Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23. 9.1945- 23.9.2015)
Vang mãi niềm tự hào

02:09, 23/09/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Ba tuần lễ sau ngày Chủ tịch Hồ chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 23.9.1945, thực dân Pháp được quân đội Anh giúp sức nổ súng đánh chiếm trụ sở Uỷ Ban nhân dân Nam Bộ tại Sài Gòn. Hành động đánh chiếm Nam Bộ của thực dân Pháp làm cho nhân dân cả nước ta sôi sục căm thù và nêu cao tinh thần đoàn kết, đứng lên kháng chiến chống thực dân, đế quốc.

TIN LIÊN QUAN

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân cả nước đồng lòng, chung sức cùng đồng bào Nam Bộ đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược để bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ, bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám, bảo vệ nền độc lập, tự do và thống nhất toàn vẹn nước nhà.

Phản kháng trước hành động ngang ngược của kẻ thù, Xứ uỷ Nam Bộ tổ chức Hội nghị mở rộng khẩn cấp tại phố Cây Mai, Chợ Lớn. Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Uỷ viên Thường vụ Ban chấp hành Trung ương Đảng tham dự.

Các đại biểu dự Hội nghị tập trung phân tích âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp trong việc gây chiến, cướp nước ta một lần nữa và kịp thời đề ra chủ trương phát động nhân dân Nam Bộ hưởng ứng chủ trương của Đảng và Xứ ủy Nam Bộ. Chiều ngày 23.9.1945, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ ở Nam Bộ. Nhân dân Sài Gòn- Chợ Lớn triệt để tổng đình công, không hợp tác với giặc bằng hành động, việc làm cụ thể: Chợ ngừng họp, xe cộ ngừng chạy, các hiệu buôn, nhà máy đóng cửa; bàn ghế, giường, tủ... được đưa ra đường phố để làm chướng ngại vật, phục vụ chiến đấu.

 

Những ngày đầu Nam bộ kháng chiến. Ảnh TL
Những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến. Ảnh TL


Hơn một vạn rưỡi chiến sĩ tự vệ công nhân, tự vệ thanh niên, các đội xung phong công đoàn, công an xung phong cùng nhân dân, với nhiều loại vũ khí, nêu cao tinh thần anh dũng đánh trả quân xâm lược. Hàng loạt nhà máy, kho tàng của địch bị quân và dân ta đánh phá, điện, nước bị cắt. Các đội vũ trang đột nhập sân bay Tân Sơn Nhất, vào bến cảng Sài Gòn đốt cháy tàu của Pháp vừa cập bến. Lực lượng của quân Pháp sau nhiều lần tiến ra hướng cầu Bông, cầu Kiệu đều bị ngăn chặn.

Với quyết tâm cao độ, cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân Sài Gòn- Chợ Lớn làm cho quân Anh, Pháp lâm vào lúng túng, khốn đốn. Địch phải sống, sinh hoạt trong một thành phố bị bao vây, không tiếp tế,  bị quân dân ta tập kích, làm tiêu hao lực lượng, khí tài. Do đó buộc chúng  phải tìm kế hoãn binh, đầu tháng 10.1945, Gra-xây làm trung gian cho Pháp để điều đình với ta.

Để tỏ rỏ thiện chí, sẵn sàng hợp tác trên cơ sở Pháp phải thừa nhận nền độc lập, thống nhất của nước ta, đồng thời có thêm thời gian để chuẩn bị kháng chiến, ngày 2.10.1945, đại diện của ta gặp đại diện của Pháp. Tuy nhiên quân Pháp vẫn ngoan cố, dựa vào quân tăng viện và nhờ sự trợ giúp của quân Anh, quân Nhật với hỏa lực mạnh hơn ta gấp bội, quân Pháp phá vỡ vòng vây Sài Gòn- Chợ Lớn, đánh chiếm các tỉnh lỵ ở Nam Bộ và một số tỉnh cực nam Trung Bộ.  Lúc bấy giờ, do chưa có nhiều thời gian chuẩn bị nên cuộc kháng chiến ở Nam Bộ của quân và dân ta gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, ngày 25.10.1945, hội nghị Xứ ủy mở rộng họp ở huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho để kiểm điểm, rút kinh nghiệm chỉ đạo kháng chiến. Bên cạnh biểu dương tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân, dân Nam Bộ, hội nghị đã chỉ ra những thiếu sót, hạn chế, nhất là trong việc xây dựng lực lượng vũ trang theo quan điểm của Đảng. Đồng thời quyết định khẩn trương tăng cường sự lãnh đạo về mọi mặt. Trong đó tập trung lãnh đạo lực lượng vũ trang, kiên trì giữ vững và đẩy mạnh hơn nữa cuộc kháng chiến, làm thất bại âm mưu đánh nhanh, giải quyết nhanh của thực dân Pháp.   

Hành động đánh chiếm Nam Bộ của thực dân Pháp làm cho nhân dân cả nước ta lúc bấy giờ sôi sục căm thù, nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm đứng lên kháng chiến chống thực dân, đế quốc. Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân cả nước luôn theo dõi sát tình hình chiến sự ở Nam Bộ. Ngày 26.9.1945, trong thư gửi đồng bào Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân dân Nam Bộ, Người khẳng định: “... Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của toàn dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính nghĩa...”.

Đảng, Chính phủ và Mặt trận Việt Minh phát động trong cả nước ủng hộ cuộc kháng chiến ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Hàng vạn thanh niên, các chiến sĩ tình nguyện nô nức lên đường tham gia chiến đấu. Hầu hết các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đều thành lập từ 1 đến 2 chi đội gửi vào Nam chiến đấu chống quân Pháp.  

Phong trào Nam tiến cùng với phong trào nhân dân cả nước ủng hộ cuộc kháng chiến của đồng bào Nam Bộ minh chứng rằng: ngay từ khi xâm lược nước ta một lần nữa, giặc Pháp đã vấp phải sức mạnh, tinh thần đoàn kết của nhân dân cả nước quyết tâm bảo vệ cho bằng được nền độc lập quý giá.

Tháng 2.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ tặng đồng bào miền Nam danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc”.

Nhân kỷ niệm, ôn lại sự kiện lịch sử, những ngày tháng hào hùng của tinh thần Nam Bộ kháng chiến cách đây 70 năm, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân chúng ta càng tự hào về dân tộc Việt Nam anh hùng, về Nam Bộ anh dũng kiên cường. Chúng ta càng ghi nhớ công ơn của hàng triệu người con ưu tú đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc Việt Nam.


 

Tuấn Anh
 


.