Nghị quyết của lòng dân (Kỳ 1)

09:09, 15/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với các tỉnh, thành trong khu vực, Quảng Ngãi đã và đang có những bước đi vững chắc trên con đường phát triển và hội nhập. Với tinh thần đoàn kết, đổi mới và một tầm nhìn chiến lược, trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề góp phần tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.
 

Kỳ 1: Câu chuyện giảm nghèo ở miền núi và ven biển, hải đảo


Khi cái đói đã lùi xa thì việc giảm nghèo nhanh và bền vững cho người dân được Đảng và Nhà nước đặt lên hàng đầu, đặc biệt là với người dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ven biển, hải đảo… Với Quảng Ngãi, để giải bài toán “giảm nghèo nhanh và bền vững”, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 04 về đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững ở 6 huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020. Cùng với đó, Tỉnh ủy đã tổ chức Hội thảo Quốc gia và thành lập Ban Chỉ đạo phát triển Lý Sơn, do Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Minh làm trưởng ban...


Xin ra khỏi hộ nghèo

Tháng 8.2012, bốn hộ nghèo người dân tộc Ca dong ở thôn 3, xã Trà Thủy (Trà Bồng) đã có một hành động khiến nhiều người nể phục là tự nguyện xin thôi làm hộ nghèo. Với anh Hồ Văn Quang (28 tuổi), bí quyết thoát nghèo của anh cũng thật đơn giản, đó là: Chịu khó lao động, tích góp từng đồng vốn có được dù đó là tiền làm thuê, không nghe theo kẻ xấu để suốt ngày uống rượu…

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đại diện các Bộ, ngành, EVN chính thức đóng điện lưới quốc gia cho đảo Lý Sơn.                                                                                                                                                                                         Ảnh: PV
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đại diện các Bộ, ngành, EVN chính thức đóng điện lưới quốc gia cho đảo Lý Sơn. Ảnh: PV


Với suy nghĩ đó, sau 3 năm bám rẫy, vợ chồng anh đã sở hữu được 2ha keo lai nguyên liệu, đàn bò 3 con, cùng với ngôi nhà mới khang trang, với diện tích trên 100m2, được Nhà nước hỗ trợ theo diện 167. Không chỉ vậy, vợ anh Quang còn mở tổ hợp làm chổi đót nhằm tăng thêm thu nhập gia đình và tạo việc làm cho nhiều chị em trong thôn. Anh Quang, nhớ lại: “Năm đó, gia đình xin ra khỏi hộ nghèo người dân trong thôn phản đối lắm. Nhưng mình nghĩ, vợ chồng còn trẻ, có sức khỏe, có đất rừng rồi, Nhà nước cho cây, con giống, vay vốn làm ăn…thì không thể nghèo mãi được”. Noi theo gia đình anh Quang, năm nào ở xã Trà Thủy cũng có vài hộ “xin” thoát nghèo.
 

Có 60/67 xã ở miền núi có đường ô tô đến trung tâm, 94,83% hộ dân có điện chiếu sáng, 100% xã có trạm y tế. Trong 5 năm qua, ngân sách nhà nước đầu tư cho miền núi là 3.500 tỷ đồng. Hộ nghèo từ 32.690 hộ năm 2010 giảm còn 16.264 hộ vào năm 2015, trung bình giảm 6,8%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII.

Trong số hơn 60 hộ xin thoát nghèo thì có đến 40 hộ thoát nghèo bền vững. Anh Hồ Văn Lế ở thôn 3 “xin” ra khỏi danh sách hộ nghèo năm 2014, bộc bạch: “Sau khi được xã tạo điều kiện để gia đình vay 40 triệu đồng đầu tư xây chuồng nuôi heo, đào ao nuôi cá, tôi quyết định xin thôi làm hộ nghèo. Tôi nghĩ, Đảng và Nhà nước không thể lo mãi được, mình phải tự lo cái ăn, cái mặc cho gia đình thôi”. Nghĩ là làm, ngoài chăn nuôi, anh Lế còn nhận đất trồng quế, canh tác theo phương châm lấy ngắn nuôi dài, nên giờ đây gia đình anh không những duy trì được việc thoát nghèo mà còn tích góp vốn lo cho con ăn học chu đáo.

Chủ tịch UBND xã Trà Thủy Hồ Văn Vàng, phấn khởi kể: Ngày trước, ai  cũng mong được cấp sổ hộ nghèo để được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Nhiều người có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào tiền trợ cấp hộ nghèo, không chí thú làm ăn. Giờ thì lối suy nghĩ ấy hết rồi, phần lớn người dân đều biết cách làm ăn và hỗ trợ nhau trong sản xuất.

Khi “cần câu” trao đúng chỗ

Để tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi thoát nghèo bền vững, nhiều địa phương đã có nhiều cách làm mới, như xây dựng các mô hình phát triển kinh tế VAC, VRAC… cán bộ kỹ thuật xuống đồng với dân, như: Mô hình nuôi cá điêu hồng ở hồ chứa nước Đồng Giang, xã Sơn Giang (Sơn Hà), tuy không mới đối với người dân đồng bằng, nhưng là một sự bứt phá của người dân miền núi Sơn Hà. Nhiều hộ học hỏi được kinh nghiệm và tận dụng lợi thế sẵn có ở địa phương để phát triển kinh tế gia đình. Điển hình như hộ ông Đinh Cà Nô nuôi cá điêu hồng mỗi năm thu lợi trên 40 triệu đồng. Đảng viên Đinh Văn Viết ở xã Sơn Tinh (Sơn Tây), chia sẻ: “Vốn, cây con giống đều cần, nhưng quan trọng là phải giúp dân thay đổi tập quán sản xuất cũ, chịu khó lao động, bỏ tư tưởng trông chờ, ỉ lại Nhà nước…”.

Đập thủy lợi được đầu tư ở huyện Sơn Hà đã góp phần phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.
Đập thủy lợi được đầu tư ở huyện Sơn Hà đã góp phần phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.


Với suy nghĩ đó, ông Viết cùng gia đình đã khai hoang làm được 2 ha lúa nước, 3ha rẫy, trồng 5ha rừng, nuôi 25 con trâu… thu nhập trung bình mỗi năm từ 25-30 triệu đồng. Ở Sơn Tây còn có mô hình nuôi cá tầm, trồng cây mắc- ca đầy triển vọng. Mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở xã Trà Phú (Trà Bồng) cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khi được ngành nông nghiệp hỗ trợ vốn, kỹ thuật trồng thử nghiệm thành công, bà Võ Thị Thành mạnh dạn mở rộng thêm diện tích trồng thanh long ruột đỏ, từ 2 sào lên trên 1ha. Mô hình này giờ cũng được nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong tỉnh, như Phổ Khánh (Đức Phổ), Long Sơn (Minh Long), Bình Khương (Bình Sơn)...
 

25 xã vùng bãi ngang ven biển, hải đảo của tỉnh được hỗ trợ 174 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 255 công trình hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh và sản xuất. Hơn 14.000 hộ nghèo thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2014 (theo chuẩn mới) từ 20,88% năm 2011 giảm xuống còn 9,82% vào cuối năm 2014.

Ông Hồ Văn Thế- Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Tổng vốn đầu tư từ ngân sách cho khu vực miền núi và vùng dân tộc thiểu số của tỉnh từ năm 2010 đến nay là hàng ngàn tỷ đồng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất và đời sống xã hội. Cùng với đó là sự chăm lo đầy trách nhiệm của cộng đồng xã hội, đã có 6.172 hộ nghèo được xây dựng nhà ở kiên cố để “an cư lạc nghiệp”. Thu nhập bình quân đầu người từ 4,8 triệu đồng năm 2010 lên 8,6 triệu đồng năm 2014. “Từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách đối với khu vực miền núi và vùng dân tộc thiểu số, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân”, ông Thế nhấn mạnh.

Biển, đảo bừng sáng


Có lẽ, đến bây giờ dân Lý Sơn vẫn ngất ngây trong niềm vui có dòng điện lưới quốc gia. Đây cũng là thời khắc để Lý Sơn bước sang một trang phát triển mới. Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Minh- Trưởng Ban chỉ đạo phát triển Lý Sơn, nói: “Lý Sơn giờ đã có đủ thiên thời, địa lợi để phát triển. Cùng với việc Chính phủ ban hành một số cơ chế chính sách đặc thù cho Lý Sơn, Tỉnh ủy cũng đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển Lý Sơn nên đã và đang tạo nên làn sóng hấp dẫn thu hút nhiều doanh nghiệp ra tìm kiếm cơ hội đầu tư”.

Mô hình thanh long ruột đỏ ở Trà Bồng giúp người dân phát triển kinh tế gia đình.
Mô hình thanh long ruột đỏ ở Trà Bồng giúp người dân phát triển kinh tế gia đình.


Tập đoàn Mường Thanh đã khởi đầu bằng việc đầu tư khách sạn 4 sao để đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ của khách du lịch trong và ngoài nước. Chị Nguyễn Thị Bé (xã An Hải) khoe: Có điện, sản xuất hành tỏi đỡ tốn nhân công, đời sống cũng khấm khá hơn. Vui nhất là Lý Sơn không còn là “ốc đảo” xa lạ với đất liền.

Diện mạo vùng ven biển trong tỉnh cũng đang khởi sắc từng ngày. Một khu đông Bình Sơn “ăn theo” NMLD Dung Quất đã hình thành nên dáng dấp của một đô thị Vạn Tường hiện đại trong tương lai. Các xã bãi ngang ven biển của Sơn Tịnh, Tư Nghĩa giờ là địa danh của TP.Quảng Ngãi, đang được xúc tiến đầu tư mạnh mẽ. Một Sa Huỳnh cũng được nâng tầm để cùng với Đức Phổ trở thành thị xã phía Nam trực thuộc tỉnh. Riêng 4 xã Nghĩa An, Tịnh Hòa, Tịnh Khê, Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi), từ năm 2008-2014 đã được đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia là 22 tỷ đồng, làm 69 công trình hạ tầng thiết yếu. Năm xã bãi ngang ven biển của huyện Mộ Đức cũng được đầu tư xây dựng 33 công trình hạ tầng… Các công trình thiết yếu này đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cải thiện đời sống nhân dân, rút ngắn chênh lệch về mức sống giữa các vùng, miền trong tỉnh.

Bài, ảnh: XUÂN HIẾU
 

*Kỳ 2: "Cái gốc của sự phát triển bền vững"


 


.