách mạng”.
Tiến sĩ Trương Thị Mỹ Trang

Đẩy lùi suy thoái trong cán bộ, đảng viên

Tại Đại hội lần thứ XII, Đảng đã chỉ rõ hạn chế cần phải tập trung khắc phục trong công tác xây dựng Đảng. Đó là tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn. Theo tiến sĩ Trương Thị Mỹ Trang, Đảng đã mạnh dạn nhìn thẳng vào thực tế để đặt ra yêu cầu về đạo đức trong xây dựng Đảng, nhằm không ngừng nâng cao sức chiến đấu của Đảng, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Tiến sĩ Trương Thị Mỹ Trang cho rằng, trong một thời gian dài, lý luận xây dựng Đảng thường chỉ nhấn mạnh xây dựng Đảng trên ba mặt: Chính trị, tư tưởng, tổ chức. Chúng ta đã đồng nhất một cách giản đơn xây dựng Đảng về tư tưởng với xây dựng Đảng về đạo đức mà chưa đặt vấn đề đạo đức ngang tầm với vai trò của nó trong Đảng, trong xã hội. Là Đảng cầm quyền, trong điều kiện nước ta thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc làm thế nào để Đảng thật sự vững vàng, trong sáng về đạo đức là một thách thức lớn, vừa mang tính cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài.

Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương của Bác  

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức của đảng viên và xây dựng đạo đức trong Đảng. Trước lúc đi xa, Người còn căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng về đạo đức là để làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đảng phải tiên phong thực hiện sứ mệnh giải phóng con người, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho con người với phương châm: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.

Để nâng cao đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên, nhằm góp phần xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh cần phải đặt lên hàng đầu việc tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng; gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”...



    PHƯƠNG LÝ


 
 


.