HƯỚNG ĐẾN KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN (6.1.1946 - 6.1.2016)
Quốc hội Việt Nam mạnh cùng đất nước

09:12, 26/12/2015
.

 *Nguyễn Cao Phúc - Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh


(Báo Quảng Ngãi)- Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, ngày 6.1.1946, lần đầu tiên người dân Việt Nam thông qua lá phiếu của mình đã trực tiếp lựa chọn những người có tài, có đức để gách vác công việc nước nhà, đánh dấu sự ra đời của Quốc hội nước Việt Nam.

Phát triển cùng lịch sử dân tộc

Sau gần một thế kỷ đấu tranh giành độc lập, người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành công dân của một nước độc lập, tự do, tự mình quyết định vận mệnh lịch sử của mình. Toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, tôn giáo, giai cấp, đảng phái, từ 18 tuổi trở lên đều tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội khoá I - Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất đầu tiên của chính quyền Nhân dân. Ở nhiều nơi trên đất nước, đặc biệt là ở Nam Bộ, cuộc bầu cử đã diễn ra dưới bom đạn ác liệt, nhiều người đã ngã xuống để thực hiện quyền tự do, dân chủ của mình. Tất cả 71 tỉnh, thành trong cả nước lúc đó, với 89% tổng số cử tri đi bỏ phiếu, đã bầu được 333 đại biểu Quốc hội. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã thành công tốt đẹp.

 Đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên TƯ Đảng, Viện trưởng VKSND Tối cao, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi tham gia thảo luận tổ tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5.2015.  Ảnh: VPĐBQH
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên TƯ Đảng, Viện trưởng VKSND Tối cao, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi tham gia thảo luận tổ tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5.2015. Ảnh: VPĐBQH


Nhìn lại chặng đường 70 năm đã qua, Quốc hội Việt Nam đã trải qua 13 nhiệm kỳ hoạt động. Dù ở mỗi thời điểm, hoàn cảnh lịch sử khác nhau, nhưng đều đóng góp có tính quyết định vào sự nghiệp cách mạng chung của đất nước, của Nhân dân. Quốc hội khoá I có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng Nhà nước Dân chủ Cộng hòa từ những năm tháng đầu tiên sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, thông qua bản Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959, tạo nền tảng xây dựng nhà nước pháp quyền. Đây là khoá Quốc hội đặc biệt kéo dài gần 15 năm, hoạt động trong điều kiện cả nước vừa phải hoàn thành nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc, vừa thực hiện từng bước cải cách dân chủ, góp phần quan trọng vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân xâm lược, với thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, nước ta bước tiếp vào giai đoạn vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời tiếp tục đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
 

Nhiều người con ưu tú của Quảng Ngãi tham gia Quốc hội


Qua các khóa Quốc hội, Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi vinh dự đã có 84 đại biểu Quốc hội (trong đó có 19 vị tham gia từ 2 nhiệm kỳ trở lên) đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước. Trong số đó có nhiều người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi, như Cố Thủ tướng phạm Văn Đồng, Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, các đồng chí Phạm Kiệt, Hồ Thiết, Phạm Quang Lược…
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi qua các thời kỳ luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri trong mọi hoạt động, góp phần vào thắng lợi chung đất nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, được cử tri tỉnh nhà đánh giá cao và tin tưởng, quý trọng.

Quốc hội các khoá II, III, IV, V được tổ chức theo Hiến pháp 1959, hoạt động trong thời kỳ “tất cả cho tiền tuyến” để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, có những đóng góp to lớn vào việc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, khôi phục kinh tế ở miền Bắc, tạo dựng hậu phương vững chắc để đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống đế quốc ở miền Nam.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước năm 1975, chúng ta đã tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội khoá VI, Quốc hội chung cho cả nước. Quốc hội cũng đã thông qua bản Hiến pháp mới - Hiến pháp năm 1980. Sự kiện lịch sử có ý nghĩa rất trọng đại này đã mở đầu cho chặng đường phát triển mới trong quá trình đi lên của đất nước. Các khoá Quốc hội khoá VII, khoá VIII cũng được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp 1980, góp phần quan trọng đưa đất nước vượt qua những khó khăn trước những thăng trầm của lịch sử trong nước cũng như quốc tế. Thành tựu nổi bật nhất của Quốc hội khoá VIII là đã thông qua bản Hiến pháp 1992, Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, phù hợp với thực tế, đặc điểm, hoàn cảnh đất nước và xu thế tiến bộ của thời đại.

Quốc hội các khoá IX, X, XI và XII, Quốc hội của các thời kỳ đổi mới, đã phát huy tốt những thành tựu đạt được của các khoá trước, tiến hành tương đối đồng bộ, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước; tiếp tục kiện toàn bộ máy nhà nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Kế thừa và đổi mới

Ông Mã Điền Cư (bên trái), đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi  tiếp xúc cử tri xã Bình Tân (Bình Sơn).                                                   Ảnh: TL
Ông Mã Điền Cư (bên trái), đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi tiếp xúc cử tri xã Bình Tân (Bình Sơn). Ảnh: TL


Kế thừa truyền thống tốt đẹp và những thành tựu to lớn của các khóa Quốc hội trước đó, Quốc hội khoá XIII hiện nay đã có những đổi mới quan trọng trong xu thế nước ta hội nhập quốc tế mạnh mẽ, đa dạng trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội, để lại những dấu ấn quan trọng. Đó là thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, một bản Hiến pháp thể hiện tinh thần đổi mới sâu sắc, tạo ra khuôn khổ pháp lý vững chắc cho sự vận hành toàn bộ đời sống xã hội trên nền tảng dân chủ, pháp quyền và tạo ra động lực mạnh mẽ để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (được bổ sung, phát triển vào năm 2011). Thực hiện kiện toàn bộ máy nhà nước, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh để chủ động, sẵn sàng trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Quốc hội khóa XIII cũng để lại dấu ấn sâu đậm trong bạn bè quốc tế, tổ chức thành công nhiều hội nghị quan trọng tại Việt Nam như: Đại hội đồng AIPO lần thứ 23; Đại hội đồng AIPA lần thứ 31; Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU132)... đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của ngoại giao nghị viện Việt Nam, góp phần thiết thực vào tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế.

Chặng đường 70 năm qua, Quốc hội Việt Nam luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Quốc hội của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân và không ngừng lớn mạnh. Sự phát triển của Quốc hội là một quá trình liên tục kế thừa và không ngừng đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất hoạt động ngày càng chất lượng, quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước được Nhân dân, cử tri cả nước đồng tình ủng hộ, tín nhiệm. Song, nhiệm vụ phía trước của Quốc hội còn rất nặng nề, đòi hỏi hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội cần phải tiếp tục đổi mới, cải tiến hơn nữa để hoàn thành ngày càng tốt hơn các chức năng, nhiệm vụ đã được Hiến pháp và pháp luật quy định và đáp ứng sự kỳ vọng của Nhân dân./.

 


.