Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng: Những điểm mới về xây dựng Đảng

04:01, 18/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong tiến trình đổi mới, hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng, Đảng ta luôn tự chỉnh đốn để thích ứng với sự vận động của xã hội, nhưng đồng thời vẫn đảm bảo vai trò lãnh đạo toàn diện các mặt đời sống xã hội của Đảng. Điều này được thể hiện rõ trong Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) trình Đại hội XII của Đảng. Đây cũng là những điểm mới về công tác xây dựng Đảng so với Đại hội XI của Đảng.

TIN LIÊN QUAN

Mở đầu tiêu đề của Dự thảo đã đi ngay vào vấn đề trọng đại của đất nước là: “Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh…”. Điều đó cho thấy, trong mọi giai đoạn cách mạng, công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng ta đặt lên vị trí hàng đầu. Để đạt được mục tiêu đó, Dự thảo nhấn mạnh: “…ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ…”. Sở dĩ phải đưa ra giải pháp này là vì, thực tế đã có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… mà Nghị quyết TƯ4 (khóa XI) đã nhận định. Giải pháp này không phải chỉ thực hiện trong một giai đoạn nhất định mà phải thường xuyên, liên tục, vì đây là giải pháp căn cơ, quyết định sự sống còn của Đảng ta. Do đó, trong định hướng của công tác xây dựng Đảng, Dự thảo báo cáo trình Đại hội XII tiếp tục nêu “…trọng tâm là cương quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI”.

Trong công tác dân vận, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn cách mạng đặt ra hiện nay và trong những năm đến, Dự thảo báo cáo tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI). Đó là: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân”. Đây cũng là điểm mới so với Báo cáo ở Đại hội XI. Không chỉ vậy, trong Văn kiện trình Đại hội XII,  nội dung công tác dân vận được lồng ghép trong mục xây dựng Nhà nước pháp quyền, còn Dự thảo lần này đã dành cho công tác dân vận một mục riêng. Điều này cho thấy, vai trò làm chủ của nhân dân luôn được Đảng ta coi trọng, nên trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn tuân thủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”, vì mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân là mối quan hệ máu thịt, mối quan hệ sống còn của đất nước.

Còn vấn đề tham nhũng, lãng phí, Đảng ta coi đây là vấn nạn của đất nước, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của  Nhà nước. Vì thế, để giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện và quyết tâm chính trị của Đảng đối với vấn nạn này, Dự thảo báo cáo đã đưa vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí vào mục xây dựng Đảng. Đồng thời, nhấn mạnh: “Hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu lực, hiệu quả…; phòng ngừa để không có tham nhũng… trừng trị để không dám tham nhũng”.

Sự quyết tâm này là cơ sở để củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Bên cạnh đó, để phù hợp với giai đoạn cách mạng mới, Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng còn bổ sung một số cụm từ nhằm làm sáng tỏ thêm vị trí và vai trò của công tác xây dựng Đảng. Cụ thể là, nếu như Đại hội XI nêu: “Nâng cao chất lượng và hiệu  quả công tác tư tưởng, lý luận”, thì Dự thảo lần này lại nhấn mạnh: “Đổi mới công tác tư tưởng, lý luận”. Sự đổi mới ở đây được thực hiện trên phương diện nội dung và phương thức tổ chức, nhưng vẫn trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên…

Cũng trong lĩnh vực này, Dự thảo báo cáo nêu “Tăng cường rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng”, trong khi đó, Đại hội XI chỉ đề cập “Rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân”. Sự bổ sung hai cụm từ “tăng cường” và “cơ hội, thực dụng” cho thấy, thực tế vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa chịu khó rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống; còn có biểu hiện cơ hội, thực dụng trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, để mỗi đảng viên, tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) trở thành hạt nhân chính trị, nền tảng vững chắc của Đảng thì phải không ngừng đổi mới hoạt động của TCCSĐ, đảng viên. Dự thảo báo cáo nêu: “Kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các TCCSĐ và nâng cao chất lượng đảng viên” (Đại hội XI chỉ đề cập: Kiện toàn TCCSĐ, nâng cao chất lượng đảng viên). Dự thảo báo cáo còn  nhấn mạnh việc “Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ”; “…nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng”…

Một điểm mới không kém phần quan trọng nữa là, xuất phát từ thực tiễn đất nước trong tiến trình mở cửa hội nhập sâu rộng với thế giới, Đảng ta phải không ngừng tự chỉnh đốn để phù hợp với thực tiễn. Vì thế, Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII đã bổ sung nhiều điểm mới so với Đại hội XI. Cụ thể là, Đại hội XI chỉ nêu “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”, nhưng đến Dự thảo trình Đại hội XII thì bổ sung “Đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng”.

Những điểm mới đó cho thấy, Đảng ta không bảo thủ, khép kín mà luôn tự thân vận động, tự đổi mới, tự chỉnh đốn để phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, nhưng trên nền tảng chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Phú Đức
 


.