Nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của nhân dân

10:11, 24/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khiếu nại, tố cáo là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định, được Quốc hội cụ thể hóa thành các luật. Khiếu nại, tố cáo là công cụ pháp lý để người dân trực tiếp thực hiện quyền giám sát, kiểm tra đối với bộ máy Nhà nước.

Trong tiến trình xây dựng Nhà nước dân chủ, pháp quyền, yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên phải có nhận thức và thái độ đúng đắn với vấn đề khiếu nại, tố cáo của công dân. Từng cấp ủy đảng phải tôn trọng đúng mức quyền khiếu nại, tố cáo của công dân và đảm bảo việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo tuân theo pháp luật. Giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo là góp phần ổn định chính trị xã hội, làm tiền đề quan trọng để phát triển bền vững. Để làm tốt công tác khiếu nại, tố cáo trong thời gian đến cần chú trọng thực hiện đồng bộ một số giải pháp cụ thể như sau:

Lãnh đạo Thanh tra tỉnh tiếp công dân.
Lãnh đạo Thanh tra tỉnh tiếp công dân.


Một là, quán triệt và thực hiện đầy đủ các giải pháp bao quát, toàn diện đã được nêu ra trong Chương trình số 52-CTr/TU ngày 16.9.2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26.5.2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số 41-CT/TU ngày 11.6.2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hai là, khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh liên quan đến lĩnh vực đất đai (đang chiếm trên 75% vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị hiện nay) nhất là quy định về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư; về giá đất cụ thể của từng dự án để thực hiện bồi thường; quy định về giải quyết tranh chấp đất đai; tăng cường quản lý nhà nước về đất đai ở cả 3 cấp. Chú trọng kiểm soát việc thi hành công vụ của đội ngũ công chức, viên chức làm nhiệm vụ giải quyết TTHC về lĩnh vực đất đai cho công dân, doanh nghiệp; đội ngũ làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng vi phạm TTHC trong thu hồi đất đang còn xảy ra ở một số địa phương; đầu tư để hoàn thiện hồ sơ địa chính ở các cấp, hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đẩy mạnh hơn nữa việc công khai đầy đủ thông tin cho người dân và oanh nghiệp biết để giám sát và thực hiện.

Ba là, tập trung tuyên truyền pháp luật về đất đai, xây dựng và môi trường; pháp luật khiếu nại, tố cáo cho nhân dân và cán bộ xã, phường, thị trấn. Cần mở những lớp bồi dưỡng chuyên đề bắt buộc cho chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã nhiệm kỳ 2016-2021 về trách nhiệm quản lý đất đai, xây dựng, môi trường và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nếu chính quyền cấp cơ sở buông lỏng quản lý lĩnh vực này thì chắc chắn tình hình vi phạm pháp luật không thể ngăn chặn, đẩy lùi; khiếu nại, tố cáo còn nguy cơ phát sinh.

Bốn là, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị ngoài việc phải tuân theo pháp luật, làm sáng tỏ đúng sai về mặt pháp lý còn phải tìm ra phương án giải quyết tối ưu, vừa đảm bảo tính khách quan, trung thực, vừa đảm bảo có lý, có tình, có tính khả thi cao, tạo được sự đồng thuận của nhân dân là yếu tố quan trọng góp phần chấm dứt khiếu nại trên thực tế.

Năm là, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, nhất là Chủ tịch UBND các cấp, đặt biệt là Chủ tịch UBND cấp huyện, thành phố. Bởi vì: Cấp tỉnh chủ yếu là quyết định về cơ chế, chính sách; Chủ tịch UBND cấp xã chủ yếu làm nhiệm vụ xác nhận thông tin, số liệu ban đầu liên quan đến thực hiện chính sách, truyền đạt quyết định hành chính đến công dân; còn cấp ra quyết định cụ thể và tổ chức huy động lực lượng đảm bảo thi hành quyết định hành chính chủ yếu là cấp huyện, thành phố.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quy chế đối thoại của Bí thư cấp ủy với nhân dân; tăng cường chỉ đạo thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết nhiều TTHC liên quan đến người dân… Cấp trưởng không đùn đẩy cho cấp phó tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo mà đích thân phải giải quyết.

Sáu là, quan tâm lựa chọn cán bộ và củng cố cơ quan thanh tra, cơ quan Tài nguyên - Môi trường các cấp ngang tầm nhiệm vụ được giao. Hai cơ quan này mà không mạnh thì chắc chắn không thể cải thiện được tình hình khiếu nại, tố cáo. Kiện toàn tổ chức, cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân, nhất là trưởng ban tiếp công dân cấp huyện, thành phố, và cán bộ chuyên trách làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn.

Bảy là, có giải pháp phát huy trách nhiệm của chi bộ ở KDC - nơi xảy ra vụ việc theo hướng chi bộ có trách nhiệm tìm hiểu sự việc, báo cáo, kiến nghị người có thẩm quyền giải quyết. Các cơ quan có trách nhiệm giải quyết, nghiên cứu đầy đủ ý kiến, kiến nghị của chi bộ nơi xảy ra vụ việc để giải quyết, trường hợp xét thấy kiến nghị không phù hợp thì cần có sự giải thích thỏa đáng cho chi bộ để đảm bảo nhận thức, thống nhất tư tưởng thông suốt lãnh đạo nhân dân nơi xảy ra vụ việc ủng hộ quyết định giải quyết của cấp trên.

N.BÌNH
 


.