Ký ức về Đại hội VI của Đảng

02:01, 14/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đại hội XII của Đảng sẽ diễn ra trong tuần tới. Đại hội lần này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn của 30 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Với những đồng chí đã tham dự Đại hội VI (năm 1986) thì sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đã cho thấy sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

TIN LIÊN QUAN

Đồng chí Phạm Văn Đồng trò chuyện với đoàn đại biểu tỉnh Nghĩa Bình dự Đại hội VI năm 1986.
Đồng chí Phạm Văn Đồng trò chuyện với đoàn đại biểu tỉnh Nghĩa Bình dự Đại hội VI năm 1986.


Đến bây giờ là tròn 30 năm, kể từ lúc ông là đại biểu chính thức của tỉnh Nghĩa Bình tham dự Đại hội VI của Đảng (1986), nhưng ông Từ Tân Vũ vẫn không thể quên được không khí của những ngày diễn ra Đại hội. Ông Vũ nhớ lại: Đoàn đại biểu tỉnh Nghĩa Bình đi dự Đại hội do đồng chí Đỗ Quang Thắng – Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn. Lúc đó tôi là Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Quảng Ngãi và là thư ký của Đoàn tỉnh Nghĩa Bình trong thời gian diễn ra Đại hội VI. Vì Đại hội diễn ra trong bối cảnh đất nước rơi vào khủng hoảng, lạm phát phi mã đến 3 con số, một phần nguyên nhân khách quan trước đó là đất nước vừa hòa bình, vừa có chiến tranh (chiến tranh Tây Nam, chiến tranh Tây Bắc), bị bao vây cấm vận, sự tấn công của các thế lực thù địch; trong nước thì kéo dài quá lâu cơ chế tập trung quan liêu bao cấp dẫn đễn khủng hoảng kinh tế sâu,  nghiêm trọng, nên tình thế buộc phải đổi mới. Do đó mà tinh thần Đại hội VI nêu lên là “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật khách quan, mạnh dạn phê phán, dũng cảm đề ra đường lối đổi mới”.

Đại hội chính thức diễn ra từ ngày 15 - 18.12.1986, nhưng do tính chất quan trọng nên phiên trù bị kéo dài 10 ngày (từ ngày 4.12 đến ngày 14.12.1986). Trong đó có 4 ngày dành cho phần nội dung và có đến 6 ngày dành cho phần nhân sự. Nguyên nhân kéo dài như vậy là vì đây là thời kỳ chuyển giao thế hệ, từ thế hệ tiền bối cách mạng (từ Cách mạng Tháng Tám, trong kháng chiến chống Pháp) chuyển giao cho thế hệ kế cận (thời kỳ kháng chiến chống Mỹ). "Mà việc chuyển giao thế hệ này thành công thì phải nói đến vai trò của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng", ông Vũ nhấn mạnh.

Chúng ta đã biết, Bác Đồng là người học trò xuất sắc nhất, gần gũi  với Bác Hồ. Cho nên khi bàn đến nhân sự, Bác Đồng lấy Di chúc của Bác Hồ và nói những ý nguyện của Bác Hồ tâm sự với Bác Đồng về xây dựng Đảng để làm cuộc chuyển giao thế hệ. Chính những lời lẽ sâu sắc và nhìn xa trông rộng của Bác Đồng nên Đại hội đồng tình rất cao. Xong phần nhân sự, thì bàn đến việc đổi mới và yêu cầu phải đổi mới để khắc phục sai lầm, khuyết điểm, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng và đẩy mạnh công cuộc xây dựng CNXH. Đổi mới được xác định ở đây là, trước hết phải đổi mới tư duy, phải chống lại tư tưởng chủ quan, duy ý chí. Đặc biệt là, phải đổi mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh là “lấy dân làm gốc”, dân là sức mạnh, dân là chủ thể. Nếu phát huy được sức mạnh của người dân thì sẽ có nguồn lực vô tận để thực hiện các mục tiêu đặt ra.

30 năm nhìn lại những thành quả mà Việt Nam đạt được mới thấy rằng, trên nền tảng tư tưởng của Bác Hồ, Đảng ta đã lãnh đạo, đưa nền kinh tế đất nước vượt qua khủng hoảng là một cuộc cách mạng ngoạn mục, vì lúc đó lạm phát đến 3 con số. Giờ đây có thể khẳng định rằng, sự nghiệp đổi mới theo định hướng XHCN do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo và tổ chức thực hiện đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, đúng như Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII đã nhận định: “Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển.

Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hoá - xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh...”. Chính những thành tựu này đã tạo tiền đề quan trọng để Đảng ta lãnh đạo, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.

Với việc đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, Đại hội VI (năm 1986) đã đem lại luồng sinh khí mới trong xã hội, làm xoay chuyển tình hình, đưa đất nước tiến lên. Dù vẫn còn nhiều hạn chế, khuyết điểm như Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng đã nêu, nhưng  những thành quả của 30 năm đổi mới đã, đang và sẽ là động lực to lớn để đưa đất nước tiếp tục có bước phát triển vững chắc trong thời gian tới.

Thanh Thuận
 


.