Nâng cao vị thế của HĐND trong hệ thống chính trị

08:01, 02/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2015 đã kết thúc, đánh dấu một năm hoạt động đầy nỗ lực của HĐND tỉnh, góp phần tích cực cho sự thành công của cả nhiệm kỳ 2011-2016.

TIN LIÊN QUAN

HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân và cơ quan nhà nước cấp trên. Vì thế, HĐND có vai trò khá quan trọng, quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát triển kinh tế- xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Với vai trò đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc đổi mới phương thức làm việc trên cơ sở các quy phạm pháp luật và thực tiễn của địa phương…

Đổi mới phương thức làm việc

Sự sáng tạo, linh hoạt trong hoạt động đã góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, giữ vững quốc phòng an ninh và thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Thị Xuân Hồng nói: Đến thời điểm này, HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2011-2016 đã hoàn thành cơ bản nội dung chương trình công tác của nhiệm kỳ. Để hoàn thành nội dung các kỳ họp thường kỳ và đột xuất, Thường trực và các Ban của HĐND tỉnh đã chủ động xem xét, chủ trì mời lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban ngành liên quan để chuẩn bị nội dung.

Thường trực HĐND tỉnh giám sát công tác niêm yết TTHC tại phường Trần Hưng Đạo, TP.Quảng Ngãi.
Thường trực HĐND tỉnh giám sát công tác niêm yết TTHC tại phường Trần Hưng Đạo, TP.Quảng Ngãi.


Nét mới và sự khoa học trong nhiệm kỳ này là, Thường trực HĐND tỉnh đã  chú trọng đến việc ban hành các Nghị quyết chuyên đề, tính pháp lý, tính thực tiễn của các tờ trình, đề án… Cụ thể là, phân công các Ban của HĐND tỉnh tiếp cận, nghiên cứu nội dung ngay từ dự thảo của các sở, ngành trình UBND tỉnh. Không chỉ vậy, Thường trực HĐND tỉnh còn chủ động họp bàn bước đầu với UBND tỉnh để phản biện, làm sáng tỏ thêm tính pháp lý (trên cơ sở các văn bản luật, nghị định, thông tư…) và tính thực tiễn trước khi hoàn chỉnh đề án, tờ trình, báo cáo trình ra kỳ họp. Đồng thời, cung cấp những thông tin cần thiết cho đại biểu HĐND tỉnh để làm căn cứ thảo luận. Như trong năm 2015, để chuẩn bị cho 3 kỳ họp (gồm 2 kỳ họp thường kỳ, một kỳ họp chuyên đề), không tính 1 kỳ họp bất thường về nhân sự, Thường trực HĐND tỉnh chỉ thống nhất với UBND tỉnh đưa ra 8 nội dung, chuyển sang kỳ họp sau 10 nội dung, vì một số vấn đề chưa có văn bản pháp quy của Trung ương quy định, hoặc chính sách đó không còn phù hợp thực tiễn…
 

“Từ đầu nhiệm kỳ đến nay HĐND tỉnh đã giải quyết dứt điểm hoặc cơ bản dứt điểm 117/124 vấn đề đặt ra trong chất vấn, có những vấn đề được giải quyết ngay sau chất vấn, nhưng cũng có nhiều vấn đề phải trải qua 2 đến 3 kỳ họp mới giải quyết xong…”.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Thị Xuân Hồng.

Ngay như kỳ họp cuối năm 2015, HĐND tỉnh cũng không trình ra 2 nội dung mà theo dự kiến sẽ trình. “Sở dĩ có sự thận trọng đó là do chúng tôi muốn Nghị quyết HĐND tỉnh thông qua phải thực sự đi vào cuộc sống, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm nguồn lực thực hiện, tránh việc duy ý chí, đề ra quá nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, nhưng nguồn lực không tương ứng…”, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Thị Hồng nói.

Cùng với đó, Thường trực HĐND tỉnh còn tổ chức nhiều đợt giám sát chuyên đề có chất lượng, thúc đẩy công tác đầu tư xây dựng cơ bản, y tế, giáo dục, an sinh xã hội... có hiệu quả. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh còn tiếp nhận 503 ý kiến, kiến nghị của cử tri, trong đó thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh 431 kiến nghị. UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng đã giải quyết 429 kiến nghị, trong đó có 423 kiến nghị được giải quyết, trả lời đầy đủ cho cử tri. Bên cạnh đó, Thường trực HĐND tỉnh còn phối hợp với UBMTTQVN tỉnh xác định 30 vấn đề bức xúc, đề nghị UBND tỉnh trả lời ngay tại kỳ họp. Đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo giải quyết 30 vấn đề này, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri.

Nâng cao hoạt động chất vấn

Chất vấn của đại biểu HĐND là hoạt động giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử. Quyền này được xác định rõ ràng, đầy đủ trong Hiến pháp Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật khác như: Hiến pháp 1980 quy định tại Điều 120. Đến Hiến pháp 1992 quy định tại Điều 122, cơ bản như Hiến pháp 1980, nhưng đối tượng bị chất vấn được mở rộng hơn. Cụ thể là: “Đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chủ tịch HĐND, Chủ tịch và các thành viên khác của UBND, Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND và thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND. Người bị chất vấn phải trả lời trước HĐND trong thời hạn do luật định”. Đối với Hiến pháp 2013, các nội dung về chất vấn cơ bản được giữ nguyên như Hiến pháp năm 1992.

Bà Phạm Thị Thanh Tâm ở tổ 4, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) cho rằng, gần đây, một số đại biểu HĐND tỉnh có nhiều đổi mới trong công tác chất vấn, chuyển tải được những tâm tư, nguyện vọng và cả những bức xúc của cử tri; mạnh dạn truy vấn đến cùng trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến những tồn tại, phát sinh mới ở địa phương. “Giờ đây, trình độ dân trí được nâng cao, tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, nên cử tri rất quan tâm việc đặt câu hỏi chất vấn của đại biểu, vì điều này thể hiện bản lĩnh, năng lực, đặc biệt là trách nhiệm của đại biểu trước cử tri”, bà Tâm nói. Còn ông Nguyễn Văn Hoàng ở xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh)  thì chia sẻ: “Bản thân tôi cũng là đại biểu HĐND huyện Sơn Tịnh nên tôi hiểu được sức ép của người được chỉ định trả lời chất vấn. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta hứa cho qua chuyện. Nếu làm vậy sẽ mất lòng tin trong cử tri”.

Có thể nói, nội dung chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh ngày càng cụ thể, thiết thực, đi thẳng vào những vấn đề “nóng” được cử tri quan tâm, như: Quy hoạch treo, ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, công trình đầu tư xây dựng cơ bản kém hiệu quả... Các đại biểu HĐND tỉnh cũng đã quyết liệt hơn trong tranh luận, truy vấn để làm rõ vấn đề. Bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế như: Nội dung chất vấn chưa thiết thực, có một số ít đại biểu từ đầu  nhiệm kỳ cho đến nay chưa thực hiện quyền chất vấn, do tâm lý ngại va chạm...r
 

PHÚ ĐỨC

 


.