Kỷ niệm 75 năm Ngày Khởi nghĩa Nam Kỳ (23.11.1940-23.11.2015):
Biểu hiện sinh động của ý chí độc lập, tự do

01:11, 23/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau khi Phát-xít Nhật xâm lược Đông Dương, thực dân Pháp chấp nhận đầu hàng, nhân dân ta chịu 2 tầng xiềng xích: Pháp, Nhật. Phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn, không cam chịu cuộc sống nô lệ, được sự cổ vũ mạnh mẽ của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Xứ uỷ Nam Kỳ phát động và lãnh đạo, nhân dân Nam Bộ sục sôi, đoàn kết đứng lên tranh đấu giành độc lập, tự do.
 
Tháng 11.1939, Hội nghị Trung ương Đảng ta lần thứ VI họp tại Hóc Môn, Bà Điểm, Sài Gòn, đề ra chủ trương: “Cách mạng giải phóng dân tộc” bằng hình thức “bạo động” để giành chính quyền. Đồng chí Võ Văn Tần-Ủy viên Trung ương Đảng, kiêm Bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ lãnh đạo cán bộ, đảng viên địa phương thực hiện chủ trương của Đảng. Vào thời gian này, tuy một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng như Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ... bị thực dân Pháp bắt, nhưng công việc của Xứ uỷ Nam Kỳ vẫn tiếp tục được đồng chí Phan Đăng Lưu chỉ đạo thông qua các Hội nghị của Xứ uỷ. Nhờ đó, phong trào đấu tranh cách mạng không ngừng được  duy trì, củng cố và phát triển.

Đầu năm 1940, Ban Thường vụ Xứ uỷ do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư, vạch ra đề cương chuẩn bị bạo động, đưa các hoạt động tự phát của nhân dân vào phong trào chống thực dân Pháp và tay sai dưới sự lãnh đạo của Đảng, chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Lúc này, nhiều cuộc biểu tình nổ ra giữa ban ngày. Các đội tự vệ, du kích dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, phát triển tại những xí nghiệp lớn ở Sài Gòn, như: Ba Son, bến tàu, nhà đèn Chợ Quán, Trường Bách Nghệ... Ở nông thôn, phần lớn các xã đều có từ một tiểu đội đến một trung đội du kích.

Phong trào chống chiến tranh, chống bắt lính với khẩu hiệu “không một người lính, không một đồng xu cho đế quốc, chiến tranh” diễn ra sôi nổi. Nhờ làm tốt công tác binh vận, phần lớn trong số 15.000 binh lính người Việt đóng ở Sài Gòn sẵn sàng phối hợp với nhân dân nổi dậy. Trước tình hình quần chúng sôi sục, tháng 7.1940, Xứ uỷ Nam Kỳ họp mở rộng thông qua Đề cương chuẩn bị khởi nghĩa.

Đồng chí Phan Đăng Lưu, đại diện Trung ương Đảng, được cử tham dự Hội nghị Trung ương lần thứ VII để báo cáo và xin chủ trương của Đảng. Trung ương nhận định: Điều kiện ở Nam Kỳ và trong cả nước chưa chín muồi, vì vậy đề nghị Xứ uỷ Nam Kỳ chưa nên phát động khởi nghĩa. Sau đó, Trung ương phái đồng chí Phan Đăng Lưu quay trở về để hoãn cuộc khởi nghĩa.

Sau khi về đến Sài Gòn, đồng chí Phan Đăng Lưu bị địch bắt. Trong  thời điểm đó, Xứ uỷ đã phát lệnh khởi nghĩa toàn Nam kỳ vào nửa đêm ngày 22.11.1940, lệnh đã phát đi khắp nơi nên không thể thu hồi. Đêm 22 rạng sáng 23.11.1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ với khí thế mạnh mẽ và quy mô lớn chưa từng có. Từ Biên Hoà đến Cà Mau, nhân dân 18 tỉnh nổi dậy cướp chính quyền; ở Mỹ Tho 54 trong số 56 xã đã được giải phóng; ở Chợ Lớn nhân dân ta giành được nhiều tổng; ở Tân An, các xã ở hai bên bờ sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông.... đều về tay nhân dân. Cờ đỏ sao vàng và cờ đỏ búa liềm được kéo lên trước trụ sở làm việc của chính quyền cách mạng và trước nhà của nhân dân các địa phương. Ruộng, thóc của địa chủ phản động được phân chia cho dân cày, người nghèo...

Đến ngày 14.12.1940 địch dùng thuỷ, lục, không quân tiến công vào Mỹ Tho nhưng mãi đến 14.1.1941 chúng mới chiếm lại được và đẩy du kích vào Đồng Tháp Mười. Thực dân Pháp khủng bố rất khốc liệt, dã man. Chỉ trong 40 ngày, riêng bốn tỉnh Gia Định, Mỹ Tho, Long Xuyên và Cần Thơ có tới 5.640 người bị kẻ thù lấy dây thép xâu tay rồi phơi nắng cho đến chết khô, hoặc chất lên sà lan để đưa ra biển nhận chìm...

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tuy bị dập tắt nhưng kẻ địch vẫn chưa hết hoảng sợ về tinh thần yêu nước, bất khuất của nhân dân ta. Do đó, ngày 28.8.1941, lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam có một cuộc tàn sát với quy mô lớn. Các đồng chí lãnh đạo, những người con ưu tú của dân tộc, của Đảng, trong đó có Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai... đã bị thực dân Pháp bắt và sát hại.

Tuy chưa thành công và bị kẻ thù đàn áp vô cùng tàn bạo, nhưng cuộc khởi nghĩa đã để lại cho Đảng, nhân dân ta nhiều bài học bổ ích về khởi nghĩa vũ trang. Đồng thời tôi luyện được đội ngũ cán bộ, đảng viên trung thành với lý tưởng của Đảng, gương mẫu chiến đấu vì lợi ích của nhân dân. Nhất là tổ chức được hàng vạn quần chúng qua thử thách, chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thắng lợi sau này. Chính trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh phất phới tung bay, là biểu tượng sinh động của tinh thần yêu nước và ý chí độc lập, tự do.

Khởi nghĩa Nam Kỳ là một mốc son chói lọi, là biểu hiện về tinh thần bất khuất của nhân dân Việt Nam và nhân dân Nam Bộ. 75 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa lịch sử to lớn của cuộc khởi nghĩa mãi mãi là niềm tự hào sâu sắc, là bài học luôn có giá trị thực tiễn đối với những chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 
Tuấn Anh

 

.