Câu chuyện gần dân, sát dân ở Long Hiệp

09:05, 25/05/2016
.

Báo Quảng Ngãi)-Gần dân, sát dân để phát huy sức mạnh từ dân là bài học quý mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Ở xã Long Hiệp (Minh Long) việc “gần dân, sát dân” đã giúp cán bộ, đảng viên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân để tháo gỡ những khó khăn, xây dựng cuộc sống ngày một ấm no.

Gần 3 năm nay, đều đặn mỗi sáng thứ 2, 4, 6 hằng tuần, Ban cán sự thôn Hà Bôi (xã Long Hiệp) gồm Bí thư chi bộ thôn, Trưởng thôn, Công an viên và Trưởng ban công tác Mặt trận đều có mặt tại nhà sinh hoạt văn hóa thôn để gặp dân. Việc làm này không còn xa lạ với nhân dân trong thôn. Vì đây là "cuộc gặp", nên dường như  giữa cán bộ và người dân không có khoảng cách. 

Ông Đinh Văn Khó – Trưởng thôn Hà Bôi cho biết: Nói là tiếp dân, nhưng thực tế đây chỉ là những cuộc gặp gỡ dân mà thôi. Chúng tôi thấy đây là việc làm cần thiết, có lợi cho cả chính quyền và dân nên chúng tôi làm. Những cuộc gặp gỡ này vừa lắng nghe ý kiến của dân, vừa giải quyết các vụ việc hay giải đáp các thắc mắc của dân về pháp luật.

Cán bộ thôn Hà Bôi (xã Long Hiệp) tiếp dân định kỳ.
Cán bộ thôn Hà Bôi (xã Long Hiệp) tiếp dân định kỳ.


Do đặc thù của một xã miền núi còn nhiều khó khăn, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế dẫn đến một số người dân hiểu chưa đúng về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nên những cuộc gặp gỡ như thế này đã giải tỏa được phần nào những hạn chế đó.

Người dân cũng thấy được sự cần thiết từ những cuộc gặp gỡ thế này, nên bất kể mùa nắng hay mùa mưa, nhà sinh hoạt văn hóa thôn vẫn mở cửa đều đặn, và hầu như buổi nào cũng có người dân đến trình bày về các vụ việc xảy ra trong thôn, đề nghị giải đáp các thắc mắc về lịch thời vụ, chính sách y tế, mâu thuẫn vợ chồng, tranh chấp đất đai, nghi kỵ đồ độc...

Điển hình như vụ việc của ông Đinh Vôm và ông Đinh Văn Xảy. Cuối năm 2015, ông Xảy đã khiếu kiện lên ban cán sự thôn, vì cho rằng diện tích đất rừng mà ông Vôm đang canh tác là của gia đình mình có từ thời ông bà. Sau khi tiếp nhận khiếu kiện, ban cán sự thôn đã kiểm tra giấy tờ, thủ tục mang tính pháp lý rồi xác định mảnh đất trên ông Vôm sở hữu là đúng.

Từ đó, Ban cán sự đã đến gia đình ông Xảy để giải thích cặn kẽ và đã giúp ông hiểu ra vấn đề  nên không còn khiếu kiện. Chia sẻ với chúng tôi, ông Đinh Văn Xảy, nói: “Ban đầu mình cứ nghĩ mảnh đất đó là của gia đình mình, ông Vôm lại canh tác, trồng trọt trên đó nên mình mới kiện. Giờ ban cán sự thôn giải thích rõ và đưa giấy tờ chứng minh mảnh đất đó đúng là của ông Vôm. Mình hiểu ra rồi, không kiện nữa”.

Không chỉ ở thôn Hà Bôi, việc cán bộ thôn tổ chức những cuộc gặp dân như thế này được thực hiện đều khắp tại 7/7 thôn trong xã Long Hiệp, bắt đầu từ năm 2014 xuất phát từ nhu cầu của người dân, cũng như mong muốn hiểu được những nguyện vọng của người dân để Đảng bộ, chính quyền lãnh đạo đề ra và thực hiện có hiệu quả những quyết  sách.

Đồng chí Nguyễn Tấn Ngàn – Bí thư Đảng ủy xã Long Hiệp, cho biết: Đảng bộ xã xác định, việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên, liên tục trong từng cán bộ, đảng viên. Một trong những cách “làm theo” mà cấp ủy duy trì và thực hiện có hiệu quả đó là sửa đổi lề lối làm việc theo hướng gần dân, sát dân được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ.

Điều đáng nói là, việc làm theo này được triển khai đồng bộ từ xã đến thôn. Cán bộ xã tiếp dân thì đã có quy định, nhưng cán bộ thôn “tiếp dân” thì mới. Tuy nhiên, xuất phát từ yêu cầu thực tế của địa phương nên cấp ủy chọn cách làm này để cán bộ cơ sở được “gần dân, sát dân, lắng nghe dân” nhiều hơn.

Từ việc chủ động tiếp dân hằng tuần ngay tại thôn đã kịp thời nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người dân, đồng thời giải quyết tốt các vụ việc, nên không còn tình trạng người dân khiếu nại vượt cấp...

Học Bác từ chính những công việc hằng ngày và từ những việc mà người dân cần là điều mà cán bộ, đảng viên ở xã Long Hiệp đã và đang thực hiện khá hiệu quả; họ luôn phấn đấu để xứng đáng "là người công bộc tận tụy, trung thành của dân”.

Bài, ảnh: Thanh Thuận

 


.