Lũy thép Xuân Phổ

03:09, 05/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những trận đánh oanh liệt khiến kẻ thù khiếp sợ. Những chiến công lẫy lừng ghi tạc vào sử sách đã làm nên một Xuân Phổ (xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa) quật cường trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng quê hương.

Làng kháng chiến    

Xuân Phổ - vùng đất trũng thấp ấy tưởng chừng chỉ có thể làm ra hạt lúa, củ khoai… vậy mà nơi đây đã viết lên những trang sử vàng oanh liệt.

Là cửa ngõ của vùng căn cứ cách mạng khu tây Tư Nghĩa và cũng là “cổng gác” của kẻ thù để bảo vệ “tổng hành dinh” ở đô thị Quảng Ngãi, nên vùng đất ấy đã hứng chịu những gì ác liệt nhất của chiến tranh.

Ông Nguyễn Ngọc Duy (thứ hai từ phải sang) cùng những đồng đội năm xưa đến thăm bia Chiến thắng Xuân Phổ.                                                                                           Ảnh: L.Đức
Ông Nguyễn Ngọc Duy (thứ hai từ phải sang) cùng những đồng đội năm xưa đến thăm bia Chiến thắng Xuân Phổ. Ảnh: L.Đức


Trong cuốn lịch sử Đảng bộ xã Nghĩa Kỳ, cái tên Xuân Phổ chiếm một vị trí trân trọng. Chiến công đầu tiên ở vùng “cách mạng đỏ” là sự kiện ngày 16.8.1945, Đại đội Phan Đình Phùng thuộc Đội Du kích Ba Tơ đã phục kích đánh quân Nhật càn quét. “Chiến thắng Xuân Phổ đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Quảng Ngãi” – sách Lịch sử Đảng bộ xã Nghĩa Kỳ viết.

Chiến thắng ấy cũng đã được khắc ghi ở tấm bia di tích ngay tại đầu làng Xuân Phổ. Trên bia, những dòng chữ ngắn gọn: “Tại đây, ngày 16.8.1945, Trung đội Ấm Loan, thuộc Đại đội Phan Đình Phùng của Đội du kích Ba Tơ do đồng chí Phan Phong và đồng chí Phan Điệt chỉ huy, đã chặn đánh một toán quân phát xít Nhật, gồm 45 tên càn vào làng Xuân Phổ. Diệt tại chỗ một tên sĩ quan, làm bị thương 10 tên khác, thu 1 súng trường và nhiều quân trang, quân dụng...” .

Sau khi giành chính quyền, vùng đất Xuân Phổ lại tiếp tục đứng lên đánh Pháp, đánh Mỹ với những chiến công hiển hách. Ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên dòng sông Trà những ngày đó đã trở thành nỗi khiếp sợ của những tên lính Mỹ, ngụy.

Trong những năm tháng chống Mỹ, Xuân Phổ được kẻ thù xác định là “mục tiêu  phải san bằng”. Do vậy, từ những năm 1960 đến 1970 Mỹ, ngụy liên tục điều động xe cơ giới và quân lính đến càn quét, ủi trắng vùng đất này để dễ dàng quan sát, kiểm soát.

Trước tình hình kẻ thù quyết tâm đánh vào Xuân Phổ, lãnh đạo huyện Tư Nghĩa và xã Nghĩa Kỳ ngày đó đã có những chỉ đạo kịp thời và đặc biệt là những chiến sĩ du kích tại địa phương gan dạ, kiên trung “bám thắt lưng địch mà đánh” đã khiến kẻ thù khiếp sợ. Trong đó có những chiến công lẫy lừng được lập nên bởi những… nông dân khát khao độc lập, tự do, sẵn sàng tham gia vào đội du kích xã cầm súng đánh giặc. Ngôi làng ấy với hơn 40 chiến sĩ du kích với súng trường, lựu đạn, mìn… đã chiến đấu ngoan cường, khiến cho kẻ thù là những đơn vị chính quy, có xe tăng yểm trợ cũng phải bỏ mạng.

Anh du kích nhận ba danh hiệu cao quý

Trong số hơn 40 chiến sĩ du kích ngày đó làm nên trang sử vàng của vùng quê cách mạng Xuân Phổ, thì lão nông Nguyễn Ngọc Duy với bí danh “ông Ba” đã trở thành nỗi ám ảnh đối với kẻ thù. Nhất là với những tên ác ôn, những tên tề điệp.

Căn nhà ông Duy nằm giữa đồng. Phía bên hông giáp với hồ Bầu Sắt, nơi đã trở thành “mồ chôn” của nhiều lính Mỹ, ngụy. Tóc đã bạc, da đã nhăn nheo, nhưng khi nhắc đến những tháng ngày “bám thắt lưng địch mà đánh”, đôi mắt ông Duy lại sáng rực lên. Ông Duy bảo: “Đánh giặc giành độc lập, giành lại tự do thì phải làm. Mà đã đánh thì phải “lỳ”, phải khôn khéo thì kẻ thù nó mới sợ!”.

Tham gia cách mạng năm 1964, khi vừa tròn tuổi đôi mươi, anh du kích với bí danh “ông Ba” ấy đã cùng đồng đội làm nên những trận đánh mà những tên chỉ huy của Mỹ, ngụy phải thừa nhận là “xuất quỷ nhập thần”. Ông Duy bộc bạch, 11 năm đánh giặc,  có lẽ trận đánh 12 ngày đêm bảo vệ quê hương mới thực sự khiến ông không thể nào quên.

Đó là vào cuối năm 1970, đầu năm 1971, khi Mỹ, ngụy dùng xe tăng, xe ủi và quân lính kéo lên Xuân Phổ càn quét với ý định san bằng vùng đất này. Xác định không thể bỏ quê hương rút về căn cứ, ông Duy và 7 đồng đội khác quyết tâm bám trụ, sẵn sàng chiến đấu với địch. “Khi đó, chúng tôi cùng người dân trong làng đào hầm bí mật, dùng những cây cột nhà mà bà con ở làng đã di tản để làm hầm, tạo ra những lô cốt để đánh địch” – ông Duy nhớ lại.

Mọi sự chuẩn bị đã sẵn sàng nhưng không thấy địch càn lên. Tưởng chừng địch không thực hiện âm mưu của chúng thì bất ngờ vào đầu năm 1971, địch sử dụng một liên đội bảo an gồm 5 đại đội, 2 đại đội tác chiến Mỹ và 1 đại đội công binh cùng 36 xe tăng, xe cơ giới và xe ủi để tiến hành một trận càn lớn.

“Phát hiện địch càn lên chúng tôi vào vị trí chờ sẵn. Khi trời vừa nhá nhem tối, kẻ thù lọt vào trận địa đã bày sẵn, chúng tôi nổ súng. 7 ngày đêm quần thảo với kẻ thù, giành nhau từng tấc đất và cuối cùng bọn chúng phải tháo chạy khi số quân lính bị hạ và phương tiện cơ giới bị anh em chúng tôi phá hủy quá nhiều. Một trận đánh nhớ đời” – ông Duy hồi tưởng.

Không từ bỏ âm mưu “lập vành đai trắng”, kẻ thù tiếp tục tổ chức càn quét lần nữa. Và lần này là 5 ngày đêm ông Duy cùng đồng đội quyết tâm phải làm cho kẻ thù biết “thế nào là du kích Xuân Phổ”. Một lần nữa những xe tăng, xe ủi, lính được trang bị súng máy, vũ khí tối tân phải tháo chạy. Những chiến công và sự dũng cảm, gan dạ, mưu trí  ấy của ông Duy và đồng đội đã được cấp trên khen, thưởng. Có 10 du kích Xuân Phổ được phong tặng các danh hiệu khác nhau. Riêng ông Duy được phong tặng ba danh hiệu cao quý là “Dũng sĩ diệt cơ giới”, “Dũng sĩ Quyết thắng” và “Dũng sĩ diệt Mỹ”.    

“Những danh hiệu mà tôi nhận được ngoài bản thân mình phấn đấu, rèn luyện và mưu trí trong từng trận đánh, thì sự giúp sức của đồng đội, của bà con xóm làng, của những người kề vai sát cánh mới thực sự quý giá và tự hào” – ông Duy thật thà nói.
 

Lê Đức
 


.